Thanh tra Quỹ Bình ổn xăng dầu: Liệu có “ném đá ao bèo”?
Bộ Tài chính đang tiến hành thanh tra, kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh xăng dầu tại một số doanh nghiệp, trong đó có nội dung kiểm tra về việc trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Trên cơ sở kết luận sẽ đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 84 và Thông tư 234. Tuy nhiên, nếu thanh tra xong rồi lại xếp vào… ngăn kéo, thì những nỗ lực trấn an thị trường có lẽ chỉ là "công cốc”…
* Thanh tra sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu
Kỳ vọng "trận đánh đẹp”
Cuộc thanh kiểm tra quỹ bình ổn xăng dầu được đặt trong bối cảnh: cơ chế giám sát giá xăng dầu đã quá lỗi thời đang chờ sửa đổi, dư luận vẫn chưa hết ám ảnh về đợt tăng giá kỷ lục 1.450 đồng/lít diễn ra vào ngày 28-3 vừa qua. Khi đó, người ta đưa ra báo cáo rằng, quỹ bình ổn đang âm.
Tại cuộc họp báo thường ký quý I/2013 của Bộ Tài chính diễn ra vào trung tuần tháng 4, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn đã nhấn mạnh: Cứ 3 tháng 1 lần, Cục Quản lý giá lại yêu cầu các DN đầu mối báo cáo về tình hình quản lý sử dụng quỹ bình ổn, các DN sẽ phải báo cáo tồn dư quỹ ra sao. Quỹ được gửi ở doanh nghiệp giữ hộ còn việc sử dụng quỹ hoàn toàn do liên bộ quyết định. Công tác điều hành quỹ hoàn toàn minh bạch. "Nếu ai chưa hiểu rõ về Quỹ bình ổn thì có thể xem lại thông tư 234” – ông Tuấn đề nghị.
Nhưng chính ông Tuấn cũng thừa nhận rằng, việc yêu cầu DN báo cáo theo quý thực hiện là hơi trễ. Vì vậy, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ yêu cầu thống kê báo cáo quỹ bình ổn hàng tháng. Do vậy, việc làm thanh tra quỹ ở một góc độ nào đó là việc phải làm theo định kỳ. Nhưng vì thị trường xăng dầu Việt Nam rất khó bóc tách, giá xăng dầu nội địa bị chi phối quá nhiều: giá thế giới, chiết khấu hoa hồng, chính sách thuế phí quản lý của Bộ Tài chính.
Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được hiểu nôm na là khoản tiền của người tiêu dùng ứng trước khi mua xăng, gửi tạm ở DN. Tính ra khoản tiền của dân đóng góp mỗi ngày lên khoảng 50 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các DN xăng dầu – đối tượng trực tiếp trích lập và sử dụng quỹ - đều phủ nhận những "đóng góp của dân” và luôn miệng kêu quỹ bình ổn thực chất là "quỹ gió, quỹ ảo” vì thường xuyên rỗng. Theo thống kê từ Bộ Tài chính, số dư quỹ bình ổn vào ngày 20/2 là 758 tỷ đồng nhưng đến ngày 28/3 thì quỹ bị âm khoảng 554 tỷ đồng. Đến 31/3 âm 430,9 tỉ đồng.
Vì vậy hành động thanh tra không báo trước lại được ghi điểm, tạo bất ngờ không trở tay kịp cho DN. Từ đây cũng tránh được điều tiếng, DN và cơ quan quản lý "hiệp thông” với nhau.
Kịch bản nào cho "quỹ gió”, "quỹ ảo”
Các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần lên tiếng về quỹ bình ổn xăng dầu. Trong đó, việc tồn tại quỹ là một trong những yếu tố góp phần khiến thị trường xăng dầu không minh bạch. Cơ chế điều hành giá đang quá lạm dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu. Dắt díu thêm việc điều hành quỹ thiên về mệnh lệnh hành chính, nặng xin - cho cả về thời điểm cũng như mức trích lập và thời gian xả quỹ.
Bộ Tài chính hàng năm vẫn tiến hành kiểm tra các DN đầu mối xăng dầu. Lần này thì thanh tra Quỹ Bình ổn. Thế nhưng lợi ích mà người tiêu dùng xăng dầu cảm nhận từ Quỹ Bình ổn xăng dầu không lớn như mong đợi. Phần đa, mỗi lần tăng giá xăng, người dân chỉ nghe mỗi điệp khúc: "quỹ âm, không tăng giá thì vỡ Quỹ Bình ổn”. Tình trạng phân tán quỹ, nằm ở 11 DN đầu mối, cũng làm phát sinh các chi phí quản lý của cả doanh nghiệp lẫn cơ quan chức năng.
Việc thanh tra quỹ vẫn nằm trong vòng bí mật, và trong suốt thời gian chờ Bộ Tài chính công bố kết quả người tiêu dùng vẫn cứ đều đặn móc 300 đồng/lít để tạo vốn cho quỹ hoạt động mà thường xuyên chịu cảnh xăng bơm thiếu cân thiếu lượng.
Vì vậy, có nên chăng sau khi thanh tra cần sớm đưa một kịch bản, ngừng hay không ngừng quỹ bình ổn? Người tiêu dùng sợ nhất cảnh thanh tra rồi để đấy!
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét, khi cơ chế lỗi thời, Quỹ Bình ổn xăng dầu đã nhiều lần làm chậm quá trình tăng giá xăng, nhưng chính nó cũng khiến cho giá xăng trở nên méo mó. Tức là, hoãn tăng giá nhưng đến khi tăng lại đánh úp, đánh mạnh vào người tiêu dùng, giá xăng vì thế khó bắt nhịp giá thị trường thế giới… Liệu có nên "nấn ná” để quỹ tồn tại trong doanh nghiệp nữa hay không? Hay là cho một cơ quan độc lập khác nắm giữ quỹ đi kèm với trách nhiệm pháp lý.
Theo các chuyên gia, điều cần làm rõ là hiện chưa có quy định tính lãi gửi đối với tiền gửi của quỹ bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng. Số tiền lãi gửi ngân hàng cũng chưa được tính vào nguồn thu của quỹ. Vì vậy, lần này Bộ Tài chính cần minh bạch câu chuyện này.
Thúy Hằng
đại đoàn kết
|