Thứ Sáu, 19/04/2013 11:23

Chứng khoán Tuần 15-18/04: Khối ngoại tiếp tục “đè” thị trường!

Sau phiên hồi mạnh, thị trường đã nhanh chóng giảm sâu trở lại về cuối tuần. Áp lực bán ra không chỉ xuất phát từ tâm lý e ngại rủi ro của giới đầu tư trong nước, mà còn do lực bán gia tăng mạnh ở nhóm đầu tư nước ngoài.

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 15 – 18.04.2013

Giao dịch: Tính tổng cộng tuầnqua, VN-Index giảm khá mạnh 4.26% xuống 473.21 điểm, HNX-Index giảm 3.1% đứng tại 58.36 điểm, VS 100 giảm 4.16% đang ở 69.79 điểm và VN30 giảm 4.54% xuống 532.44 điểm.

Các chỉ số Market Cap đều quay đầu giảm điểm mạnh trong tuần qua. VS-Large Cap có mức giảm mạnh nhất với 5.54%, tiếp theo là VS-Mid Cap giảm 4.09%, VS-Small Cap giảm 1.81% và VS-Micro Cap giảm nhẹ 1.47%. 

Thanh khoản trên cả hai sàn tiếp tục sụt giảm mạnh trong tuần qua. Tổng khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên HOSE giảm 25.2% so với tuần giao dịch trước và chỉ đạt 40.3 triệu đơn vị/phiên. Trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình phiên giảm 20.2%, chỉ đạt 28.8 triệu đơn vị/phiên.

Tâm lý lo sợ và thận trọng gia tăng trước đà sụt giảm mạnh của các phiên giao dịch cuối tuần trước đã kích hoạt hoạt động thoát hàng diễn ra trên diện rộng trong những phiên giao dịch đầu tuần

Lực bán tập trung mạnh cổ phiếu bluechip đã khiến chỉ số VN-Index trượt khỏi mốc 480 điểm và càng khiến bên bán hoang mang đẩy mạnh bán ra.

Việc sụt giảm mạnh liên tiếp đã kích thích hoạt động bắt đáy gia tăng trở lại vào giữa tuần và giúp thị trường hồi phục. Tuy nhiên, giới đầu tư nhìn chung vẫn thận trọng cao độ, hoạt động bắt đáy tỏ ra dè dặt và thanh khoản sụt giảm. Giao dịch trong phiên hồi phục này bị chi phối bởi các nhà đầu tư lớn, khi thống kê lệnh cho thấy giao dịch lô lớn chiếm 85% tổng giao dịch thị trường.

Sau phiên hồi mạnh, thị trường đã nhanh chóng giảm sâu trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần. Áp lực bán ra không chỉ xuất phát từ tâm lý e ngại rủi ro của giới đầu tư trong nước, mà còn do lực bán gia tăng mạnh ở nhóm đầu tư nước ngoài.

Trong phiên cuối tuần, tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trên HOSE lên gần 90 tỷ đồng và nhắm vào nhóm cổ phiếu bluechip. Hoạt động bán ra này rất có thể xuất phát từ các quỹ ETF khi chênh lệch giữa N.A.V và thị giá chứng chỉ quỹ đã gia tăng khá mạnh trong tuần qua.

Nhà đầu tư nước ngoài: Áp lực bán ròng ở những cổ phiếu bluechip của khối ngoại vẫn khá mạnh và tiếp tục ảnh hưởng xấu lên chỉ số cũng như tâm lý của giới đầu tư.

Thống kê cho thấy tuần qua, khối ngoại bán ròng nhẹ 27 tỷ đồng trên HOSE nhưng đã có phiên bán ròng rất mạnh vào cuối tuần. Họ bán ròng mạnh ở hàng loạt cổ phiếu chủ chốt như VIC (32.2 tỷ đồng), MSN (15.4 tỷ đồng), BVH (12.9 tỷ đồng), VCB (12.7 tỷ đồng). Giao dịch mua ròng tập trung ở DVP với 25.9 tỷ đồng, tiếp đó là PET (13.4 tỷ đồng), GAS (8.2 tỷ đồng) và PHR (8.0 tỷ đồng).

Trên HNX, khối ngoại mua ròng 38.6 tỷ đồng, chủ yếu ở DXP với 13.8 tỷ đồng, TCT với 5.2 tỷ đồng, DBC với 5.0 tỷ đồng và PVS với 4.9 tỷ đồng. Giá trị bán ròng ở các mã không đáng kể.

Khối tự doanh CTCK: Trong tuần tính đến hết ngày 17/04 (Thứ Tư), khối tự doanh CTCK bán ròng nhẹ với gần 0.6 triệu đơn vị, tương ứng với 15.7 tỷ đồng.

Hoạt động mua bán của khối tự doanh vẫn tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu bluechip khi giá mua – bán trung bình cổ phiếu đạt lần lượt 25,200 đồng và 20,200 đồng. Việc thoát ròng mạnh các cổ phiếu bluechip trong tuần qua tiếp tục là chiến thuật hợp lý của khối tự doanh khi Large Cap và Mid Cap là hai nhóm giảm sâu nhất.

Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành giảm điểm hoàn toàn chiếm ưu thế trong tuần khi có 21/24 ngành giảm điểm. Trong đó, Bảo hiểm giảm điểm mạnh nhất với mức giảm 7.05%, tiếp theo là Tiện ích công giảm 5.41%, và Xây dựng giảm 5.04%.

Các ngành nóng khác cũng giảm khá mạnh khi Khai khoáng giảm 4.87%, Bất động sản giảm 4.73%, Ngân hàng giảm 3.72% và Chứng khoán giảm 3.68%.

Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là PVF giảm 14.29%, GMD giảm 13.52%; trên HNX không có cổ phiếu giảm điểm nổi bật.

PVF giảm 14.29%. PVF giảm mạnh trong tuần qua khi không có thêm thông tin mới nào về tình hình hoạt động. Nhiều khả năng việc giảm mạnh của PVF chủ yếu do ảnh hưởng xấu từ xu hướng chung của thị trường, đặc biệt là nhóm cổ phiếu tài chính. Những vấn đề xoay quanh việc hợp nhất với WesternBank cũng có thể đã khiến giới đầu tư e ngại.

GMD giảm 13.52%. GMD giảm mạnh trong tuần qua khi không có thêm thông tin mới nào về tình hình hoạt động. Việc giảm mạnh của GMD là do hoạt động chốt lời liên tục sau khi các thông tin đình đám thời gian qua đã lộ diện.

GMD vừa được UBCKNN chấp thuận phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Theo đó, GMD sẽ phát hành thêm gần 1.7 triệu cổ phiếu, tương ứng với 1.5% vốn điều lệ hiện tại cho người lao động, với giá phát hành 10,000đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là HAR tăng 19.57%, SJS tăng 13.74%, DQC tăng 11.51%.

HAR tăng 19.57%. HAR tăng mạnh trong tuần qua có thể xuất phát từ (i) kết hoạch năm 2013 “hoành tráng” khi điều chỉnh tăng lợi nhuận sau thuế lên 20.45 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2012; (ii) kết quả kinh doanh quý 1 tuy thấp nhưng vẫn khả quan so với ngành bất động sản, khi lợi nhuận của HAR đạt 2.37 tỷ đồng, tăng 2.3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

SJS tăng 13.74%. SJS tăng mạnh trong tuần qua có thể xuất phát từ việc Market Vectors ETF Trust bất ngờ nâng sở hữu tại SJS lên 8%. Thông tin này nhiều khả năng đã kích hoạt dòng tiền đầu cơ chảy vào SJS sau khi cổ phiếu này được phép giao dịch trở lại.

DQC tăng 11.51%. DQC tiếp tục tăng mạnh khi không có thông tin nào mới liên quan đến hoạt động kinh doanh. Nhiều khả năng việc DQC tăng mạnh liên quan đến đề xuất mua lại 20% lượng cổ phiếu lưu hành của HĐQT trong kỳ họp đại hội cổ đông sắp tới.

II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA

(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)

Phòng Nghiên cứu Vietstock

FFN

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật