Chủ Nhật, 28/04/2013 12:27

Chứng khoán Tuần 22 - 26/04: Bên mua và bên bán cùng “chùn tay” trước kỳ nghỉ lễ

Thiếu vắng thông tin hỗ trợ, giao dịch thị trường diễn ra khá giằng co trong tuần qua. Cả bên bán và bên mua đều thận trọng và chờ đợi, khiến thanh khoản tiếp tục sụt giảm mạnh.

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 22 – 26.04.2013

Giao dịch: Tính tổng cộng tuầnqua, VN-Index tăng nhẹ 0.27% lên 474.51 điểm, HNX-Index không thay đổi khi đứng yên tại 58.36 điểm, VS 100 tăng 0.92% đang ở 70.43 điểm và VN30 tăng 0.93% lên 537.37 điểm.

VS-Large Cap có mức tăng mạnh nhất với 0.94%, tiếp theo là VS-Mid Cap tăng 0.46%, VS-Micro Cap tăng 0.32%, duy chỉ VS-Micro Cap ngược chiều giảm 0.37%. 

Thanh khoản trên cả hai sàn tiếp tục sụt giảm mạnh trong tuần qua. Tổng khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên HOSE giảm 18.3% so với tuần giao dịch trước và chỉ đạt 32.9 triệu đơn vị/phiên. Trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình phiên giảm 25.16%, chỉ đạt 21.5 triệu đơn vị/phiên.

Giao dịch thị trường diễn ra khá giằng co trong tuần qua với các phiên tăng giảm xen kẽ. Diễn biến thị trường trong tuần qua chịu ảnh hưởng chính từ:

(1) Tâm lý thận trọng của giới đầu tư chưa giảm bớt, khiến cho cả bên bán và bên mua đều “chùn tay”. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh trong tuần qua.

(2) Giao dịch tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi kết quả hoạt động kinh doanh quý 1 và triển vọng năm 2013 qua các diễn biến ở đại hội cổ đông. Những thông tin này đã giúp giao dịch diễn ra tích cực ở một số mã và kích hoạt dòng tiền chảy vào một số cổ phiếu đầu cơ.

(3) Khối ngoại tuy mua ròng nhưng hoạt động bán ròng nhắm vào các cổ phiếu bluechip nhằm hiện thực hoá lợi nhuận đã ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số thị trường cũng như tâm lý của các nhà đầu từ trong nước.

(4) Thông tin CPI tháng 4 tuy tích cực nhưng không đủ mạnh để kích hoạt đà hưng phấn của giới đầu tư.

Phiên giao dịch cuối tuần, thị trường trở lại giảm điểm khi áp lực bán ra tăng cao hơn khi thị trường bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4 dài ngày. Diễn biến giao dịch vẫn khá trầm lắng, thanh khoản xuống mức thấp trong nhiều tháng qua.

Nhà đầu tư nước ngoài: Mặc dù khối ngoại mua ròng trở lại trong tuần qua nhưng áp lực bán ròng tiếp tục nhắm vào cổ phiếu bluechip đã phần nào khiến cho các nhà đầu tư trong nước tỏ ra e dè hơn trong quyết định tham gia thị trường.

Thống kê cho thấy tuần qua, khối ngoại mua ròng 84 tỷ đồng trên HOSE. Giao dịch cũng diễn ra tích cực hơn với giá trị mua bán đạt lần lượt 714 tỷ đồng và 630 tỷ đồng.

Họ mua ròng mạnh ở GAS (29.1 tỷ đồng), KDC (26.6 tỷ đồng), HSG (21.6 tỷ đồng), PET (15.6 tỷ đồng). Giao dịch bán ròng tập trung ở nhiều cổ phiếu bluechip dẫn dắt thị trường như  STB với 23.9 tỷ đồng, tiếp đó là DPM (20.9 tỷ đồng), HAG (19.9 tỷ đồng), VIC (19.8 tỷ đồng) và GMD (12.4 tỷ đồng).

Trên HNX, khối ngoại mua ròng gần 52 tỷ đồng, chủ yếu ở DXP với 15.8 tỷ đồng, SHB với 13.6 tỷ đồng, PVC với 12 tỷ đồng và PGS với 8.5 tỷ đồng. Giá trị bán ròng tập trung mạnh nhất ở VC1 với 5.5 tỷ đồng và KLS với 5.4 tỷ đồng.

Khối tự doanh CTCK: Trong tuần tính đến hết ngày 25/04 (Thứ Năm), khối tự doanh CTCK bất ngờ mua ròng mạnh với 1.15 triệu đơn vị, tương ứng với 87.1 tỷ đồng.

Đáng chú ý hoạt động mua vào của khối tự doanh vẫn tập trung chủ yếu phiên giao dịch đầu tuần với khối lượng mua ròng là 1.5 triệu cổ phiếu, tương ứng với gần 102 tỷ đồng. Hoạt động mua vào của khối tự doanh tiếp tục gắn với các cổ phiếu lớn, khi giá trị trung bình lệnh mua trong phiên này lên tới gần 56,600 đồng/ cổ phiếu.

Cổ phiếu đáng chú ý: Diễn biến thị trường khá cân bằn trong tuần qua khi cùng có 12 ngành tăng điểm và 12 ngành giảm giảm điểm. Trong đó, DV Lưu trú-Giải trí dẫn đầu mức tăng điểm với  mức tăng 7.15%, tiếp theo là SX Tôn thép tăng 5.38% chủ yếu nhờ HSG, và Tiện ích công tăng 4.21%.

Ở chiều ngược lại, Thiết bị Điện –Điện tử Viễn thông giảm điểm mạnh nhất với mức giảm 5.25%, tiếp theo là Nông Lâm Nghiệp giảm 4.53%, và SX Cao su giảm 4.17%.

Các ngành nóng cũng trái chiều khi Khai khoáng, Ngân hàng và Bất động sản tăng lần lượt 3.43%, 1.5% và 1.24%. Trong khi đó, nhóm Chứng khoán, Xây dựng giảm tương ứng 0.89% và 1.02%.

Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là VHG giảm 19.44%, VOS giảm 17.07%; trên HNX không có cổ phiếu giảm điểm nổi bật.

VHG giảm 19.44%. VHG giảm mạnh trong tuần qua có thể xuất phát từ việc doanh nghiệp này tiếp tục gánh lỗ thêm 9.6 tỷ đồng trong quý 1/2013. VHG đã lỗ liên tục 2 năm 2011 và 2012, và nếu tiếp tục lỗ trong năm 2013 thì VHG sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.

VOS giảm 17.07%. VOS giảm mạnh trong tuần qua do kết quả kinh doanh quý 1/2013 không mấy tích cực khi lợi nhuận âm gần 97 tỷ đồng. 

Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là BGM tăng 31.43%; trên HNX là TPP tăng 25% và ITQ tăng 22.5%.

BGM tăng 31.43%. BGM tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng xuất phát từ dòng tiến đầu cơ nhắm vào thông tin HĐQT BGM trình kế hoạch phát hành thêm 2.4 triệu cổ phiếu với mức giá 5,000 đồng nhằm bổ sung vốn hoạt động ngắn hạn.

Kết quả kinh doanh quý 1/2013 của BGM không mấy tích cực khi doanh thu chỉ có vỏn vẹn 105 triệu đồng, lợi nhuận âm 6.1 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong kỳ ĐHCĐ sắp diễn ra, HĐQT của BGM không đưa ra kế hoạch doanh thu, lợi nhuận cho 2013.

TPP tăng 25%. TPP tăng mạnh trong tuần qua có thể xuất phát từ kết quả kinh doanh quý 1/2013 khả quan khi lợi nhuận sau thuế đạt 6.2 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

ITQ tăng 22.5%. ITQ tăng mạnh trong tuần qua có thể xuất phát từ kết quả kinh doanh quý 1 khả quan hơn. Theo đó, mặc dù doanh thu quý 1/2013 chỉ đạt gần 67 tỷ đồng giảm 45% so với cùng ký năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế có sự cải thiện khi đạt 532 triệu đồng tăng mạnh 78%.

II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA

(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)

Phòng Nghiên cứu Vietstock

FFN

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật