AVF: "Rối rắm" vụ kiện chống bán phá giá
CTCP Việt An (HOSE: AVF) vừa cho biết hiện đang kiện DOC với mức thuế chống bán phá giá cá tra áp cho AVF là 1.34 USD/1kg vì thế các hoạt động sản xuất kinh doanh và tài chính của công ty không bị ảnh hưởng đến khi có phán quyết cuối cùng.
Ngày 14/03, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố phán quyết cuối cùng của đợt rà soát chính sách thuế chống bán phá giá lần 8 (POR8 – giai đoạn 01/08/2010 đến 31/07/2011) đối với các doanh nghiệp cá tra, cá ba sa. Theo đó, CTCP Việt An (HOSE: AVF) cùng 10 doanh nghiệp khác bị áp mức thuế 0.19-3.18 USD/1kg trong thời gian 1 năm của POR8. Trong đó, sản phẩm fillet cá tra của AVF vào thị trường Mỹ bị áp mức thuế là 1.34 USD/1kg. Sở dĩ có sự thay đổi lớn này là do DOC lựa chọn áp đặt Indonesia thay vì Bangladesh là quốc gia thay thế khi tính thuế khi tính toán biên độ phá giá cá tra, ba sa trong đợt rà soát này.
Theo công bố của AVF ngày 27/03, Vasep và các doanh nghiệp cá tra, ba sa đã gửi hồ sơ kiện lại quyết định của DOC lên Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ (CIT). Hiện nay CIT đã chính thức thụ lý đơn kiện của AVF và ngày 09/04 CIT đã có thông báo chính thức chấp nhận đơn kiện của AVF và yêu cầu Hải quan Mỹ không thu thuế chống phá giá đối với AVF cho đến khi có phán quyết cuối cùng của CIT.
Theo quy định, sau khi nhận hồ sơ kháng kiện, CIT sẽ mất khoảng 3-6 tháng để thu xếp lịch đưa kiện ra xét xử. Một vụ kiện như vậy thường kéo dài rất lâu, tối thiểu 18-24 tháng. Nếu CIT đồng ý với bất kỳ nguyên đơn và bị đơn nào và ra lệnh trả hồ sơ về cho DOC xem xét lại, khi đó vụ kháng kiện sẽ tiếp tục kéo dài đến 3 năm. Nếu bất kỳ kết luận nào của CIT được kháng cáo lên một lần nữa là Tòa Phúc thẩm khu vực Liên bang (CAFC), khi đó các thuế suất ấn định cuối cùng của kỳ POR8 có thể kéo dài thêm 2-3 năm nữa. Trong thời gian đến khi có phán quyết cuối cùng, các hoạt động sản xuất kinh doanh và tài chính của AVF hoàn toàn không bị ảnh hưởng.
AVF sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến vụ việc này.
Thanh Nụ (Vietstock)
ffn
|