Thứ Hai, 22/04/2013 09:56

Tường thuật ĐHĐCĐ: Masan Consumer sẽ tung sản phẩm nước giải khát và nhãn hiệu cà phê mới vào tháng 6

Sáng nay (22/04), CTCP Hàng Tiêu Dùng Masan – Masan Consumer (MSF) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2013 với sự tham dự của 147 cổ đông, đại diện cho tỷ lệ 79.66% cổ phần có quyền biểu quyết.

Theo tờ trình đại hội, công ty đặt kế hoạch năm 2013 với doanh thu từ 13,000-15,750 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 3,750-4,200 tỷ đồng.

Trong năm 2013, Masan Consumer có điểm khác biệt là không chia cổ tức bằng cổ phiếu, công ty sẽ phát hành gần 1.9 triệu cp theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 10,000 đồng/cp. Tiêu chí lựa chọn là cán bộ quản lý, người lao động mà HĐQT nhận thấy có khả năng đóng góp, tạo giá trị vượt trội và lâu dài cho công ty và các công ty con.

Chiến lược kinh doanh năm 2013, Masan Consumer sẽ nắm giữ 80% khối lượng cổ phần tại các ngành hàng gia vị thông qua chiến dịch đổi mới sản phẩm và cách tân nhãn hiệu, thúc đẩy các giải pháp công nghệ nhằm đạt vị thế 35-40% thị phần thực phẩm sợi ăn liền vào cuối năm 2013.

Công ty cũng đặt kế hoạch xác lập nền tảng để thành công trong ngành hàng cà phê và mở rộng các ngành hàng.

Tại đại hội, Tổng giám đốc Trương Công Thắng cho biết sẽ tung ra sản phẩm nước giải khát mới và nhãn hiệu cà phê mới vào tháng 6/2013, đúng vào mùa hè năm nay.

HĐQT trình cổ đông bầu bổ sung ông Stephen W. Golsby vào HĐQT, hiện đang là CEO của Mead Johnson Nutrition. Ông Stephen tham gia HĐQT với tư cách thành viên độc lập. Nếu vấn đề này được thông qua, HĐQT Masan Consumer sẽ nâng lên thành 8 thành viên với hai thành viên độc lập.

Ngoài ra, đại hội cũng sẽ bầu bổ sung một thành viên BKS cho nhiệm kỳ 2009-2014 do bà Nguyễn Thu Hiền xin từ nhiệm. Bà Hiền hiện đang là thành viên BKS chuyên trách của Ngân hàng Techcombank.

Đại hội thông qua tất cả tờ trình của HĐQT cũng như việc bầu bổ sung thành viên HĐQT và BKS.

Chiến lược của Masan đối với Vĩnh Hảo

Theo nhìn nhận của HĐQT, ngành hàng nước uống là ngành hàng lớn ở các quốc gia cũng như ở Việt Nam. Tuy nhiên, ngành hàng này đang là ngành hàng tập trung tương đối vào thành thị, người dân tương đối có thu nhập cao.

Đối sách của Masan Consumer là biến các sản phẩm đồ uống, nước giải khát là sản phẩm cơ bản và phù hợp với túi tiền của mọi người dân.

Cụ thể, theo HĐQT, Vĩnh Hảo là thương hiệu có tiếng, tuy không quảng cáo nhưng vẫn có sức sống mạnh. Masan Consumer sẽ phát triển thương hiệu Vĩnh Hảo khắp các tỉnh thành, trên phạm vi toàn quốc thay vì chỉ tập trung vào khu vực miền Trung như hiện tại.

Vĩnh Hảo được định hình không chỉ là một công ty nước suối, nước khoáng mà sẽ phát triển các loại sản phẩm nước giải khát.

Doanh số hiện tại của Vĩnh Hảo chỉ vào khoảng 500-600 tỷ đồng/năm, tuy con số không lớn nhưng theo HĐQT thì đây sẽ là cơ hội vì quy mô thị trường vào khoảng 40 ngàn tỷ đồng. 500 tỷ đồng chỉ là điểm bắt đầu của Vĩnh Hảo, tương đương 1% thị phần, Vĩnh Hảo sẽ dần phát triển, chiếm 20-30% thị trường.

Vẫn chưa có thông tin thêm về thương vụ thâu tóm Bia Phú Yên

Trước câu hỏi của một cổ đông về thương vụ mà Masan đang thực hiện, cụ thể là việc mua lại Công ty Bia & Giải khát Phú Yên (PYBECO). HĐQT cho biết vẫn đang trong quá trình thương thảo và hoàn thiện. Khi kết thúc thương vụ sẽ có công bố thông tin đầy đủ.

Được biết, CTCP Bia và Nước giải khát Phú Yên được thành lập năm 2003 và chính thức đi vào hoạt động năm 2006 với tài sản ban đầu 37 tỷ đồng, công suất 10 triệu lít/năm. Cho đến nay tài sản đã tăng lên 270 tỷ đồng, công suất 50 triệu lít/năm. Công ty hoạt động chủ yếu về lĩnh vực sản xuất kinh doanh các loại bia, rượu, nước giải khát, vật tư, nguyên liệu, các loại phụ tùng, bao bì, nhãn hiệu có liên quan đến ngành sản xuất bia, rượu, nước giải khát.

Hiện nay, PYBECO đang hợp tác sản xuất cho Tổng Công ty Rượu bia và Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), đồng thời xuất khẩu một số sản phẩm sang các nước khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc.

Trong một công bố trước đây, Masan cho biết dự kiến giá trị giao dịch ước tính khoảng 12 triệu đô la, bao gồm các khoản nợ. Giao dịch có thể sẽ hoàn tất vào tháng tới và sau khi có các chấp thuận cần thiết liên quan đến giao dịch.

Ngoài ra, tại BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2012 của Masan, tập đoàn này có nhắc đến việc đã cung cấp số tiền 252 tỷ đồng để mua một công ty bia thông qua một công ty con của tập đoàn.

Masan sẽ "lấn sân" những lĩnh vực nào?

Trả lời thắc mắc của các cổ đông về các ngành hàng của công ty, ông Trương Công Thắng cho biết, trong năm 2013, Masan Consumer sẽ tung ra thị trường 3 nhãn hàng mới thuộc 3 ngành hàng chưa tồn tại trong hệ thống các ngành hàng của Masan Consumer trong quý 2 hoặc đầu quý 3/2013.

Đối với thị trường thức ăn gia súc, Masan Consumer nhận định đây là bộ phận quan trọng, thông qua việc sở hữu cổ phần Proconco. Masan Consumer đã nắm được nguồn cung cấp đạm chất lượng cao. Đặc biệt, lĩnh vực này đang bị kiểm soát chủ yếu bởi nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với thị trường dầu ăn, đại diện của Masan Consumer chia sẻ công ty chưa tìm ra được mô hình kinh doanh mặt hàng này. Lĩnh vực này không ứng dụng nhiều công nghệ ngoài việc đóng chai. Bên cạnh đó, lợi nhuận trong ngành hàng này thu về cũng không cao với lãi gộp từ 10-20%. Do đó, Masan Consumer chưa tham gia lĩnh vực này.

Đối với mặt hàng gạo, Masan Consumer nhìn nhận có thể tham gia thị trường nhằm tác động biến thành ngành hàng mới. Hiện trên thị trường chưa có quốc gia nào làm nhãn hiệu về gạo mà chủ yếu là các công ty bán gạo. Đây cũng là một cơ hội cho Masan Consumer.

Ông Thắng cũng chia sẻ thêm, trong năm 2012, Masan Consumer định tung ra thị trường nhãn hiệu mới về gạo nhưng công ty xem xét lại và nhận thấy cần thời cơ chín muồi hơn.

Đối với mặt hàng mì ăn liền, Masan Consumer sẽ tung sản phẩm mới trong năm nay.

Những điểm đáng lưu ý trong năm 2012

Doanh thu thuần hợp nhất năm 2012 của Masan Consumer đạt 10,389 tỷ đồng, tăng 47% so với năm trước, lãi ròng của công ty cũng tăng 23% lên 2,764 tỷ đồng.

Trong năm 2012, công ty đã nhận chuyển nhượng 100% vốn điều lệ của Công ty TNHH MTV Hoa Mười Giờ và sở hữu gián tiếp 40% tổng số cổ phần đang lưu hành của CTCP Việt – Pháp Sản xuất Thức ăn Gia súc (Proconco). Bên cạnh đó, Masan Consumer cũng đã mua thêm 3% cổ phần của CTCP Vinacafé Biên Hòa (HOSE: VCF), tăng tỷ lệ sở hữu tại VCF lên 53.2%.

Vào ngày 25/01/2013, Kohlberg Kravis Roberts thông qua quỹ đầu tư KKR Ma San Aggregator L.P. đã mua các cổ phiếu mới do Masan Consumer phát hành tương đương tỷ lệ 4.35%. Vào ngày 01/02/2013, Masan Consumer thông báo đã ký kết hợp đồng mua 24.9% cổ phần CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo bằng tiền mặt với giá 85,000 đồng/cp. Vào ngày 27/03/2013, lợi ích kinh tế của công ty trong Vĩnh Hảo đã tăng từ 24.9% lên 63.51% do công ty đã mua thêm 38.61% cổ phần từ các cổ đông khác với giá 85,000 đồng/cp.

CTCP Hàng Tiêu Dùng Masan – Masan Consumer là công ty con của Tập đoàn Masan (HOSE: MSN). MSN đang sở hữu tới 76.5% vốn tại Masan Consumer và có tỷ lệ lợi ích thương mại lên tới 80.8% tại đây theo số liệu cập nhật đến ngày 31/12/2012. 


Minh Hằng (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   ĐHĐCĐ SAM: Bất ngờ bầu lại Chủ tịch (22/04/2013)

>   SZL: Báo cáo thường niên 2012 (22/04/2013)

>   PTB: Lợi nhuận quý 1 tăng 90% cùng kỳ (22/04/2013)

>   KLS: Giải trình BCTC Q1-2013 và công bố đường link BCTC Q1-2013 (22/04/2013)

>   SPM: Báo cáo thường niên 2012 (22/04/2013)

>   SAM: Quý 1 công ty mẹ lãi 37 tỷ đồng nhờ hoàn nhập dự phòng (22/04/2013)

>   Quý I/2013, DongABank đạt 270 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (22/04/2013)

>   Vietbank đặt mục tiêu tăng trưởng cho vay “khủng” trong năm 2013 (22/04/2013)

>   Vietbank: Lãi ròng lao dốc, lỗ 238 tỷ đồng từ chứng khoán trong năm 2012 (20/04/2013)

>   VFMVFA nhận Giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ mở (20/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật