Thứ Ba, 16/04/2013 08:46

Để AMC không chỉ là nơi “gom, giữ” nợ xấu

Trao đổi của ĐTCK với ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam về vấn đề xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay.

Nợ xấu đang là rủi ro lớn của kinh tế Việt Nam. Theo ông, thành lập Công ty Quản lý tài sản quốc gia (AMC) có phải là giải pháp tốt nhất trong bối cảnh hiện nay?

Ở một số nước, việc thành lập AMC là một bước đi thành công. Có nhiều điều kiện thuận lợi để dự đoán rằng giải pháp này sẽ thành công tại Việt Nam. Theo tôi, sử dụng AMC sẽ tốt hơn là giải quyết vấn đề nợ xấu một cách riêng lẻ. Với hệ thống ngân hàng, AMC sẽ giúp các ngân hàng nhanh chóng làm “sạch” bảng cân đối tài sản, qua đó tăng thanh khoản, tăng khả năng cấp tín dụng cho hệ thống ngân hàng. Với DN, sau khi trở thành chủ nợ mới của các DN gặp khó khăn, AMC sẽ thúc đẩy các DN này tái cấu trúc. Tuy nhiên, cần có những điều kiện ban đầu để chắc chắn rằng dự án này sẽ thực sự thành công.

Ông có thể cho biết rõ hơn về những điều kiện này?

Đầu tiên, chúng ta phải có cái nhìn rõ ràng về những khó khăn tổng thể của hệ thống ngân hàng, từ đó mới tính toán được mức độ hỗ trợ của Nhà nước. Thứ hai, AMC không thể thành công nếu không đi kèm tái cơ cấu một cách quyết liệt. Nếu không nỗ lực tái cơ cấu, cuối cùng AMC sẽ chỉ là một cách để chuyển các khoản nợ xấu từ bảng cân đối kế toán của các ngân hàng sang bảng cân đối kế toán của Chính phủ. Bằng cách buộc các DN phải quyết liệt tái cơ cấu, AMC có thể phục hồi một phần giá trị của tài sản thế chấp mà họ mua lại từ các ngân hàng. Càng phục hồi được nhiều, chi phí cho quá trình tái cấu trúc sẽ càng ít đi. Muốn vậy, AMC phải có năng lực tốt và một số sự ủy quyền pháp lý để thực hiện việc tái cơ cấu của DN vay tiền. Ngoài ra, cần phải có một đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật giỏi.

Một phần khá lớn nợ xấu thuộc về các DNNN. Phải chăng, đó là lý do chính khiến ADB khuyến nghị cần phải đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu DNNN?

Sự yếu kém của DNNN tại Việt Nam đang ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế. Thứ nhất, nó bóp méo việc phân bổ hiệu quả nguồn lực trong nền kinh tế, khiến các nguồn lực này không đến được với các DN, hay những lĩnh vực hoạt động hiệu quả nhất. Sự kém hiệu quả này càng trầm trọng hơn khi Chính phủ trực tiếp trợ cấp cho các DNNN tham gia cung cấp dịch vụ công, ví dụ các cơ sở hạ tầng công. Vì vậy, sự kém hiệu quả của các DN này dẫn đến sự kém hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ công và hàng hóa công, trong khi gánh nặng nợ nần ngày càng gia tăng.

Bởi vậy, cải cách DNNN phải là ưu tiên hàng đầu và cần có quyết tâm, sự cam kết cao hơn từ lãnh đạo cấp cao. Chúng tôi đã thấy một số tiến triển, nhưng cải cách DNNN là một quá trình lâu dài và khó khăn.

Vậy ADB có những khuyến nghị gì để giúp đẩy nhanh quá trình này?

Trong việc tái cơ cấu các DNNN cụ thể thì có nhiều chính sách cần giải quyết. Những chính sách này có tính chất xuyên suốt liên quan đến rất nhiều DN, nhiều ngành khác nhau. Do vậy, Chính phủ cần tăng cường sự phối hợp liên ngành mới có thể thực hiện được chương trình tái cơ cấu DNNN.

Bên cạnh đó, trong tình hình khó khăn về mặt tài chính, hạn chế về mặt nguồn lực, Chính phủ cần có sự chọn lọc kỹ càng hơn trong việc lựa chọn các DNNN để tái cơ cấu. Theo đó, xác định xem ngành nào giúp Việt Nam đạt được mục đích duy trì và cải thiện được khả năng cạnh tranh trong khu vực, cũng như trên toàn thế giới. Hoặc là xác định xem DNNN nào hiện nay đang gây nhiều khó khăn cho ngân sách nhà nước.

Tái cấu trúc là việc làm lâu dài, trước mắt vẫn cần quan tâm đến vấn đề tăng trưởng, việc làm. Vậy theo ông, tăng trưởng tín dụng có nên trở thành vấn đề ưu tiên của NHNN trong năm 2013 và chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm nên đi theo xu hướng nào?

Tất nhiên, tín dụng tăng trưởng rất có lợi cho triển vọng của nền kinh tế, vậy nên tôi không phản đối việc NHNN tiếp tục thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Nhìn chung, nhiệm vụ chính của NHTW vẫn là đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiềm chế lạm phát. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, NHNN cần tiếp tục tập trung vào vấn đề này. Tất nhiên, nếu NHNN có thể tiếp tục kiềm chế tốt lạm phát, thì sẽ có thêm khả năng để nới lỏng chính sách tiền tệ và sau đó giảm lãi suất, từ đó giúp các ngân hàng mở rộng tín dụng. Nhưng khó khăn cơ bản lại là vấn đề nợ xấu. Do đó, NHNN phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách giải quyết và xử lý nợ xấu.

Do nhu cầu hiện nay không cao và lạm phát được duy trì ở mức thấp, chính sách tiền tệ có thể được nới lỏng hơn mà không gây ảnh hưởng quá nhiều đến nền kinh tế. Nhưng NHNN phải cảnh giác trước tình trạng giảm lãi suất quá nhanh, vì niềm tin vào đồng nội tệ cho dù đã dần hồi phục trong 2 năm qua, nhưng vẫn còn mong manh. Vì vậy, nếu lãi suất giảm quá nhanh có thể dẫn đến tình trạng đô la hóa và làm suy yếu sự ổn định kinh tế hiện nay.

Hồng Dung thực hiện.

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Chính thức bổ nhiệm ông Trịnh Ngọc Khánh làm Tổng Giám đốc Agribank (15/04/2013)

>   Hà Nội tính cấp đất cho Agribank xây trụ sở chính (15/04/2013)

>   NHNN yêu cầu TCTD kiện toàn mạng lưới hoạt động (15/04/2013)

>   Lãi suất giảm vẫn ồ ạt gửi ngân hàng (15/04/2013)

>   HDBank hợp tác toàn diện với Vinafood 2 (15/04/2013)

>   Lạ lùng kế hoạch xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nam Á (15/04/2013)

>   Lo ngân hàng mải đầu tư trái phiếu quên cho vay (15/04/2013)

>   Ngân hàng thay tướng: Kỳ vọng làn gió mới (14/04/2013)

>   Sợ cho vay, ngân hàng đổ tiền mua trái phiếu (14/04/2013)

>   ĐHĐCĐ 2013: Vietinbank bán gần 20% vốn cho BTMU trong quý 2, nâng vốn lên 32,661 tỷ (13/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật