Ngân hàng lại “nóng” chuyện sáp nhập
Trong mùa đại hội cổ đông tháng 4 này, nhiều ngân hàng thương mại đã đưa vấn đề sáp nhập ra lấy ý kiến cổ đông.
Ngay từ cuối năm 2012, xu hướng mua bán, sáp nhập ngân hàng đã được dự báo sẽ “nóng” trong năm 2013. Và tình hình đang diễn ra đúng như dự báo.
Sẽ có nhiều cuộc hôn phối
Sáng 25-4, tại đại hội cổ đông Ngân hàng HD (HDBank), bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị, cho biết HDBank và Ngân hàng Đại Á đã có kế hoạch, chủ trương sáp nhập và được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đồng ý. Trả lời cổ đông về tính hiệu quả, bà Tâm cam kết phương án sáp nhập phải làm cho HDBank tốt lên, nếu không sẽ không thực hiện.
Cùng ngày, Ngân hàng Hàng hải (MaritimeBank) cũng tổ chức đại hội cổ đông, trong đó có nội dung xin ý kiến cổ đông được phép góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác giá trị từ 20% trở lên so với vốn điều lệ. Và nội dung này đã được cổ đông thông qua bằng văn bản.
Nhiều ngân hàng đã đưa ra lấy ý kiến về sáp nhập trong mùa đại hội cổ đông
|
Đáng chú ý là trong đại hội cổ đông Ngân hàng Quân đội (MBB) diễn ra một ngày trước (24-4), Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Hữu Đức cho biết đã có 4-5 ngân hàng ngỏ ý muốn sáp nhập vào MBB. Tuy nhiên, khi MBB tiến hành khảo sát thì có tới 3-4 ngân hàng không đáp ứng được yêu cầu về tài chính lành mạnh với tiêu chuẩn quản trị tốt, nợ xấu ít. Trả lời cổ đông, ông Đức cho biết vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội sáp nhập khả thi.
Giải pháp khả thi cho nền kinh tế
Bình luận về diễn biến trên, TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh ĐHc Ngân hàng TP.HCM, nhận định đó là một xu hướng tất yếu, thậm chí sẽ còn diễn ra mạnh trong các năm tới.
Nguyên nhân theo ông là hành lang pháp lý đã có với việc NHNN đưa ra lộ trình tái cấu trúc ngành. Thứ hai là nền kinh tế ngày càng mở, đòi hỏi các ngân hàng thương mại phải lớn mạnh mới tồn tại. Thứ ba là sau một thời gian nâng cấp ngân hàng nông thôn lên đô thị, nội tại các ngân hàng nhỏ cũng muốn hợp lực với nhau để phát triển.
“Khủng hoảng vừa qua có một số ngân hàng thương mại kinh doanh lỗ, nợ xấu, thậm chí mất cả vốn điều lệ. Vì thế sáp nhập vào một ngân hàng khác là giải pháp khả thi nhất hiện nay” - ông Dương nói.
Tuy nhiên, cũng theo ông Dương, cái chính của vấn đề là sáp nhập với nhau như thế nào, có giúp nhau mạnh lên hay không? “Không phải cứ muốn hợp nhất, sáp nhập lại với nhau là được mà đó còn là cả một lộ trình phải tìm hiểu, thừa nhận nhau về chiến lược, văn hóa doanh nghiệp…” - ông nói.
Một số lãnh đạo ngân hàng thương mại cũng thừa nhận việc sáp nhập ngân hàng là không dễ. Như ông Đức (MBBank) đã nói với cổ đông khi tìm hiểu nhận thấy tỉ lệ nợ xấu của nhiều ngân hàng lên đến 30%-40% thì làm sao sáp nhập được? Trường hợp này nếu sáp nhập sẽ chỉ… cùng nhau đi xuống.
Mặt khác, theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế thì việc các ngân hàng nhỏ thu hẹp lại qua việc hợp nhất, sáp nhập là điều đáng mừng. Bởi hệ thống ngân hàng có mạnh thì mới bơm vốn dồi dào, vốn chất lượng cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó đưa nền kinh tế phát triển ổn định.
Bùi Nhơn
pháp luật tphcm
|