Chủ Nhật, 28/04/2013 17:35

G-20 ngán “thắt lưng buộc bụng”, thèm “tăng trưởng cân bằng”

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G-20 ở Washington ngày 19-4, bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc IMF nhận định: “Triển vọng kinh tế toàn cầu đã ít nguy hiểm hơn. Nhưng phục hồi của các thị trường tài chính chưa hẳn đồng nghĩa với sự phục hồi tăng trưởng và việc làm.

Theo IMF, không nên tiếp tục áp dụng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” như hiện nay, bởi nó không giúp tạo ra tăng trưởng và việc làm” và đã có nhiều ý kiến đề nghị xem xét lại sự cân bằng giữa chính sách tăng trưởng và “thắt lưng buộc bụng”.

“Thắt lưng buộc bụng” đã đến giới hạn

Nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công đã kéo dài ba năm, Eurozone đã coi cắt giảm ngân sách là trọng tâm chiến lược của khu vực, nhưng họ đã không thành công như ý muốn. Mức độ tê liệt của kinh tế, tình trạng thất nghiệp, sự bùng phát bạo lực ở miền nam châu Âu hiện nay đang buộc các nhà quản lý phải suy nghĩ lại, với việc chuyển trọng tâm chiến lược sang tăng trưởng kinh tế.

Năm nay là năm thứ hai liên tiếp của suy thoái kinh tế tại châu Âu, việc cắt giảm ngân sách là điều cần thiết. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy EC Jose Manuel Barrosco cho biết rằng rõ ràng “thắt lưng buộc bụng” đã đạt đến giới hạn tự nhiên của nó. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng chính sách này về cơ bản là đúng, tôi cũng nghĩ rằng nó đã đạt đến giới hạn của nó”. “Một chính sách để thành công không chỉ phải được thiết kế đúng cách mà nó phải có điều kiện tối thiểu là hỗ trợ cho chính trị và xã hội”.

Sự thay đổi trong chính sách “thắt lưng buộc bụng” được thúc đẩy bởi một bức tranh tổng thể. Tuy thâm hụt ngân sách đã được cải thiện, 17 quốc gia khu vực Eurozone là 3,7% GDP năm 2012, so với 4,2% trong năm 2011 và 6,5% trong năm 2010, nhưng sự tăng trưởng thì không rõ nét.

Theo thống kê Eurostat của EU cho biết rằng, Pháp là một trong ba nền kinh tế lớn của EU cũng đã có mức thâm hụt 4,8%, cao hơn so với mục tiêu dự kiến là 4,5%. Tây Ban Nha hiện có mức thâm hụt lớn nhất trong khu vực Eurozone.

Ông Baroso nói: “Chúng tôi cần phải điều chỉnh chính sách tài chính công, thâm hụt ngân sách lớn, nợ công lớn… với các biện pháp thích hợp cho sự phát triển”. Các nhà lãnh đạo EU đang lo ngại cho sự tăng trưởng kinh tế mà EC sẽ quyết định ngày 19-5 là ngày EU yêu cầu Paris và Madrid cắt giảm thâm hụt tài chính ngân sách bằng 3% GDP cho mục tiêu đến năm 2014 và 2015.

Trên thực tế các nền kinh tế của EU chưa có sự thay đổi lớn nào và “thắt lưng buộc bụng” là việc không cần bàn vào thời điểm hiện nay. Vì hầu hết các nước sẽ phải đưa ra các biện pháp tài chính bổ sung, đáp ứng những mục tiêu mới của họ về tăng trưởng.

Đang trở thành lực cản

“Thắt lưng buộc bụng”, đã có lúc được coi là liều thuốc chữa bách bệnh cho nền kinh tế bị khủng hoảng của EU, thì giờ đây hình như nó lại trở thành lực cản của quá trình tăng trưởng của châu lục. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tình trạng phản tác dụng của các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” chủ yếu là do những nhượng bộ quá mức của các nhà hoạch định chính sách EU đối với các nước trong những vấn đề như thanh toán nợ và giảm thâm hụt ngân sách.

Ngày 15-4, Hy Lạp trở thành quốc gia mới nhất đạt được thỏa thuận với bộ 3 chủ nợ quốc tế: EC-ECB-IMF về quá trình đánh giá chương trình “thắt lưng buộc bụng”. Trong khi Tây Ban Nha cũng yêu cầu EU gia hạn thêm thời gian để giảm thâm hụt tài chính bằng với mức quy định của EU. Những đề xuất trên của chính phủ Tây Ban Nha đưa ra một tuần sau khi các quan chức châu Âu chấp thuận cho Ireland và Bồ Đào Nha gia hạn thời gian thanh toán các khoản cứu trợ lên 7 năm.

Cựu bộ trưởng tài chính Đức kiêm lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội trung tả, ông Peer Steinbrueck đã kịch liệt phản đối chương trình “thắt lưng buộc bụng” do chính quyền của thủ tướng Angela Merkel khởi xướng. Ông Steinbrueck cho biết nếu được bầu làm người lãnh đạo đất nước, ông sẽ thay đổi các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” đang bị áp đặt lên toàn châu Âu.

Ông nói: “Các biện pháp thắt lưng buộc bụng không thể bị phá bỏ, nhưng chúng phải có liều lượng. Ở thời điểm hiện tại, không khó để chứng kiến cái vòng luẩn quẩn thắt lưng quá mức để rồi tăng trưởng thấp và thất nghiệp cao ở những nước như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha. Ở một số nước, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp lên tới hơn 50%, doanh thu thuế thấp hơn, các cơ quan xếp hạng thì thi nhau đánh tụt xếp hạng các nước, kết quả một vòng luẩn quẩn nữa lại bắt đầu”.

Ông Steinbruck khẳng định “thắt lưng buộc bụng” là quan trọng nhưng nó phải có chừng mực và phải đi kèm với kích thích kinh tế, chống thất nghiệp và cứng rắn hơn với các ngân hàng. Ông dẫn chứng khủng hoảng ở các nước như Ireland, Cộng hòa Síp hay Tây Ban Nha thực chất là khủng hoảng ngân hàng chứ không phải khủng hoảng nợ công.

Cân bằng để tăng trưởng bền vững

Ngày 19-4, Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng nhóm G20 họp tại thủ đô Washington (Mỹ) đã thảo luận về các thách thức toàn cầu, cuộc tranh luận về tăng trưởng kinh tế và “thắt lưng buộc bụng” đã trở thành tâm điểm của hội nghị.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh có nhiều ý kiến đề nghị xem xét lại sự cân bằng giữa chính sách tăng trưởng và “thắt lưng buộc bụng”. Tổng Giám đốc IMF bà Christine Lagarde nhận định: “Các triển vọng kinh tế toàn cầu đã ít nguy hiểm hơn. Nhưng thực tế, sự phục hồi của các thị trường tài chính chưa hẳn đồng nghĩa với sự phục hồi tăng trưởng và việc làm”.

Ông Charles Wyplosz, chuyên gia về các vấn đề kinh tế và tiền tệ châu Âu cho rằng: “Thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng đã mang lại những hệ quả là không có tăng trưởng và không thể phục hồi tăng trưởng”.

Bộ trưởng Tài chính Australia Wayne Swan mới đây còn “công kích” chính sách “thắt lưng buộc bụng” của châu Âu, đã góp phần đè nặng lên sự phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Trả lời phỏng vấn của đài CNBC, Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Luis de Guindos nhận định các biện pháp củng cố tài chính và duy trì tăng trưởng không mâu thuẫn với nhau, song chúng cần phải có sự tương thích.

Còn Tổng thống Nga V.Putin lại cho rằng, trong nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay các vấn đề kinh tế mà Mỹ hay EU đang gặp phải đều ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu hiện nay là giải quyết sự mất cân bằng kinh tế và kích thích tăng trưởng toàn cầu.

Như vậy, sau ba năm EU thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” tình trạng kinh tế giảm sút, thất nghiệp gia tăng đã cho thấy chính sách mà các nước EU thực hiện đã không phát huy hiệu quả như mong muốn. Vì thế, sự cân bằng giữa “thắt lưng buộc bụng” và tăng trưởng kinh tế được giới chức tài chính G-20 coi trọng trong xử lý nợ ở châu Âu và những vấn đề tăng trưởng kinh tế toàn cầu là có cơ sở.

Nguyễn Nhâm

Nhân dân

Các tin tức khác

>   Mỹ thu về hơn 5,5 tỉ USD tiền trốn thuế (28/04/2013)

>   GDP của Mỹ tăng trưởng 2,5% trong quý đầu 2013 (27/04/2013)

>   Quyết sách của BoJ đang chi phối thị trường tiền tệ (26/04/2013)

>   Ngân hàng Phát triển châu Á bầu được chủ tịch mới (26/04/2013)

>   Nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu phát triển chậm lại (26/04/2013)

>   Thụy Sỹ sắp phải nhượng bộ bí mật ngân hàng (25/04/2013)

>   Lợi nhuận ngân hàng Barclays giảm 25% trong quý 1 (25/04/2013)

>   Đồng 100 USD mới sắp được lưu hành (25/04/2013)

>   Síp thông qua thỏa thuận về gói cứu trợ của EU-IMF (25/04/2013)

>   Moody's hạ bậc tín nhiệm ngân hàng lớn của Đức (24/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật