Thứ Hai, 29/04/2013 19:25

Doanh nghiệp muốn vay vốn mua vàng đấu thầu

Hiệp hội Kinh doanh vàng vừa có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước về việc cho phép các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng mua vàng qua đấu thầu, và mua vàng nguyên liệu để sản xuất nữ trang, nếu các đơn vị này đáp ứng đủ điều kiện tín dụng.

Theo công văn của hiệp hội, trong các phiên đấu thầu liên tiếp gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định khối lượng đặt thầu tối thiểu là 1.000 lượng, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có số vốn lưu động lớn để thanh toán cho NHNN trong thời gian rất ngắn sau khi trúng thầu. Trong khi tiềm lực tài chính của doanh nghiệp kinh doanh vàng không thể bằng các ngân hàng.

“Những quy định trên đã tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng, loại bỏ nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô vừa, ra khỏi cuộc đấu thầu, đi ngược lại chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn kinh doanh khó khăn hiện nay, trong đó có giải pháp thực tế nhất là thông qua các gói tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực tham gia thị trường”, công văn trên viết.

Trên thực tế, các doanh nghiệp này có mạng lưới hoạt động rộng khắp trên toàn quốc, có am hiểu sâu và kinh nghiệm lâu năm trong ngành vàng. Các doanh nghiệp này có thể tham gia bổ sung nguồn cung cho thị trường trong nước như mục tiêu của Chính phủ và NHNN.

Hiệp hội cho rằng do nhu cầu lưu chuyển vốn đa dạng của các doanh nghiệp nên việc vay vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh vàng nói riêng là hoàn toàn bình thường và phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời các doanh nghiệp được cấp phép kinh vàng vàng miếng đều đã đáp ứng đủ điều kiện theo quy định và đã thiết lập quan hệ mua bán vàng miếng với NHNN.

Tuy nhiên, văn bản số 1889/NHNN-QLNH ngày 21-3-2013 của NHNN không cho phép các tổ chức tín dụng cho khách hàng vay vốn để mua vàng, trừ trường hợp được Thống đốc NHNN chấp thuận cho phép vay vốn mua vàng để sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ. Điều này đã gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Việc vay vốn đề mua nguyên liệu sản xuất nữ trang cũng bị hạn chế bởi văn bàn trên, cụ thể là phải được sự cho phép của Thống đốc NHNN vì sẽ khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian nếu có nhu cầu vay vốn, vì nhu cầu mua nguyên liệu là việc hàng ngày của doanh nghiệp, đồng thời tạo ra việc làm hàng ngày không cần thiết cho Thống đốc NHNN.

“Quy định như trên vô hình trung đã tạo thêm một giấy phép con, đi ngược lại với chỉ đạo của Thủ tướng về việc đơn giản các thủ tục hành chính, loại bỏ các giấy phép con không cần thiết”, công văn viết.

Công văn trên cũng đề nghị NHNN xem xét cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức vay vàng để sản xuất. “Ngân hàng Nhà nước có thể cho phép một số ngân hàng thương mại có kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh vàng cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện được vay vàng để làm vàng nguyên liệu sản xuất vàng trang sức nhằm góp phần giảm bớt áp lực nhập siêu và tránh tình trạng căng thẳng về ngoại tệ. Chủ trương không cho các tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay vàng để sản xuất vàng trang sức cũng đang gây khó khăn cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh giá vàng trong nước đang có chênh lệch lớn so với giá vàng quốc tế", công văn nêu rõ.

Theo đại diện một doanh nghiệp có tham gia đấu thầu vàng trong thời gian qua, thì khả năng tham gia các phiên đấu thầu của thành phần doanh nghiệp là càng ngày càng kém, vì lượng vốn bỏ ra cho mỗi phiên quá lớn. Nếu mức đặt tối thiểu là 1.000 lượng thì cũng phải có trên 40 tỉ đồng. Vì vậy, càng ngày càng có ít doanh nghiệp tham gia các phiên đấu thầu. Doanh nghiệp này đề nghị mức tối thiểu là 100 lượng để dễ tham gia hơn.

Về lượng tiền dùng để mua vàng, vị đại diện trên cho rằng hiện các doanh nghiệp đang phải vay ngân hàng dưới dạng “vay để kinh doanh mặt hàng khác”, nhằm tránh quy định của luật.

Trong khi đó, NHNN cho biết sắp tới sẽ thanh tra các đơn vị đã mua vàng đấu thầu, xem nguồn tiền này có hợp pháp hay không, nếu phát hiện các nguồn tiền này không đúng quy định, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt.

Sau 12 phiên đấu thầu, NHNN đã bán ra 12,8 tấn vàng, nếu dùng giá trúng thầu thấp nhất để tính toán, lượng tiền mà các doanh nghiệp và ngân hàng dùng để mua vàng vào khoảng trên 14.300 tỉ đồng, một con số không nhỏ. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng các đơn vị quay vòng vốn, bán vàng đấu thầu, sau đó dùng tiền đó để đặt mua lại... Riêng các ngân hàng mua vàng để tất toán thì số tiền dùng mua các đợt là khác nhau do vàng mua về để đó, trả dần cho dân trước khi tất toán vào 30-6 sắp tới.

Thanh Thương

tbktsg

Các tin tức khác

>   Vàng lậu “chảy” vào nữ trang (28/04/2013)

>   Nhiều chuyên gia tin giá vàng sẽ tăng trong tuần tới (28/04/2013)

>   Chênh lệch giá vàng ngày càng rộng (27/04/2013)

>   Nhà đầu tư chốt lời, vàng vẫn tăng hơn 4%/tuần (27/04/2013)

>   Vàng đấu thầu ít khách trước nghỉ lễ (26/04/2013)

>   Vàng và Vinashin (26/04/2013)

>   Có nhập lậu vàng nhưng quy mô nhỏ (26/04/2013)

>   Giá vàng trong nước tăng vọt theo thế giới (26/04/2013)

>   Vàng phi gần 40 USD/oz, phục hồi 50% từ đợt bán tháo lịch sử (26/04/2013)

>   Xuất - nhập vàng phải minh bạch (26/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật