Nợ công châu Âu và các vấn đề gợi mở với Việt Nam
Ngày 25/4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Khủng hoảng nợ công ở Liên minh châu Âu và những vấn đề gợi mở đối với Việt Nam”, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Đây là hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước KX.01.09/11-15 “Khủng hoảng nợ công ở một số nước Liên minh châu Âu và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam ”.
Tiến sỹ Mai Thanh Quế, Học viện Ngân hàng đã nêu lên vấn đề khủng hoảng nợ công và tác động của khủng hoảng nợ công đến Liên minh châu Âu, đồng thời gợi mở một số điểm cho việc thực thi chính sách của Chính phủ.
Khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp và các nước trong Liên minh châu Âu xuất hiện với những dấu hiệu cơ bản như lãi suất trái phiếu Chính phủ tăng mạnh, việc phát hành trái phiếu gặp khó khăn; ngân sách Nhà nước bội chi lớn, nợ công vượt mức cho phép và Chính phủ không có khả năng thanh toán các khoản nợ khi đến hạn; Chính phủ kêu gọi hỗ trợ tài chính từ các nước trong khối và IMF để chống nguy cơ vỡ nợ; lòng tin của công chúng giảm sút tạo nguy cơ hoặc xảy ra đình công, biểu tình.
Từ khủng hoảng nợ công ở Liên minh châu Âu, tiến sỹ Mai Thanh Quế cho rằng, đối với quốc gia có khủng hoảng nợ, Chính phủ phải thực hiện và minh bạch các nguồn thu chi công cũng như đảm bảo hiệu quả của tài chính công.
Quản lý nợ công cần có cơ chế linh hoạt và phù hợp bao gồm đánh giá bền vững nợ công; điều hành chính sách tiền tệ; đa dạng thời hạn các khoản nợ của Chính phủ... Đặc biệt là thực hiện chính sách lãi suất, tỷ giá phù hợp; ổn định lạm phát nhằm tạo tiền đề ổn định môi trường vĩ mô, từ đó góp phần ổn định việc điều hành chính sách khác trong nền kinh tế.
Theo tiến sỹ Bùi Trường Giang, Vụ Tổng hợp, Văn phòng Chủ tịch nước, trong 10 năm trở lại đây, nợ công tại Việt Nam tăng nhanh và có cơ cấu kém bền vững, bị tác động mạnh của những cú sốc từ nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các cú sốc tỷ giá.
Tiến sỹ Giang đưa ra một số khuyến nghị chính sách cải cách tài chính công, như cần nhanh chóng chuẩn hóa hệ thống thống kê nợ công theo thông lệ quốc tế để nắm bắt được thực chất vấn đề nợ công hiện nay và chiều hướng sắp tới; tăng cường thể chế quản lý và giám sát nợ công, hình thành cơ quan quản lý nợ công thống nhất; về trung và dài hạn, tăng cường tính bền vững của nợ công phải gắn với quá trình tái cơ cấu đầu tư công, tài chính công và tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước để giảm bớt gánh nặng ngân sách; thay đổi quan điểm tiếp cận tính bền vững nợ công theo hướng chất lượng chính sách và thể chế phát triển sẽ quyết định năng lực trả nợ của một quốc gia; thay đổi cơ cấu nợ công theo hướng bền vững; phát triển nội lực nền kinh tế.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu còn nêu lên các vấn đề khủng hoảng nợ công ở Liên minh châu Âu và tác động đối với hệ thống ngân hàng trong khu vực; Khủng hoảng tài chính ở Cộng hòa Síp - Nguyên nhân và bài học; Khủng hoảng nợ công ở Liên minh châu Âu - Tác động và bài học cho Việt Nam; Nợ công ở Việt Nam - Khái quát hiện trạng và một số giải pháp hạn chế nợ công đến 2020./.
Thanh Tuấn
vietnam+
|