Chứng khoán Tuần 08 – 12/04: Ai đã khiến thị trường hoang mang?
Khối ngoại đã bất ngờ bán ròng mạnh mẽ trên HOSE. Việc bán ròng mạnh của khối ngoại không chỉ ảnh hưởng tiêu cực lên chỉ số thị trường mà còn kéo tâm lý thận trọng, e ngại trở lại trong giới đầu tư.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 08 – 12.04.2013
Giao dịch: Tính tổng cộng tuầnqua, VN-Index giảm 1.65% xuống 494.27 điểm, HNX-Index giảm 1.26% đứng tại 60.23 điểm, VS 100 giảm mạnh 3.56% đang ở 72.82 điểm và VN30 giảm 2.18% lên 557.77 điểm.
Các chỉ số Market Cap đều quay đầu giảm điểm mạnh trong tuần qua. VS-Micro Cap có mức giảm mạnh nhất với 3.63%, tiếp theo là VS-Large Cap giảm 2.92%, VS-Mid Cap giảm 1.24% và VS-Small Cap giảm nhẹ 0.11%.
Tổng khối lượng khớp lệnh trên HOSE tăng nhẹ 3.2% so với tuần giao dịch trước; trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh giảm 2.5%.
Những phiên giao dịch đầu tuần, thị trường tiếp tục khởi sắc nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip, trong đó nổi bật nhất là GAS và VNM. Đây là điều không quá bất ngờ khi dòng tiền được dự báo sẽ tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu này nhằm đón đầu kết quả kinh doanh quý 1/2013.
Tuy vậy, hoạt động chốt lời đã bắt đầu diễn ra mạnh ở một số cổ phiếu bluechip đã tăng khá trong thời gian gần đây như REE, PPC, PHR, PGS,... khiến đà tăng của các chỉ số bị thu hẹp.
Trái với nhóm cổ phiếu bluechip, hầu hết các cổ phiếu Bất động sản, Xây dựng và nhiều cổ phiếu ”nóng” tỏ ra khá trầm lắng trong những phiên giao dịch này.
Bất ngờ diễn ra vào phiên giao dịch ngày 10/04 khi giới đầu tư ”tháo chạy” khỏi thị trường, khi các cổ phiếu bluechip như HAG, BVH, GAS, VCB, ITA, DPM, PVF bất ngờ bị bán tháo hàng loạt.
Áp lực tháo hàng ở nhóm cổ phiếu bluechip xuất phát chủ yếu từ áp lực bán ra mạnh từ khối ngoại. Hoạt động giao dịch arbitrage của các quỹ ETF được coi là ”tác nhân” của đợt xả hàng này.
Sau phiên ”tháo chạy” bất ngờ, giao dịch đã ổn định trở lại trong phiên tiếp theo. Cổ phiếu bluechip lấy lại điểm số đã mất và giúp thị trường tăng khá mạnh. Tuy nhiên, tâm lý giới đầu tư dường như đã bị ”tổn thương” sau phiên giảm điểm bất ngờ và giao dịch thị trường trở nên kém sôi động.
Phiên giao dịch cuối tuần, mặc dù không đón nhận thêm thông tin gì mới nhưng áp lực bán ra vẫn bất ngờ gia tăng mạnh trên thị trường. Điều này có thể do tâm lý e ngại rủi ro tăng cao trước áp lực bán ra liên tục của khối ngoại, cùng với lực cầu chống đỡ từ bên mua tỏ ra đuối sức, khiến bên bán mạnh dạn tháo hàng trên diện rộng.
Nhà đầu tư nước ngoài: Khối ngoại đã bất ngờ bán ròng mạnh mẽ trên HOSE. Việc bán ròng mạnh của khối ngoại không chỉ ảnh hưởng tiêu cực lên chỉ số thị trường mà còn kéo tâm lý thận trọng, e ngại trở lại trong giới đầu tư. Hoạt động bán ròng mạnh trong tuần qua có thể xuất phát chủ yếu từ hoạt động arbitrage của các quỹ ETF, khi giá chứng chỉ quỹ thấp hơn N.A.V.
Thống kê cho thấy tuần qua, khối ngoại đã bán ròng gần 138 tỷ đồng trên HOSE. Họ bán ròng mạnh ở HAG (48.5 tỷ đồng), VCB (30 tỷ đồng), VHC (27.1 tỷ đồng), VSH (27 tỷ đồng). Giao dịch mua ròng tập trung ở GAS với 27.3 tỷ đồng, tiếp đó là DQC (19.4 tỷ đồng), CSM (15.4 tỷ đồng) và PHR (12.2 tỷ đồng).
Trên HNX, khối ngoại mua ròng 18.4 tỷ đồng, chủ yếu ở DXP với 8.9 tỷ đồng, TCT với 5.4 tỷ đồng; trong khi bán ròng mạnh nhất VCG với 4.7 tỷ đồng và PVS với 2.8 tỷ đồng.
Khối tự doanh CTCK: Trong tuần tính đến hết ngày 11/04 (Thứ Năm), khối tự doanh CTCK mua ròng nhẹ với 0.7 triệu đơn vị, nhưng xét về mặt giá trị thì khối này đã bán ròng lên đến 31.9 tỷ đồng.
Khối tự doanh có thể đã đẩy mạnh thoát hàng ở nhóm cổ phiếu bluechip khi giá bán trung bình cổ phiếu đạt gần 20,400 đồng/cp. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được khi đây là nhóm cổ phiếu bị chốt lời khá mạnh trong tuần qua.
Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành giảm điểm trở lại chiếm ưu thế trong tuần khi có 16/24 ngành giảm điểm. Trong đó, Nông –Lâm –Ngư giảm điểm mạnh nhất với mức giảm 5.01%, tiếp theo là Ngân hàng giảm 4.72%, và Bất động sản giảm 4.49%.
Các ngành nóng khác cũng giảm khá mạnh khi Khai khoáng giảm 2.57%, Xây dựng giảm 2.53% và Chứng khoán giảm nhẹ nhất 0.88%.
Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là SJS giảm 24.71%, VOS giảm 11.63%; trên HNX có SDH giảm 29.27%.
SJS giảm 24.71%. SJS giảm mạnh trong tuần qua có thể xuất phát từ: (i) Mong muốn tháo hàng tăng cao sau thời gian SJS bị tạm ngưng giao dịch, (ii) Khối ngoại cũng thoát hàng mạnh. Đây rất có thể là giao dịch bán ra của Market Vectors Vietnam ETF. V.N.M đang nắm giữ khoảng 7.8 triệu cổ phiếu SJS.
VOS giảm 11.63%. VOS giảm mạnh có thể xuất phát từ lo lắng của giới đầu tư khi: (i) VOS bị đưa vào diện cảnh cáo, (ii) Kiểm toán lưu ý về khả năng hoạt động liên tục khi lỗ 34.6 tỷ đồng trong năm 2012 và nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn 109 tỷ đồng.
Điểm tích cực là Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) và Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) đã cam kết sẽ tiếp tục bổ sung hạn mức tín dụng cho vay để công ty duy trì hoạt động trong thời gian tới.
Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là DQC tăng 16.67% và BTP tăng 13.27%.
DQC tăng 16.67%. DQC tăng mạnh khi không có thông tin nào mới liên quan đến hoạt động kinh doanh. Nhiều khả năng việc DQC tăng mạnh có thể xuất phát từ kỳ vọng hoạt động kinh doanh của công ty này sẽ tăng trưởng hơn nhờ dự án liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Công nghiệp Venezuela để xây dựng khu liên hợp sản xuất đèn chiếu sáng tiết kiệm.
Theo kế hoạch HĐQT đặt ra trong năm 2013, doanh thu của DQC là 693 tỷ đồng (tăng 10% so với năm 2012), lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 51.5 tỷ đồng (tăng 5%).
BTP tăng 13.27%. BTP tăng mạnh trong tuần qua khi không có thông tin nào mới liên quan đến hoạt động kinh doanh. Nhiều khả năng việc BTP tăng mạnh xuất phát từ kỳ vọng: (i) doanh thu quý 1 sẽ tiếp tục khả quan, (ii) mức cổ tức được chia sẽ tích cực hơn khi lợi nhuận năm 2012 của BTP tăng trưởng đột biến.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Phòng Nghiên cứu Vietstock
FFN
|