Khốn khổ vì ở “biệt thự” cổ
Ăn ở ổn định suốt mấy chục năm, nhưng hàng chục nghìn gia đình ở Hà Nội vẫn không được cấp “sổ đỏ”. Lý do đơn giản bởi nhà đất họ đang ở chưa được cơ quan chủ quản bàn giao lại cho TP Hà Nội.
Bị “quy” nhầm thành biệt thự
Mang tiếng ở biệt thự cổ nhưng thực chất từ mấy chục năm trước, tòa nhà đã được “băm” thành nhiều căn hộ nhỏ cho vài chục hộ dân cùng sinh sống. Thậm chí, khu dân cư nằm tách bạch, nhưng vì cùng chung biển số nhà với biệt thự cổ nên cũng rơi vào cảnh không được cấp “sổ đỏ”. Các hộ dân khu nhà 7B phố Trần Phú, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội là một ví dụ.
Dù có lối đi riêng biệt nhưng tập thể 7B Trần Phú vẫn bị đánh đồng với tòa nhà 7A
|
Khu tập thể này trước đây thuộc quyền quản lý của Cục Cảnh vệ. Tên chính danh là 7B Trần Phú để phân biệt với số nhà 7A Trần Phú, vốn biệt lập với nhau hoàn toàn, chính là tòa nhà của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam. Ban đầu nhà 7B Trần Phú được Cục Cảnh vệ thuê của TP làm nhà công vụ, rồi phân chia cho các hộ gia đình về ở để giải quyết chính sách nhà ở vào thời điểm ấy. Các hộ đã tiến hành xây dựng nhà ở ổn định từ rất nhiều năm trước.
Khi có chủ trương bán nhà theo Nghị định 61/CP, các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị tới các cơ quan hữu quan để được mua nhà, cấp “sổ đỏ”. Cách đây 5 năm (năm 2008), Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh đã ký công văn “cho phép chuyển công năng sử dụng nhà số 7 phố Trần Phú nhà số 48 – 50 phố Phan Đình Phùng, quận Ba Đình và ký hợp đồng cho các hộ gia đình đang sử dụng thuê làm nhà ở”. Những tưởng các hộ dân sắp được mua nhà và cấp “sổ đỏ” thỏa mong đợi từ mấy chục năm nay, nhưng sau khi ký vào hợp đồng thuê nhà ở với Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, các hộ gia đình mới biết nhà của mình đang ở thuộc diện… không được bán! Không được bán bởi nó (Khu tập thể 7B Trần Phú) bị đánh đồng với số nhà bên cạnh (7A), vốn nằm trong danh mục biệt thự cổ không được bán.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cho biết, có một số trường hợp tuy là biệt thự cổ nhưng không nằm ở vị trí đắc địa, hoặc đã bị cơi nới, cải tạo mất hết cảnh quan thì nên xem xét tạo điều kiện cho người dân được mua để cải thiện điều kiện sống. Những trường hợp này thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội nên các đơn vị chức năng của thành phố sẽ rà soát, trình HĐND TP xem xét, quyết định.
“Kéo” nhà lửng lơ xuống “đất”
Theo Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, không riêng gì những hộ dân đang ở “biệt thự” kể trên, còn khoảng 12.000 nhà đất trên địa bàn Hà Nội đang trong tình trạng không thuộc bất cứ cơ quan nào quản lý. Số nhà đất này không có hồ sơ gốc, đã mua đi bán lại nhiều lần và thiệt thòi nhất là không được cấp “sổ đỏ”. Diện nhà này phần lớn thuộc các quận nội thành và một vài huyện giáp ranh. Trong đó, huyện Thanh Trì nhiều nhất (3.190 trường hợp), tiếp đó là Ba Đình (2.852), Hoàng Mai (1.988), Thanh Xuân (852)... Nhiều quận, huyện phản ánh tình trạng bức xúc của người dân vì “nhà ở ổn định mấy chục năm thế mà cứ kê khai cấp “sổ đỏ” là bị gạt ra, bị xếp vào loại nhà đất không được cấp Giấy chứng nhận”. Các quận, huyện cũng muốn làm thủ tục cấp “sổ đỏ” cho người dân nhưng vì các cơ quan chủ quản không bàn giao nên cũng đành bó tay.
Để chấm dứt tình trạng nhà đất cứ lơ lửng suốt mấy chục năm, làm khổ người dân, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã đề xuất UBND TP Hà Nội hướng xử lý. Theo đó, nếu cơ quan tự quản không bàn giao nhà, TP có thể giao Sở Xây dựng kết hợp với chính quyền địa phương (quận, huyện, phường, xã) xác minh thực tế và ra quyết định tiếp nhận toàn bộ khu tập thể sau khi đã có văn bản thông báo cho cơ quan chủ quản biết (không phụ thuộc vào việc cơ quan chủ quản có đồng ý hay không). Với trường hợp không còn cơ quan tự quản, TP chỉ đạo UBND các quận, huyện chủ động tiếp nhận, quản lý quỹ nhà này trên địa bàn để thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận theo quy định. Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cơ quan hữu quan, hàng chục nghìn hộ dân sẽ thoát khỏi cảnh mỏi mòn chờ “sổ đỏ” suốt mấy chục năm qua.
Ngọc Khánh
an ninh thủ đô
|