Thiếu tế nhị trong bình ổn thị trường
Bình ổn thị trường nhưng không bình ổn... giá; giá lúc cần tăng không cho tăng, lúc cần giảm lại tăng vọt lên để bù lúc bị kìm giá... Sự thiếu tế nhị trong điều hành giá vàng, giá xăng như vậy, khó tránh dư luận không nổi “sóng”.
Nhiều chuyên gia kinh tế có nhận định rằng để có thể đạt được mức lạm phát năm 2013 thấp hơn năm 2012, thì trong điều hành giá, cần có “nghệ thuật”. Tuy nhiên, thiết nghĩ, không cần đến “nghệ thuật”, như với giá vàng và giá xăng, chỉ cần sự tế nhị, cũng đã có thể giúp thị trường bình yên hơn
|
Chỉ có 2/21 tổ chức tham gia trong phiên đấu thầu bán vàng miếng đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước hôm 28/3, trúng thầu, với tổng khối lượng trúng thầu là 2.000 lượng, giá của mỗi lượng cao hơn khoảng 400.000 đồng so với giá vàng SJC ở cùng thời điểm. Không khó, để nhận ra rằng mục tiêu của cuộc đấu thầu này với Ngân hàng Nhà nước là không cần phải “đắt hàng”.
Là cơ quan đại diện và chịu trách nhiệm cao nhất trong quản lý dự trữ ngoại hối quốc gia, đương nhiên Ngân hàng Nhà nước không thể dám mạo hiểm tung ra hàng chục nghìn lượng vàng giá rẻ chỉ để phục vụ cho mục đích kéo giá vàng trong nước về sát giá vàng thế giới, nhất là khi bản thân cơ quan này cũng đã nhận ra rằng 26 nghìn lượng vàng cũng chỉ là số lượng nhỏ, so với “đòi hỏi” của thị trường lúc này.
Phiên đấu thầu vàng miếng, gần như chỉ có ý nghĩa khuyếch trương thanh thế của Ngân hàng Nhà nước, trong việc quản lý một kho vàng dồi dào, để thị trường có thể yên tâm về nguồn cung vàng là không bao giờ thiếu, trong bối cảnh mà một thời gian dài thị trường này luôn trong tình trạng thiếu cung.
Nhưng cách ứng xử như vậy quả thật là rất thiếu tế nhị, vì nó giống như đẩy thị trường vào tình cảnh đang khát cháy trên sa mạc, nhìn thấy giếng nước, mà chỉ để nhìn cho đỡ khát, chứ không thể uống, vì cái giá phải trả là quá cao.
Đã thể, trên cổng thông tin của Ngân hàng Nhà nước, ngày 29/3, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, ông Nguyễn Quang Huy, cho rằng mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đấu thầu bán vàng miếng là tăng cung vàng miếng trên thị trường để can thiệp bình ổn thị trường vàng, không nhằm mục tiêu bình ổn... giá vàng.
Sự lý giải này càng khiến cho hoài nghi trong dư luận tăng cao, khiến mục tiêu bình ổn, là không thể thực hiện được.
Phiên đấu thầu vàng đầu tiên đó, không chỉ phản ánh sự thiếu tế nhị, mà còn phản ánh sự thất bại trong việc đưa ra các giải pháp bình ổn thị trường vàng. Không phủ nhận sự nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc cố không để xảy ra sóng gió trên thị trường này, nhưng cũng khó mà chấp nhận được việc, với mong muốn bình ổn, thiếu tế nhị trong ứng xử, Ngân hàng Nhà nước đã sẵn sàng đem dự trữ quốc gia ra “đánh cược” trên thị trường như vậy.
Cũng một cách thiếu tế nhị như vậy trong điều hành giá xăng. Giá xăng ngày 28/3 đã tăng ở mức kỷ lục và nó càng trở nên khó chấp nhận hơn trong bối cảnh mà giá thế giới giảm.
Lý do chính, dẫn đến việc giá xăng “bỗng nhiên” tăng vọt ở thời điểm lẽ ra cần phải giảm này, theo lý giải của các cơ quan có trách nhiệm, chỉ vì là hồi tháng 2, lúc giá xăng thế giới tăng, thì giá trong nước phải giữ nguyên vì các lý do như để phục vụ bình ổn giá, kiểm soát lạm phát, không gây thêm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp...
Đến nay, trước tình hình quỹ bình ổn giá đã sử dụng hết khả năng, nên mặc dù giá xăng dầu thế giới có đi xuống nhưng giá xăng trong nước vẫn cần phải điều chỉnh tăng.
Như vậy, lẽ ra vào thời điểm tháng 2, vào lúc cần điều chỉnh tăng, thì vẫn phải tăng và Chính phủ có thể thể hiện sự chia sẻ bằng cách tăng ở mức độ vừa phải, còn thời điểm hiện nay, giữ nguyên giá, thì dư luận đã không cần phải “nổi sóng” như mấy ngày qua.
Lý giải một cách sòng phẳng về mức tăng kỷ lục, tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ cuối tuần trước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nói: “Qua tính toán và theo công thức tính giá cơ sở tại Thông tư 234, với lần điều chỉnh này, dừng sử dụng quỹ bình ổn vì quỹ bình ổn đã hết.
Tính toán đủ chi phí của xăng dầu thì kết quả là giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành, cụ thể với mặt hàng xăng là 1.430 đồng/lít, dầu diezel là 362 đồng /lít, dầu hỏa 480 đồng/lít, dầu mazut 807 đồng /kg. Đấy chính là chênh lệch giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành trước thời điểm 20 giờ ngày 28/3. Liên bộ đã quyết định đề xuất phương án là điều chỉnh giá đúng bằng chênh lệch giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành”.
Điều đáng nói là cũng như thời điểm tháng 2, trong điều hành nền kinh tế tháng 3 và những tháng còn lại của năm 2013, vẫn luôn được Chính phủ nhấn mạnh là kiên định việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ưu tiên cho thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...
Thế nhưng, trong cách ứng xử của tháng 2 và tháng 3 lại trái ngược nhau, nếu cũng những lý do đó khiến tháng 2 giữ nguyên giá xăng, cho dù giá xăng thế giới tăng, thì cũng những lý do đó, tháng 3 giá xăng được phép tăng đến mức kỷ lục cho dù giá xăng thế giới giảm...
“Chìa khóa” hóa giải cho sự phi lý này, là quỹ bình ổn giá xăng dầu tháng 2 vẫn còn, nhưng đến tháng 3 thì Quỹ này đã sử dụng hết. Tuy nhiên, việc sử dụng quỹ này, có được minh bạch hay không để có thể đo đếm sự sát thực giữa “còn” hay “hết”, thì vẫn chỉ là một lời hứa, nói như Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: “Trong thời gian tới sẽ làm sao công khai minh bạch để các cơ quan báo chí và nhân dân giám sát, đóng góp ý kiến để việc điều hành giá xăng dầu được sát hơn”.
Nhiều chuyên gia kinh tế có nhận định rằng để có thể đạt được mức lạm phát năm 2013 thấp hơn năm 2012, thì trong điều hành giá, cần có “nghệ thuật”. Tuy nhiên, thiết nghĩ, không cần đến “nghệ thuật”, như với giá vàng và giá xăng, chỉ cần sự tế nhị, cũng đã có thể giúp thị trường bình yên hơn.
Đoàn Trần
tbktvn
|