Trái phiếu Chính phủ vẫn hút hàng
Mặc dù lợi suất có xu hướng giảm, nhưng so với các kênh đầu tư khác thì các NĐT vẫn coi TPCP là nơi đầu tư dài hạn. Các chuyên gia phân tích, việc lợi suất giảm phản ánh đúng thực tế thị trường khi nguồn vốn cả nội lẫn ngoại được đổ mạnh vào trái phiếu.
Thống kê cho thấy, trong quý I/2013 thông qua các phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ (TPCP) do Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành đã huy động được hơn 62.800 tỷ đồng. Trong đó, riêng tháng 3 huy động thành công 34.150 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu từ 7,84% - 9,8%/năm.
Nguồn cung TPCP sơ cấp nhiều khả năng sẽ giảm trong quý II/2013 do Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành xấp xỉ 43% kế hoạch phát hành TPCP trong quý I (khoảng 65.000/150.000 tỷ đồng). Trong khi đó, phía cầu sẽ chịu áp lực khá lớn từ lượng TPCP đáo hạn lên tới gần 30.000 tỷ đồng trong quý II, gần như chắc chắn toàn bộ số tiền này sẽ được tái đầu tư vào TPCP.
Nhìn chung, trong tháng 3, thanh khoản trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp đều duy trì ở mức cao. Tỷ lệ trúng thầu bình quân TPCP đạt mức rất cao 94%, trong khi khối lượng giao dịch mua bán hẳn bình quân trên HNX lên đến 1.250 tỷ đồng/phiên.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 2.000 tỷ đồng TPCP trong tháng 3 cho thấy thị trường vẫn duy trì sức hấp dẫn đối với NĐT nước ngoài. Xu hướng mua ròng được hỗ trợ bởi tỷ giá USD/VND đã ổn định trở lại, trong khi chênh lệch lãi suất giữa TPCP và mặt bằng lãi suất USD trên thị trường quốc tế là khá cao (khoảng 6-7%).
Theo lộ trình phát triển trái phiếu Bộ Tài Chính đưa ra, đến năm 2020 là đưa tỷ trọng dư nợ trái phiếu/GDP tăng lên khoảng 38% so với 18% năm 2011, trong đó dư nợ trái phiếu DN chiếm khoảng 7% GDP.
Lợi suất TPCP nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm khoảng 50 điểm cơ bản (100 điểm cơ bản bằng 1% lãi suất) các kỳ hạn trong tháng 4. Trong trường hợp NHNN tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành, lợi suất TPCP còn có thể xuống sâu thêm khoảng 50 điểm cơ bản nữa.
Mặc dù lợi suất có xu hướng giảm, nhưng so với các kênh đầu tư khác thì các NĐT vẫn coi TPCP là nơi đầu tư dài hạn.
Các chuyên gia phân tích, việc lợi suất giảm phản ánh đúng thực tế thị trường khi nguồn vốn cả nội lẫn ngoại được đổ mạnh vào trái phiếu. Một trong những dòng tiền quan trọng chính là từ các ngân hàng trong bối cảnh áp lực dư thừa vốn của các ngân hàng khá lớn do huy động vốn tăng cao còn tín dụng không theo kịp. Đặc biệt, việc NHNN cắt giảm lãi suất huy động khiến chi phí vốn của các TCTD giảm, tăng sức hấp dẫn của TPCP và đẩy lợi suất giảm tương ứng theo kỳ vọng thị trường.
Ngoài ra, nguồn vốn giá rẻ và thanh khoản tốt của thị trường cũng kích thích các tổ chức kinh doanh, đầu cơ trái phiếu tiếp tục hoạt động mạnh. Lượng vốn đổ vào từ khối ngoại và một số quỹ đầu tư trái phiếu mới được thành lập của VinaWealth, MB Capital cũng góp phần làm lợi suất duy trì xu hướng giảm.
Nhận định từ Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, thời điểm hiện nay đang khá thuận lợi để NĐT chốt lời hưởng chênh lệch lãi suất với các khoản đầu tư thứ cấp trong thời gian qua khi lợi suất trái phiếu trên thị trường thứ cấp diễn biến sát với lãi suất trúng thầu.
Chính phủ đang có nhiều chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư vào trái phiếu nhằm nuôi dưỡng nguồn vốn quan trọng này, góp phần đảm bảo chi tiêu công, cân đối thu chi ngân sách. Bên cạnh việc triển khai mạnh mẽ Đề án “Tái cơ cấu hàng hóa trên thị trường TPCP”, Bộ Tài chính cũng cam kết sẽ thực hiện chính sách thuế, phí ưu đãi để khuyến khích NĐT nước ngoài, NĐT cá nhân tham gia vào thị trường trái phiếu.
Nguyễn Minh
thời báo ngân hàng
|