Các thị trường mới nổi cắt giảm dự trữ đồng euro
Thách thức của đồng euro với vị thế quốc tế của đồng USD đã bị đẩy lùi một khoảng cách rất xa bởi số liệu mới công bố của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy các nước đang phát triển đã bán tháo đồng euro từ kho dự trữ ngoại hối chính thức của họ.
Tờ Thời báo Tài chính (Anh) ngày 31/3 cho biết theo dữ liệu tổng hợp của IMF, ngân hàng trung ương ở các nước đang phát triển đã bán 45 tỷ euro trong năm 2012, và như vậy đã cắt giảm việc dự trữ đồng tiền chung châu Âu này tới 8%.
Thực tế này đã nêu bật những thiệt hại mà cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu gây ra cho vị thế của đồng euro trên hệ thống tài chính quốc tế. Như vậy, cơ hội để cạnh tranh với đồng USD, mong ước của những người lập ra đồng tiền chung này, đã biến mất.
Việc lựa chọn giữ loại tiền nào trong kho dự trữ ngoại hối phụ thuộc vào đồng tiền nào mà các nước đang phát triển coi là ổn định, an toàn nhất và luân chuyển vốn nhanh nhất.
Đồng euro hiện nay chiếm 24% kho dự trữ ngoại hối của các nước này, mức thấp nhất kể từ năm 2002. Trong khi đó, tỷ trọng của đồng USD ổn định ở mức 60%.
Thay vào đó, các nước đang phát triển đã chuyển sang tăng cường dự trữ các đồng tiền khác như đồng đôla Australia và đồng tiền của các thị trường đang nổi khác. Như vậy, thị phần của đồng euro trong tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu cũng giảm.
Jeffrey Frankel, giáo sư kinh tế tại Trường Kennedy của Đại học Harvard, nói rằng quy mô của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn làm cho đồng euro là một đồng tiền được đưa vào kho dự trữ ngoại hối và không thấp hơn ở các nền kinh tế phát triển mạnh khác.
Tuy nhiên, thị trường trái phiếu Eurozone không còn hấp dẫn do có những lo ngại về độ tin cậy về khả năng trả nợ của Tây Ban Nha và Italy.
Đồng euro có thể lấy lại sức hấp dẫn của nó nếu châu Âu tiến tới một liên minh tài chính và một thị trường trái phiếu chung.
Nhưng thời điểm của nó có thể đã qua bởi những thay đổi lớn trên thế giới đã thúc đẩy những loại tiền tệ mới ở các thị trường mới nổi mà những đồng tiền này sẽ thách thức cả đồng USD và đồng euro.
Ông Edwin Truman, một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Peterson ở Washington, cho rằng ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đồng euro sẽ vẫn còn, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại, lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp và sự hấp dẫn chung của những tài sản của đồng euro sẽ thấp. Trong khi đó, đồng USD vẫn duy trì như hiện nay và thế giới đang hướng tới một hệ thống đa tiền tệ.
Tuần trước, Trung Quốc và Brazil đã ký một thỏa thuận hoán đổi 30 tỷ USD để nước này có thể vay tiền của nước kia trong trường hợp có bất ổn trong hệ thống tài chính quốc tế. Điều đó là bỏ qua nhu cầu sử dụng kho dự trữ USD.
Bản thân Trung Quốc cũng đang dần dần mở rộng vai trò quốc tế của đồng nhân dân tệ của nước này.
Ngân Bình
vietnam+
|