Tiếp tục giảm lãi suất ngân hàng
Hôm qua 26-4, tại phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhiều đại biểu đề cập đến chuyện quản lý của NHNN và vấn đề doanh nghiệp lỗ lã thời gian qua.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng đề nghị NHNN cần đánh giá lại thị trường vàng xem sự liên thông giữa giá trong nước với thế giới thế nào. Ông Hùng nhận xét: Khi NHNN chưa đấu giá vàng thì chênh lệch giá trong nước, thế giới khoảng 3 triệu đồng/lượng, còn đấu giá rồi thì có lúc chênh tới 7 triệu đồng/lượng!
Đã kiểm soát được ngân hàng thương mại yếu kém
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết khi nghe đại biểu nói NHNN chủ yếu đi bán vàng, ông cảm thấy “băn khoăn”. Ông Tiến nói do... thông tin báo chí nhiều khi quá liều lượng, có thông tin không chuẩn xác. Ông Tiến cũng công nhận có yếu tố “không may” khi NHNN đấu giá lúc giá vàng thế giới có biến động mạnh. Khẳng định chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước là do chênh lệch cung cầu, ông Tiến tin rằng chỉ một thời gian nữa, do nhu cầu mua tích trữ của dân không lớn, khi ngân hàng tất toán tài khoản vàng, giá vàng trong và ngoài nước sẽ giảm mức chênh lệch.
NHNN cũng báo cáo đã triển khai quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu với chín ngân hàng, đã kiểm soát được tình hình tại các ngân hàng thương mại yếu kém, đã trình Thủ tướng phương án cho 8/9 ngân hàng yếu kém, trong đó ba ngân hàng sáp nhập với nhau. Theo NHNN, tất cả phương án tái cơ cấu của các ngân hàng đều tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện, tức do ngân hàng lập, NHNN chưa can thiệp bắt buộc, Nhà nước cũng chưa phải bỏ tiền để cơ cấu lại bất cứ ngân hàng nào. NHNN công nhận dù đã có kết quả nhưng việc tái cơ cấu các ngân hàng cổ phần yếu kém còn chậm so với dự kiến. Dự kiến quý 1-2013 có 5-8 ngân hàng hoàn tất cơ cấu lại nhưng thực tế mới có phương án tái cơ cấu Ngân hàng Tiên Phong và Ngân hàng Nhà Hà Nội được công bố.
Ông Cao Viết Sinh, thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư, cho biết với tình hình lạm phát diễn biến như hiện nay, VN sẽ tính toán tiếp tục giảm lãi suất cả cho vay và huy động. Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cũng khẳng định Chính phủ đã có chủ trương tiếp tục giảm lãi suất, NHNN sẽ thực hiện nhưng việc điều chỉnh sẽ căn cứ trên tình hình lạm phát.
Năm 2012: doanh nghiệp lỗ chiếm 69%
Về thực tế khó khăn của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nêu số liệu năm 2012, thực tế thu thuế từ sản xuất kinh doanh đã giảm 51.000 tỉ đồng. Con số thống kê thuế cho biết năm 2011 số doanh nghiệp lỗ là 71%, 2012 là 69%. Số tiền lỗ lũy kế đến 31-12-2012 lên tới khoảng 350.000 tỉ đồng.
Bên cạnh những vấn đề nợ xấu, doanh nghiệp phá sản, nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng khi kinh tế vẫn có nhiều yếu tố xấu đi trong khi giải pháp lại chậm chạp. Theo ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên thống đốc NHNN, nền kinh tế có những tồn tại rất mới như đầu tư giảm, đặc biệt vốn đầu tư toàn xã hội giảm, hai trụ cột là nông nghiệp, công nghiệp thì sản xuất lại giảm hơn cùng kỳ. Trong khi đó, các giải pháp đề ra rất trúng, đúng, sớm nhưng triển khai lại... rất chậm.
Ông Bùi Sỹ Lợi, phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, nói “rất băn khoăn số liệu” như doanh nghiệp liên tục khó khăn, đầu tư nhà nước giảm, tăng trưởng thấp..., nhưng theo báo cáo của Chính phủ, thất nghiệp chung lại giảm... Ông Lợi cảnh báo lạm phát giảm vì “qua giám sát thấy dân không có tiền mua chứ không phải ta kiềm chế tốt?”... Ông Nguyễn Văn Phúc, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, đề nghị cần tách Tổng cục Thống kê ra độc lập bởi số liệu thống kê sai có thể khiến chính sách chệch hướng.
M.V.Kình
Tuổi trẻ
|