Bí hiểm SJS
Ngày 4-4, SJS (Sudico) đã bị HOSE tạm ngừng giao dịch do thua lỗ 2 năm liên tiếp. Sau khi giải trình và công bố phương án khắc phục với HOSE, SJS đã được giao dịch trở lại vào ngày 11-4 nhưng dưới dạng bị kiểm soát. Ai muốn mua bán SJS sẽ phải đợi đến 15 phút cuối cùng của đợt khớp lệnh liên tục. Tuy chỉ “chân ướt, chân ráo” quay lại sàn và bị “gò bó” trong giao dịch, nhưng SJS lại bùng nổ một cách bất ngờ.
Hấp dẫn nhờ “lịch sử”?
Bỏ tiền cho một CP chỉ giao dịch có 15 phút và chứa đựng nhiều rủi ro như SJS liệu có đáng hay không? SJS không phải là một CP tầm thường nên cho dù có bị sa cơ lỡ vận NĐT vẫn không nhìn SJS như những CP hàng lởm, kiểu như SHN hay VKP. Mang nhiều “thương tích” trên mình như thua lỗ, nợ vay, nhưng tên tuổi và tiềm lực của SJS vẫn có giá trị. Nhưng cũng cần nhắc lại một điều, dù SJS là một CP có giá trị, có chất lượng, nhưng không ít thời điểm lại biến động theo kiểu CP đầu cơ. SJS có những dự án hấp dẫn như Nam An Khánh (Hà Nội) là một lẽ, song sức hấp dẫn còn nằm ở những đợt sóng tăng giá gấp 2-4 lần. Nhiều khi những yếu tố mang tính nền tảng của SJS chỉ là cái cớ để lực đầu cơ tham gia CP này mạnh hơn nữa, kiểu như “CP này tốt, còn tăng mạnh được nữa”.
Dự án Nam An Khánh dù chỉ là bãi đất trống nhưng gắn với thương hiệu SJS
|
Từ năm 2010 đến nay, sau khi SJS tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng, CP này luôn thể hiện dưới phong độ của mình. Những ai mua SJS để đầu tư giá trị sẽ thất vọng vì công ty đã thua lỗ trong 2 năm gần nhất, còn ai mua SJS để chờ sóng mạnh còn chán hơn, bởi CP này buồn tẻ cả về biến động lẫn thanh khoản. Chỉ có giai đoạn những thay đổi về cổ đông cũng như đội ngũ lãnh đạo của SJS là CP này có sóng mạnh. Nói như vậy để thấy rằng, trong mắt nhiều NĐT, SJS chỉ là cái bóng mờ so với chính mình trước đây. Nhưng trong 2 phiên 11-4 (ngày đầu tiên được giao dịch trở lại) và 12-4, mặc dù đều giảm sàn nhưng khối lượng giao dịch của SJS lại lần lượt đạt 723.000 và 663.000 CP, mức không hề thấp, cho thấy có người xả nhưng cũng có người gom. Trong 3 phiên 15, 16 và 17-4, CP này đều tăng trần và lên mức 15.900 đồng/CP. Nếu loại bỏ yếu tố thời gian và “án” bị kiểm soát, thanh khoản và biến động của SJS không khác gì một CP bình thường. Chưa lâm nạn, sức hút suy giảm, đến khi lâm nạn lại được chú ý, SJS “độc đáo” là vậy.
Liều như NĐTNN?
Theo dõi giao dịch của khối ngoại liên quan đến SJS cũng có nhiều điểm đáng nói. Trong 2 phiên 11 và 12-4, khối ngoại bán ròng CP này, bởi xả hàng một CP chứa đựng nhiều rủi ro, bị hạn chế giao dịch là điều dễ hiểu. Nhưng đến phiên 15-4, giá trị bán ròng giảm hẳn và 2 phiên gần nhất trạng thái mua ròng lại xuất hiện. Phiên hôm qua 17-4, KLGD SJS đạt 235.000 CP thì khối ngoại mua vào 100.000 CP và chỉ bán ra 1.000 CP. Ngay cả trong 2 phiên bán ròng, lượng mua vào của NĐTNN cũng không hề thấp khi đạt tổng cộng gần 250.000 CP. SJS với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, là một CP có giá trị vốn hóa lớn, được các quỹ ETF đưa vào rổ chỉ số nên CP này cũng được khối ngoại giao dịch. Các quỹ ETF giao dịch dựa nhiều trên giá trị vốn hóa, thanh khoản chứ không đầu tư giá trị, nên dù SJS có thua lỗ việc vẫn vào rổ chỉ số là điều dễ hiểu.
Nhưng hiện nay, SJS chỉ được giao dịch trong 15 phút, đồng thời CP nằm trong diện bị kiểm soát tình thế có thể sẽ rất khác. Do chỉ bị dừng giao dịch trong 7 ngày, nên SJS không bị một quỹ ETF nào loại khỏi danh mục (tháng 11-2012, SJS đã bị một quỹ đầu tư loại ra khỏi rổ chỉ số). Điều này cũng không loại trừ khả năng, khi đến hạn “cân chỉnh” danh mục sắp tới của các ETF, việc giữ hay loại SJS sẽ tiếp tục được xem xét. Trong trường hợp, CP này bị loại, lực bán đương nhiên sẽ rất lớn. Nếu trường hợp này xảy ra, điểm mâu thuẫn ở đây là tại sao khối ngoại vẫn mua vào SJS? Ngày 16-4, Market Vectors ETF Trust công bố mua thêm gần 53.000 CP SJS để nâng tổng khối lượng sở hữu CP này lên 7,97 triệu CP, tương đương 8% số CP lưu hành. Phải chăng, SJS sẽ không bị ETF này loại ra khỏi rổ chỉ số? Nhưng nếu khả năng này xảy ra cũng đồng nghĩa với việc quỹ này sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro về thanh khoản, điều tối kỵ với các ETF. Còn trong trường hợp các ETF sẽ bán ra, tại sao những ngày vừa qua khối ngoại vẫn mua vào?
Một số NĐT và nhân viên môi giới kỳ cựu đều tỏ vẻ ngạc nhiên trước những diễn biến của SJS. Trước khi SJS được giao dịch trở lại, có những dự báo rằng các ETF sẽ phải “ói hàng” CP này vì rủi ro thanh khoản, nhưng tính đến nay suy đoán này không chính xác. Cũng vì vậy, có những suy đoán khác rằng nếu các ETF xả hàng, sẽ lại là cơ hội gom mua của những NĐT khác vì SJS vẫn còn có rất nhiều “câu chuyện” khác liên quan. Với đặc điểm của mình, chỉ cần có cơ hội, tin tức làm lực đẩy, khả năng SJS tăng trở lại vẫn có. Xả hàng SJS lúc này có thể bị mất hàng nên khối ngoại vẫn đang cân nhắc. Nhưng liệu các ETF, chuyên thuần túy đầu tư theo chỉ số có nắm được những thông tin như vậy hay không? Ở đây, nếu SJS dù chỉ giao dịch 15 phút mỗi phiên, nhưng phiên nào cũng có vài trăm ngàn CP khớp lệnh và duy trì trạng thái này trong thời gian dài câu chuyện lại khác. Bởi xét về thời gian CP này bất lợi thật, nhưng thanh khoản lại cao, các ETF nói riêng và NĐTNN nói chung sẽ gặp khó trong việc đánh giá rủi ro thanh khoản. Nhưng nếu khả năng này xảy ra, câu hỏi đặt ra ở đây là những ai đang giao dịch SJS và đây là một hiện tượng lạ về thanh khoản.
Ngọc Phước
sài gòn đầu tư tài chính
|