Cách nào xử lý nợ xấu?
Nợ xấu ngân hàng là những khoản nợ được phân loại vào nhóm 3 (dưới chuẩn), nhóm 4 (nghi ngờ) và nhóm 5 (có khả năng mất vốn). Xử lý nợ các nhóm này như một món ăn khó nuốt nhưng các ngân hàng vẫn phải đối mặt.
Tài sản đảm bảo bị thu giữ do nợ xấu.
|
Chỉ giảm số liệu
Sau chưa đầy một năm (tháng 5-2012 đến tháng 2-2013) số liệu về nợ xấu do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đã giảm từ 8,6% xuống còn 6%. Theo Chánh thanh tra NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa, lý do chính giúp nợ xấu có xu hướng giảm trong thời gian qua là ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh việc trích lập dự phòng rủi ro, theo chỉ đạo của cơ quan quản lý và cơ cấu lại nợ. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu giảm cũng còn có lý do các ngân hàng đã cẩn trọng hơn trong thẩm định cho vay để không xuất hiện nợ xấu trên các khoản cho vay mới.
Cụ thể, đến cuối 2012, các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu được khoảng 78.600 tỉ đồng, tăng 33% so cuối 2011. Đến hết 2012, các ngân hàng xử lý được 45.000 tỉ đồng. Như vậy, phần lớn nợ xấu được giải quyết rơi vào thời điểm 2 quý cuối 2012, còn trong khoảng tháng 1, 2 năm 2013 các ngân hàng xử lý được khoảng gần 10.000 tỉ đồng. Tất cả các khoản trích lập này được lấy từ lợi nhuận ngân hàng, thậm chí rút từ vốn ngân hàng. Theo luật sư tài chính ngân hàng Trương Thanh Đức, như vậy, các khoản nợ đã được trích lập dự phòng rủi ro, được cơ cấu lại cho ra khỏi vùng nợ xấu khiến tỷ lệ nợ xấu giảm chỉ là giảm số liệu, không phải là bản chất, giảm thật sự. Đây là cách biến hóa nợ xấu theo sổ sách.
Khó xử lý
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nợ được chia thành 5 nhóm. Đối với các khoản nợ xấu, ngân hàng thương mại phải thực hiện việc phân loại nợ, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng hàng tháng để phục vụ cho công tác quản lý chất lượng và rủi ro tín dụng. Tỷ lệ trích lập dự phòng đối với các nhóm nợ cụ thể là: Nhóm 3: 20%, Nhóm 4: 50%, Nhóm 5: 100%. Hiện nay, những biện pháp được các ngân hàng thực hiện để thu hồi nợ chủ yếu là thanh lý tài sản đảm bảo nợ hoặc khởi kiện ra tòa án.
Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính ngân hàng Bùi Kiến Thành, trên thực tế, việc thực hiện xử lý nợ xấu, nhất là nợ nhóm 5, thông qua việc xử lý tài sản đảm bảo nợ gặp không ít khó khăn, tiến trình xử lý mất rất nhiều thời gian và thủ tục, giá trị thu hồi thấp do nhiều nguyên nhân. Tình trạng phổ biến hiện nay là nhiều giá trị tài sản đảm bảo nợ đã “bốc hơi” rất mạnh so với thời điểm vay vốn, ví dụ như giá trị các cổ phiếu, giá trị bất động sản giảm mạnh hoặc là những tài sản trên đất như nhà xưởng, dây chuyền máy móc tại các khu công nghiệp...
Điều này khiến các ngân hàng rất khó xử lý tài sản đảm bảo nợ, nếu xử lý thì chỉ thu hồi được một phần nợ. Ngoài ra, một khó khăn khác mà ngân hàng thường gặp phải là khi tài sản đảm bảo được thanh lý thì số tiền thu được lại được ưu tiên chi trả trước cho những khoản nợ theo phân chia theo thứ tự ưu tiên, ví dụ như khi thanh lý được tài sản đảm bảo phải ưu tiên thực hiện nghĩa vụ nộp thuế NK, vì hầu hết các thiết bị này đều được miễn thuế NK do thường được coi là tài sản cố định khi thành lập công ty... Điều này dẫn đến việc thực hiện xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản đảm bảo nợ thường kéo dài, tốn kém về tài chính.
Trên thực tế nhiều tài sản đảm bảo do thiếu hợp tác từ phía khách nợ khiến ngân hàng gặp không ít khó khăn trong việc xử lý tài sản đảm bảo nợ khi khách nợ không hợp tác, cố tình kéo dài thời gian trả nợ, thời gian bàn giao tài sản... Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, nếu không đạt được sự thoả thuận với khách hàng ngân hàng chỉ còn cách chuyển hồ sơ khởi kiện ra tòa án, thậm chí yêu cầu tòa mở thủ tục phá sản đối với DN. Nhưng với cách làm này thời gian xử lý mất từ 3 - 4 năm cũng là một khó khăn đối với ngân hàng.
Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, cái khó của ngân hàng đối với xử lý nợ xấu không phải là thanh lý được tài sản đảm bảo mà là phải đưa được số tài sản, dây chuyền, máy móc đó hoạt động, sản xuất trở lại. Đây mới là cái gốc của xử lý nợ xấu bởi nếu chỉ bán nợ xấu từ chủ nợ này sang một chủ nợ khác thì cũng chỉ là hình thức. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự hồi phục của nền kinh tế.
Huyền Trân
hải quan
|