Thứ Năm, 18/04/2013 08:02

Tăng vốn: Bài toán khó năm 2013

Nếu nền kinh tế không ấm lên, TTCK không tăng trở lại, thì năm 2013 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn của TTCK ở vai trò làm kênh huy động vốn cho DN.

Năm 2012 đã qua đi với khó khăn rất lớn của các DN niêm yết trong việc giải bài toán huy động vốn. Có lẽ đây là lý do khiến các DN trở nên thận trọng hơn với kế hoạch huy động vốn năm nay, khi kinh tế vĩ mô được dự báo chưa có nhiều cải thiện.

Thưa thớt DN đặt mục tiêu tăng vốn

Năm 2013, CTCP Tập đoàn FLC đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, bằng việc chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1, với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Bên cạnh kế hoạch này, FLC cũng dự kiến chào bán cổ phần riêng lẻ hoặc chào bán một phần số cổ phiếu bị từ chối mua của cổ đông hiện hữu cho đối tác nước ngoài. Đây có lẽ là trường hợp DN duy nhất có kế hoạch tăng vốn điều lệ (bằng chào bán cổ phần) lớn như vậy trong năm 2013. Tuy nhiên, với thị giá thấp hơn rất nhiều so với mệnh giá cổ phiếu (10.000 đồng), bao nhiêu phần trăm xác suất để phương án phát hành của FLC thành công vẫn còn là ẩn số, ngoại trừ đợt phát hành riêng lẻ.

Ngoài FLC, CTCP Traphaco cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, nhưng 50% lượng cổ phiếu dự kiến phát hành đến từ chia thưởng cổ phiếu, chỉ có 50% đến từ chào bán cho cổ đông hiện hữu. Khả năng phát hành thành công của TRA cao hơn khi cổ phiếu TRA đang có mức giá giao dịch cao hơn nhiều lần mệnh giá, DN thuộc ngành nghề kinh doanh hấp dẫn.

FLC là một trong rất ít DN đặt kế hoạch tăng vốn lên gấp đôi trong năm nay

Ngoài FLC, TRA, chỉ có rất ít DN đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ năm nay như: CTCP Cơ điện lạnh (REE), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, STB), CTCP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (DXG), Tập đoàn Vingroup-CTCP (VIC)… Không chỉ ít về số lượng, các DN này cũng dự kiến tăng vốn với tỷ lệ không cao, một số tăng vốn từ nguồn vốn hiện hữu, từ trái phiếu chuyển đổi hoặc chào bán riêng lẻ; số DN có kế hoạch tăng vốn từ chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu rất thấp.

Nhìn trên tổng thể gần 700 DN niêm yết, số lượng những DN có kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ năm 2013 thật sự rất ít. Điều này không phải đến từ việc DN không có nhu cầu huy động vốn, mà có lẽ đến từ sự “rút kinh nghiệm” của năm 2012.

Lối ra nào cho DN niêm yết?

Năm 2012, tổng huy động vốn từ phát hành cổ phần thu tiền về của các DN niêm yết chỉ chưa đến 11.000 tỷ đồng. Năm 2013, tình hình có vẻ không mấy khả quan hơn, khi thậm chí DN còn không đặt mục tiêu tăng vốn. Có 2 nguyên nhân quan trọng nhất khiến DN khó phát hành, đó là hiệu quả kinh doanh sụt giảm và giá cổ phiếu thấp hơn mệnh giá.

Thống kê cho thấy, kết thúc phiên giao dịch ngày 15/4/2013, toàn bộ hai sàn có tới 572 mã chứng khoán có thị giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, còn khoảng 50 cổ phiếu có giá trong khoảng 10.000 đồng - 12.000 đồng/cổ phiếu. Đây là 2 nhóm cổ phiếu có nguy cơ lớn không thể phát hành cổ phiếu thành công cho cổ đông hiện hữu, nếu thị trường không tăng điểm trở lại. Lối thoát cho các DN có thị giá thấp hơn mệnh giá là phát hành dưới mệnh giá đã được đề cập đến, nhưng vẫn là cánh cửa hẹp.

Trước hết là chưa có văn bản chính thức hướng dẫn về trường hợp này. Trao đổi với ĐTCK, ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK cho biết, UBCK đã hoàn thiện tờ trình Bộ Tài chính, và có thể sẽ sớm ban hành. Tuy nhiên, sớm là bao giờ lại không thuộc thẩm quyền của UBCK.

Tắc thứ hai chính là điều kiện phát hành dưới mệnh giá. Để có được phương án phát hành dưới mệnh giá hợp lệ, DN sẽ phải có kế hoạch sử dụng vốn hợp lý, được ĐHCĐ thông qua, phải có lãi, phải có thặng dư vốn cổ phần. Nếu một DN đang có lãi, có thặng dư vốn cổ phần đủ để bù đắp phần thiếu hụt phát hành dưới mệnh giá thì giá cổ phiếu của DN đó chưa chắc đã thấp hơn mệnh giá. Trong khi đó, bao nhiêu DN có thặng dư vốn cổ phần lớn? Câu trả lời là không nhiều.

Ngay trường hợp CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS), phương án được ĐHCĐ năm 2012 thông qua, có đối tác, nhưng vẫn không thể phát hành dưới mệnh giá, vì vướng pháp lý. Cuối cùng, để có nguồn vốn kinh doanh, đến năm nay, để giải bài toán vốn, Công ty lựa chọn phát hành cổ phiếu ưu đãi cổ tức, một sản phẩm “lưỡng tính” giữa công cụ nợ và công cụ vốn cổ phần. Với mức cổ tức cố định 12%/năm, có thể được chia cổ tức như cổ đông hiện hữu (nếu có), xác suất để Rồng Việt thành công là không nhỏ. Có điều, không phải DN nào cũng đủ năng lực để lựa chọn cách ấy, do khó khăn cả về tìm kiếm đối tác lẫn nguồn tài chính để sinh lời ra mức này.

Và vì thế, nếu nền kinh tế không ấm lên, TTCK không tăng trở lại, thì năm 2013 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn của TTCK ở vai trò làm kênh huy động vốn cho DN.

Uyên Phạm

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   STB phát hành hơn 168 triệu cp bằng mệnh giá (17/04/2013)

>   Doanh nghiệp xi măng trông chờ mua bán sáp nhập (17/04/2013)

>   DXG: 24/04 GDKHQ nhận cổ phiếu thưởng và cổ tức (16/04/2013)

>   DC4: Báo cáo tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng năm 2010 (lần thứ 4) (16/04/2013)

>   KMR: Tiếp tục trình phương án phát hành 6 triệu cp (15/04/2013)

>   Bán cho Nhật phải chân thật (15/04/2013)

>   HHS: 18/04 GDKHQ nhận cổ tức tỷ lệ 2:1 và mua cổ phiếu 5:1 (12/04/2013)

>   HU3: Báo cáo tiến độ sử dụng vốn từ Đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng (12/04/2013)

>   NHNH chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ của Sacombank (11/04/2013)

>   PVD: Dự kiến phát hành 40 triệu cp tăng vốn lên 2,505 tỷ (12/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật