Công ty kiểm toán "làm bậy" sẽ chịu "bản án" nặng từ thị trường
Cho rằng các mức xử phạt bằng tiền đối với kiểm toán viên, công ty kiểm toán cố tình sai phạm trên báo cáo kiểm toán vẫn thấp, nhưng ông Bùi Văn Mai, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho rằng, “bản án” nặng nhất đối với kiểm toán viên, công ty kiểm toán có sai phạm trong việc lập báo cáo kiểm toán là mất uy tín trên thị trường.
Thưa ông, tình trạng vi phạm chuẩn mực kế toán khi lập BCTC của khối DN niêm yết, những thực thể được coi là lành mạnh nhất trong nền kinh tế do phải chịu sự kiểm soát rất chặt chẽ của những quy định công bố thông tin, vẫn diễn ra khá phổ biến. Vậy nguyên do tại đâu?
Trước tiên, cần phải khẳng định, chất lượng BCTC của các DN nói chung và khối DN niêm yết nói riêng đã được nâng cao đáng kể, từ khi có hoạt động kiểm toán độc lập, nhất là trong vài năm trở lại đây, sau khi hành lang pháp lý cho hoạt động kế toán, kiểm toán đã được ban hành khá đầy đủ, đồng bộ. Tuy nhiên, các sai sót, thậm chí gian lận trong việc lập và trình bày BCTC vẫn tồn tại, kéo dài và có phần tinh vi, với giá trị ngày càng lớn.
Theo tôi, tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên do, mà chủ yếu là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, tình hình sản xuất - kinh doanh của DN khó khăn, trong khi phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cổ đông, nên một số DN cố tình làm sai, sao cho ra được bản BCTC sáng sủa hơn so với tình hình thực tế. Ngoài ra, do hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính, các cơ chế chính sách trong điều kiện thị trường ngày càng phức tạp, người làm quản lý hoặc làm kế toán có thể không nắm bắt hết được các quy định pháp luật, nên vô tình làm sai.
Ông có cho rằng các vi phạm chuẩn mực kế toán tái diễn nhiều lần là do chế tài xử phạt đối với các vi phạm của DN này chưa đủ mạnh?
Theo quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, đối với các hành vi giả mạo BCTC cao nhất là 20 triệu đồng. Mức này là tương đối cao so với một cá nhân, nhưng lại không đáng kể so với DN. Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán đang được Bộ Tài chính gửi xin ý kiến đã nâng mức xử phạt với hành vi sai phạm liên quan đến lập BCTC lên mức 80 triệu đồng. Mức này đã khá cao, nhưng có thể chưa đủ răn đe với DN, vì giá trị trục lợi từ hành vi gian lận BCTC (như giữ giá hoặc làm giá cổ phiếu tăng cao) có thể lớn hơn rất nhiều so với mức phạt khi DN vi phạm.
VACPA thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức dành cho hội viên
Không hiếm BCTC, chẳng hạn như BCTC 2011 của CTCP Phát triển đô thị công nghiệp (D2D) hạch toán sai chuẩn mực kế toán nhưng vẫn được kiểm toán viên chấp nhận. Vậy, ông nhìn nhận ra sao về hiện tượng này?
Khi BCTC sau kiểm toán được công khai mà vẫn còn sai phạm, thì kiểm toán viên cũng phải chịu trách nhiệm. Cũng như người làm kế toán của DN, có trường hợp kiểm toán viên không nắm bắt hết các tình huống thực tế và chính sách kế toán, tài chính, nên không phát hiện ra sai phạm hoặc bị đơn vị thuyết phục và đồng tình với quan điểm xử lý của DN.
Việc tuân thủ chuẩn mực kế toán trong nhiều trường hợp rất khó xác định đúng - sai, phải đưa ra Hội đồng thẩm định với nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm mới kết luận được. Cho nên, việc một kiểm toán viên, một nhóm kiểm toán xét đoán tình huống trong khoảng thời gian hạn chế trong mùa kiểm toán bận rộn sẽ không thể chắc chắn đúng hoàn toàn.
Chất lượng dịch vụ kiểm toán 1 - 2 năm vừa qua còn sai sót, một phần nữa là do chúng ta vẫn thực hiện kiểm toán theo hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam ban hành từ năm 1999 - 2005, đã lạc hậu so với quốc tế trên dưới 15 năm. Từ năm 2014, kiểm toán phải tuân theo chuẩn mực mới ban hành tháng 12/2012, tôi hy vọng rằng, khi ấy tình trạng này sẽ giảm.
Có ý kiến cho rằng, mức phạt tiền cao nhất quy định tại Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán từ 140 – 200 triệu đồng đối với tổ chức kiểm toán và phạt tiền từ 70 – 100 triệu đồng khi lập báo cáo kiểm toán không trung thực là quá nhẹ, bởi hệ lụy của những sai phạm với nhà đầu tư là rất lớn. Quan điểm của ông ra sao về vấn đề này?
Đúng là mức xử phạt bằng tiền này thấp hơn giá trị mà hành vi thông đồng có thể đem lại cho kiểm toán viên, cho DN được kiểm toán.
Ở một số nước tiên tiến trên thế giới, quy định mức phạt trên từng mức lợi ích đem lại từ sai phạm, ví dụ mức phạt tiền hành vi sai phạm bằng 3 - 5 lần mức lợi ích do sai phạm đem lại. Quy định này thường khó thực hiện, nhưng tác dụng răn đe tốt hơn nhiều. Thông tư 64/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính đã quy định, mức phạt cao nhất là 10 lần mức phí kiểm toán của hợp đồng bị phạt, nhưng quy định này ít có tiền lệ tại Việt Nam.
Cá nhân tôi cho rằng, kiểm toán viên, công ty kiểm toán cần nhận thức rằng “bản án” nặng nhất cho những sai phạm trong việc lập báo cáo kiểm toán là đánh mất uy tín đối với thị trường, bởi dịch vụ kiểm toán là dịch vụ xác nhận niềm tin.
Ông Bùi Văn Mai cho biết, là tổ chức nghề nghiệp của những kiểm toán viên, trong 8 năm kể từ khi thành lập, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) luôn nỗ lực để hỗ trợ Hội viên trong việc nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cũng như cải thiện môi trường hoạt động. Hội đã học tập và áp dụng kinh nghiệm quản lý hội viên từ nhiều tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp trên thế giới.
Hàng năm, VACPA tổ chức từ 30 - 40 lớp đào tạo cập nhật kiến thức cho 1.500
- 1.600 kiểm toán viên. VACPA cũng tổ chức nhiều hoạt động không thu phí như các hội thảo, trao đổi rút kinh nghiệm về những sai sót thường gặp trong kiểm toán BCTC, trong kiểm tra chất lượng các công ty kiểm toán...; tư vấn miễn phí về nghiệp vụ, chế độ, chính sách pháp luật liên quan. VACPA cũng cung cấp cho hội viên các công cụ hỗ trợ lập BCTC như Ebook - Hệ thống hóa các văn bản pháp luật tài chính, kế toán; chương trình kiểm toán mẫu...
VACPA cũng đã ký Biên bản hợp tác với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để phối hợp nâng cao chất lượng kiểm toán BCTC, góp phần công khai, minh bạch thông tin tài chính trên TTCK.
Hằng Phương thực hiện.
Đầu tư chứng khoán
|