Lotte - Bibica: SSI xuất hiện, thế cờ sẽ đổi thay?
Chia sẻ nóng của ông Trương Phú Chiến về cuộc chiến thương hiệu trước kỳ Đại hội
Những ngày trước ĐHĐCĐ thường niên 2013 của CTCP Bibica (HOSE: BBC), câu chuyện về mua bán cổ phần và thâu tóm thương hiệu lại một lần nữa dậy sóng. Những ai đã quá quen với thương hiệu Bibica nay lại băn khoăn, lo lắng, liệu câu chuyện đổi tên một năm trước còn lặp lại khi "thế cờ" đã đổi thay?
Năm 2012, một năm đầy sóng gió với Bibica khi ngay từ đầu năm, tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào tháng 3/2012, Lotte đã đưa ra đề nghị đổi tên Bibica thành Lotte - Bibica. Với tỷ lệ sở hữu tới 38% vốn cổ phần, Lotte có quá nhiều thế mạnh để có thể thực hiện được mong muốn của mình. Tuy nhiên, nhờ sự đoàn kết của các cổ đông Việt Nam, Bibica đã giữ được thương hiệu gốc của mình.
Không những vậy, Bibica cũng vượt qua được những khó khăn của nền kinh tế, những dự báo sức mua giảm sút đáng kể của ngành bánh kẹo, ghi nhận gần 26 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2012. Với dòng sản phẩm chủ lực Hura Deli, kẹo và các sản phẩm mùa vụ như Trung Thu - Tết, Bibica đã chứng tỏ sức mạnh, sự bền bỉ của một thương hiệu trong lòng người tiêu dùng.
Tuy nhiên, với đặc điểm là một công ty cổ phần có yếu tố đầu tư nước ngoài, đặc biệt hơn khi đó lại là tập đoàn Lotte, một ông lớn có kinh nghiệm thâu tóm các đơn vị khác ở nhiều nước trên thế giới, Bibica là mối lo của hầu hết những người làm thương hiệu Việt. Liệu có gì khác biệt ở ĐHĐCĐ thường niên năm 2013 vào ngày 25/04 tới bởi hiện nay nhóm cổ đông SSI đã công khai sở hữu gần 30% vốn của Bibica, trở thành đơn vị sở hữu cổ phần lớn tương đương với Lotte? Cuộc chơi giữa hai ông lớn sẽ diễn ra như thế nào trong bàn cờ Bibica? Cơ hội nào mở ra cho một thương hiệu Việt thoát khỏi vòng kiềm tỏa của câu chuyện mua bán - sáp nhập - triệt tiêu?
Lotte "lấn sân" như thế nào?
Nhìn lại suốt chặng đường phát triển của Bibica, từ quyết định của bà Phạm Thị Sum - Giám đốc Công ty Đường Biên Hòa vào năm 1999 - Tiền thân của CTCP Bibica, hưởng ứng chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với ý định ban đầu chỉ cổ phần hoá 3 phân xưởng: phân xưởng mạch nha, phân xưởng kẹo, phân xưởng bánh để hình thành nên CTCP Bibica với tổng vốn ban đầu là 25 tỷ đồng. Có thể thấy, việc mua bán trao đổi cổ phiếu lúc bấy giờ diễn ra quá nhanh chóng và phức tạp, đã nằm ngoài tầm kiểm soát của ban lãnh đạo Bibica.
Trong một thời gian ngắn từ năm 1999 - 2002, thời điểm Bibica chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của Bibica tỏa ra rải rác, không tập trung và hầu hết rơi vào tay những nhà đầu tư cổ phiếu thu gom. Điều này khiến cho ý định cổ phần hóa Công ty Đường Biên Hòa, trong đó có việc sáp nhập CTCP Bibica trở lại sau khi cả hai đơn vị hoàn thành cổ phần hóa trở thành một việc không tưởng.
Bước qua năm 2007, trước áp lực cạnh tranh và mong muốn vươn lên một tầm mới ra thế giới, Bibica đã ký hợp tác với Lotte, bắt đầu bằng việc tăng vốn điều lệ từ 80 tỷ đồng lên 145 tỷ đồng, trong đó Lotte sở hữu 30% cổ phần với cam kết chuyển nhượng dây chuyền bánh Lotte Pie cho Bibica khai thác sử dụng, với việc xây dựng Nhà máy Bibica Miền Đông tại Bến Cát – Bình Dương. Nhiều người khi đó đã kỳ vọng sẽ là bước ngoặc lớn cho Bibica vươn nhanh và xa hơn khu vực nội địa. Tuy nhiên, 5 năm trôi qua kể từ ngày kết mối lương duyên gây nhiều tranh cãi ấy, Bibica vẫn chưa tạo được những nền móng đầu tiên như kỳ vọng. Những khúc mắc trong việc phối hợp từ sản xuất, kinh doanh đến cổ phiếu đã khiến cho bước tiến của doanh nghiệp này chậm chạp hơn tiềm lực họ đang có, và luôn luôn đặt ra cho giới chuyên môn một dâu chấm hỏi: khi nào thì kết thúc?
Bài học chọn đối tác
Ông Trương Phú Chiến (ảnh), Tổng giám đốc Bibica, người đã mời Lotte bắt tay hợp tác đã có những chia sẻ đầy gan ruột về câu chuyện trên như sau:
Ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc Bibica
|
“Nhìn lại kết quả hợp tác với Lotte sau 5 năm, tôi thẳng thắn nhìn nhận những sai lầm mình đã mắc phải. Những kỳ vọng về sự hợp tác toàn diện giữa Bibica – Lotte không diễn ra như mong muốn, nếu không muốn nói là ngược lại với mục đích ban đầu. Khi mời Lotte về làm đối tác, Bibica mong muốn có sự hợp tác toàn diện giữa Bibica – Lotte, từ quản lý, công nghệ đến kỹ thuật, xuất nhập khẩu…vv, nhưng sau 5 năm, Lotte thể hiện quan điểm muốn biến Bibica thành công ty con của họ.
Từng bước công việc Lotte thực hiện tại Bibica cho thấy họ muốn khai thác Bibica thành đơn vị sản xuất, phát triển thương hiệu cho Lotte. Điều này thể hiện rõ khi Bibica đầu tư dây chuyền thiết bị Lotte pie, nhưng không được phép khai thác sản phẩm mình mong muốn, chỉ sản xuất sản phẩm của Lotte, đồng thời không tác động được yếu tố đầu vào, cũng không thể đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng suất dây chuyền. Với dự án Hưng Yên (đang trong tình trạng dậm chân tại chỗ từ 2008 đến nay), theo kế hoạch, Bibica sẽ đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới, tuy nhiên, phía Lotte lại áp đặt, muốn Bibica khoanh vùng nghiên cứu thị trường dựa trên các sản phẩm có sẵn của Lotte. Điều này hạn chế khả năng sáng tạo sản phẩm mới phù hợp với thị trường.
Sau 5 năm hợp tác, bài học mà tôi rút ra được và cũng mong muốn chia sẻ cho các doanh nghiệp khác khi chọn đối tác: Khi bán cổ phần cho đối tác đầu tư, doanh nghiệp thường chỉ yêu cầu cổ phần tối thiểu mà không qui định cổ phần tối đa, do đó, trong trường hợp tại Bibica, Lotte có thể tăng tỷ lệ cổ phần theo mong muốn của họ. Lưu ý, việc quy định cổ phần tối thiểu và tối đa sẽ hạn chế khả năng thao túng doanh nghiệp. Thông thường, tỷ lệ cổ phần dưới 25% là tỷ lệ cổ phần an toàn. Doanh nghiệp nên hạn chế mức cổ phần trên 34%, để ngăn ngừa mức độ phủ quyết của các ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều, gây ảnh hưởng đến sự phát triển thống nhất của doanh nghiệp.
Một điều nữa trong việc đàm phán về chuyển giao dây chuyền công nghệ, bài học từ dây chuyền bánh Lotte Pie cho thấy, tuy là tài sản của Bibica, nhưng Bibica không khai thác được bất kỳ sản phẩm nào ngoài bánh Lotte Pie, không chủ động được nguyên liệu đầu vào và phải bán theo giá thị trường từ nội địa đến xuất khẩu, do đó, tỷ lệ vận hành dây chuyền rất thấp (dưới 20% năng suất). Hiệu quả của dây chuyền Lotte Pie cho đến thời điểm này là hoàn toàn không đạt được mục đích ban đầu. Dự án Hưng Yên dậm chân tại chỗ cũng là một minh chứng cho kinh nghiệm này. Nếu có sự hợp tác chuyển giao công nghệ, nên có thỏa thuận rõ ràng để doanh nghiệp chủ động đầu vào từ nguyên liệu đến giá thành, mới tạo được sự khác biệt sản phẩm và khẳng định chỗ đứng trên thị trường”.
Trở lại với việc cải thiện mối quan hệ Bibica - Lotte, tìm hướng đi tốt hơn cho Bibica, sự xuất hiện của SSI với vai trò là cổ đông chiến lược sẽ giúp cho đa số cổ đông người Việt của Bibica yên tâm hơn rất nhiều. Với chính sách đầu tư vào doanh nghiệp sản xuất, SSI trở thành một cổ đông lớn là Việt Nam, định hướng cùng với Lotte xây dựng Bibica phát triển, tạo thế cân bằng và giữ được quyền lợi ngang nhau, đồng đều giữa hai bên.
Bibica là doanh nghiệp có tiền đề hơn 30 năm gầy dựng và phát triển, từ những viên kẹo gói bằng thủ công đầu tiên, từ việc đầu tư máy gói kẹo đầu tiên năm 1994 đến nay. Gần 1,000 con người tại Bibica đã xem tổ chức này, doanh nghiệp này, thương hiệu này là gia đình, là máu thịt và là niềm tự hào của mình. Tuy nhiên, để gìn giữ và phát huy giá trị thương hiệu đáng quý này, Bibica cần đến sự thống nhất một lòng giữa các cổ đông, để doanh nghiệp phát triển bền vững.
|
LĐ (Vietstock)
FFN
|