Thứ Ba, 23/04/2013 11:45

Đồng Yên giảm, nhiều DN giảm lợi nhuận

Bên cạnh nhiều DN Việt Nam hưởng lợi từ việc đồng JPY giảm giá, một số DN niêm yết lại đang gặp bất lợi nhất định.

* Đồng Yên giảm, doanh nghiệp niêm yết nào hưởng lợi?

Mỗi DN có cách ứng phó và cả nhìn nhận khác nhau trước xu hướng này.

CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) đang đối mặt với khả năng giảm lượng tôm xuất khẩu sang thị trường Nhật, trong khi thị trường này chiếm 20% tổng doanh thu của Công ty. Ông Nguyễn Xuân Toán, người công bố thông tin của Công ty cho biết, vào thời điểm đồng JPY rớt giá cuối năm ngoái, người tiêu dùng Nhật “bị sốc” trước việc tăng giá mạnh tôm nhập khẩu từ Việt Nam và các nước khác.

Trong khi đó, giá tôm vẫn đang tiếp tục đà tăng sau khi đã giảm rất sâu trong năm ngoái. “Minh Phú cũng nhận định tình hình kinh doanh ở thị trường Nhật sẽ gặp khó khăn trước việc đồng JPY giảm giá, nên sẽ phải nỗ lực tìm kiếm thị trường để duy trì hoạt động kinh doanh”, ông Toán nói. Cụ thể, Minh Phú đang cân nhắc một số giải pháp nhất định để khuyến khích khách hàng Nhật, ví dụ việc cho khách hàng mua bằng đồng JPY thay vì đồng USD như hiện tại để giảm rủi ro tỷ giá cho khách. Ông Toán cho biết, số liệu kinh doanh quý I của Minh Phú đến nay vẫn chưa tổng hợp, tuy nhiên không loại trừ khả năng “kết quả kinh doanh quý I có thể giảm do sự suy giảm từ thị trường Nhật”.

Cũng có sản phẩm xuất khẩu sang Nhật, nhưng CTCP FPT dường như đang ở trong thế tích cực hơn Minh Phú. Hoạt động gia công phần mềm của FPT đang chiếm 10% doanh thu của Tập đoàn, trong khi đó các đơn hàng từ Nhật chiếm gần 60% doanh thu gia công phần mềm.

Năm ngoái, doanh thu của FPT từ gia công phần mềm tại thị trường Nhật đã tăng 36%

Ông Nguyễn Khải Hoàn, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của Công ty Phần mềm FPT cho biết, trong các thị trường của Công ty thì Nhật là thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh và tốc độ này đang bù đắp rất tốt cho phần hụt lợi nhuận do tỷ giá. Theo ước tính tạm thời của ông Hoàn, trong quý I/2013, doanh thu gia công phần mềm cho khách hàng Nhật khi chưa quy đổi tỷ giá đã tăng khoảng 50%, trong khi đó phần hụt do tỷ giá rơi vào khoảng 10% nên tính chung lại, doanh thu của Công ty tại thị trường này tăng trên 40% so với cùng kỳ.

Thêm vào đó, ông Hoàn nói, chính sách kích thích tăng trưởng của Chính phủ Nhật Bản đang và sẽ hỗ trợ rất lớn cho hoạt động xuất khẩu của nước này, do đó làm tăng nhu cầu gia công sản phẩm từ phía Nhật và làm tăng doanh thu cho Công ty Phần mềm FPT. Năm ngoái, doanh thu của FPT từ gia công phần mềm tại thị trường Nhật đã tăng 36%.

Một công ty niêm yết khác được dự báo sẽ gặp bất lợi từ việc đồng JPY giảm giá là CTCP Cơ điện lạnh (REE), do sản phẩm điều hòa nhiệt độ của công ty này sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn hơn nhiều từ các nhà sản xuất Nhật. Sản phẩm điều hòa nhiệt độ đang đóng góp 30% doanh thu của Công ty.

Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT REE đánh giá, sự biến động của đồng Yên vừa qua không ảnh hưởng nhiều đến lĩnh vực kinh doanh điều hòa nhiệt độ của REE. Bà Thanh lý giải, trong thập niên vừa qua sản xuất tại Nhật không còn cạnh tranh được với Trung Quốc nên các công ty Nhật đã mở xưởng sản xuất tại Trung Quốc, Thái Lan và cả Malaysia, do đó giá bán sản phẩm của Nhật không còn phụ thuộc nhiều vào đồng Yên.

Bà Thanh cho biết, kế hoạch doanh thu kinh doanh máy điều hòa nhiệt độ của REE năm nay sẽ tăng hơn so với năm trước khoảng 15%, trong đó tháng 4 vừa qua nhờ thời tiết nóng nên doanh số đã “tăng khá” so với cùng kỳ. Tuy nhiên theo bà Thanh, doanh số bán điều hòa nhiệt độ quý I đã giảm hơn cùng kỳ 23%.

Trong khi đó, CTCK Maybank KimEng Việt Nam trong báo cáo phân tích gửi khách hàng đầu tuần này đưa ra khả năng REE sẽ giảm giá sản phẩm điều hòa nhiệt độ 30% để cạnh tranh với đối thủ Nhật và trong trường hợp đó, tổng lợi nhuận ròng của Công ty sẽ giảm 5%.

Nhìn chung, DN có hoạt động kinh doanh liên quan tới thị trường Nhật đang tỏ ra thận trọng trong đánh giá tác động của việc giảm giá đồng JPY, kể cả các DN có khả năng được hưởng lợi. Trong trao đổi với ĐTCK cuối tuần qua, cả Nhiệt điện Phả Lại (PPC) và Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đều cho biết, việc giảm giá đồng Yên chưa mang lại tác động tích cực rõ ràng cho hoạt động kinh doanh của hai công ty; với Phả Lại, khoản lãi tỷ giá mới chỉ thể hiện trên sổ sách chứ không mang lại dòng tiền mới, trong khi Hoa Sen vẫn phụ thuộc nhiều vào tình hình thị trường tôn thép trong nước.

Hải Linh

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   SFC: BCTC Q1-2013 (23/04/2013)

>   SBC: BCTC CT mẹ Q1-2013 (23/04/2013)

>   VITS: Báo cáo thường niên 2012 (23/04/2013)

>   KMR: BCTC Q1-2013 (23/04/2013)

>   COM: Giải trình chênh lệch lợi nhuận Q1/2013 so với cùng kỳ (23/04/2013)

>   FCN: BCTC CT mẹ Q1-2013 (23/04/2013)

>   LCG: Báo cáo thường niên 2012 (23/04/2013)

>   CNT: Điều lệ và tổ chức hoạt động của Công ty (23/04/2013)

>   TCM: Thỏa thuận hợp tác kỹ thuật với công ty Hyosung (23/04/2013)

>   KHA: Báo cáo thường niên 2012 (23/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật