Ngân hàng lớn không mặn mà tăng vốn
Thị trường trầm lắng, hiệu quả sử dụng đồng vốn tăng thêm thấp là lý do mà một số nhà băng không hào hứng với việc phát hành tăng vốn năm nay.
Năm qua, DongA Bank cũng lên kế hoạch tăng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng nhưng không thực hiện được
|
Chủ tịch HĐQT của một ngân hàng có vốn điều lệ trên 4.000 đồng cho biết, trong tháng 4 này, Ngân hàng sẽ trình Đại hội đồng cổ đông kế hoạch tăng vốn thêm khoảng 10 - 15% trong năm nay. Thực ra, kế hoạch này đã được lên từ năm trước, song do tình hình thị trường khó khăn, nhà đầu tư cạn vốn nên việc thực hiện bất thành.
Với kế hoạch tăng vốn trong năm 2013, theo vị chủ tịch HĐQT trên, Ngân hàng sẽ chịu áp lực không nhỏ trong việc huy động và sử dụng hiệu quả đồng vốn tăng thêm. Khó huy động bởi Ngân hàng đã có cổ đông chiến lược nước ngoài sở hữu 20% cổ phần. Phần thặng dư vốn cũng đã được chia hết cho cổ đông hiện hữu trong các đợt tăng vốn của những năm trước. Vì thế, để thực hiện được kế hoạch tăng vốn năm nay, Ngân hàng chỉ còn trông chờ vào các cổ đông hiện hữu - một việc không đơn giản bởi túi tiền của hầu hết cổ đông không còn rủng rỉnh như trước. Sau khi tăng vốn, áp lực sinh lời cho đồng vốn đó cũng không nhỏ, do đầu ra cho tín dụng và các dịch vụ ngân hàng khác hiện khó khăn.
Chủ tịch HĐQT Ngân Hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu VN (HOSE: EIB), ông Lê Hùng Dũng, cho biết, trong kế hoạch hoạt động trình Đại hội đồng cổ đông vào ngày 26/4 tới, HĐQT Ngân hàng sẽ có tờ trình về việc tăng vốn điều lệ năm nay. Tuy nhiên, khác với các năm trước, vốn tăng thêm của Eximbank chỉ khoảng 10% và bằng nguồn thặng dư. Theo ông Dũng, tăng vốn sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng với Eximbank, vốn điều lệ hiện đã đạt 12.335 tỷ đồng, một con số không nhỏ, nên Ngân hàng sẽ còn phải xem xét kỹ.
Hiệu quả sử dụng vốn là vấn đề mà các ngân hàng quan tâm khi xem xét tăng vốn. Với Eximbank, vốn điều lệ trên 12.335 tỷ đồng, Ngân hàng chỉ dám đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay cao hơn năm trước khoảng 600 tỷ đồng, tức khoảng 3.400 tỷ đồng.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, trước đây, nhu cầu tăng vốn là để phục vụ đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng mạng lưới hoạt động và bổ sung vốn kinh doanh. Song trong 2 năm trở lại đây, việc mở rộng mạng lưới hoạt động đã bị NHNN “siết” chặt và dường như rất ít nhà băng xin được giấy phép mở thêm chi nhánh. Đồng thời, với tình hình huy động và cho vay đều khó khăn nên việc mở rộng mạng lưới cũng không còn là mối quan tâm lớn nhất đối với ngân hàng. Thậm chí, nhiều ngân hàng đang phải từng bước cơ cấu lại mạng lưới hoạt động để cắt giảm chi phí. Vì thế, các nhà băng sẽ cân nhắc kỹ việc tăng vốn trong năm nay.
Trong năm qua, Ngân Hàng TMCP Đông Á cũng lên kế hoạch tăng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng bằng phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 5:1, giá bằng mệnh giá. Song do ảnh hưởng của thị trường, kế hoạch tăng vốn trên của DongABank đến cuối năm 2012 vẫn chưa thực hiện được. Tuy nhiên, theo lãnh đạo của DongABank, việc tăng vốn cũng cần phải xem xét nhiều yếu tố. Trong năm qua, giá cổ phiếu ngân hàng xuống thấp nên Ngân hàng cũng phải cân nhắc để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông. Mặt khác, tăng vốn trong bối cảnh hiện nay không còn là yếu tố cấp bách.
Hiện DongABank là ngân hàng vẫn còn nguyên “room” dành cho nhà đầu tư nước ngoài và lãnh đạo nhà băng này cho biết, đã có nhiều tập đoàn, định chế tài chính trong và ngoài nước đặt vấn đề hợp tác với DongABank thông qua việc sở hữu cổ phần. Tuy nhiên, HĐQT DongABank chưa chọn được đối tác chiến lược thích hợp.
DongABank cũng xây dựng kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP. HCM trong năm qua, song điều kiện thị trường không thuận lợi nên Ngân hàng tiếp tục hoãn.
Kế hoạch tăng vốn tiếp tục được một số NHTM trình cổ đông trong mùa ĐHCĐ thường niên năm nay. Chẳng hạn,Ngân Hàng TMCP Nam Á dự kiến tăng vốn từ mức 3.000 tỷ đồng lên 3.700 tỷ đồng hoặc 4.000 tỷ đồng; Ngân Hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín cũng dự định tăng thêm 10 - 15% vốn điều lệ trong năm nay… Tuy nhiên, khác với trước, HĐQT các nhà băng cho biết, việc tăng vốn còn tùy thuộc vào điều kiện thị trường và khả năng của cổ đông hiện hữu nên chưa hẳn kế hoạch đưa ra sẽ được hoàn tất trong năm. Trên thực tế, trong 2 năm qua, nhiều ngân hàng đã phải hoãn, thậm chí hủy kế hoạch tăng vốn đã xây dựng.
Thùy Vinh
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|