Vụ Vinashin: Nhiều “nạn nhân” chưa yêu cầu thi hành án
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh đến quyết tâm phải thi hành án vụ án này để thu hồi khoản tiền lớn cho Nhà nước: hơn 1.000 tỷ đồng của 6 doanh nghiệp cần phải thu hồi từ Vinashin và 5 trong số 6 doanh nghiệp này là doanh nghiệp Nhà nước.
Bản án phúc thẩm của Tòa án Nhân dân Tối cao đối với 8 bị cáo trong vụ án "cố ý làm trái gây thiệt hại" tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã có hiệu lực từ tháng 9/2012, nhưng đến nay việc thi hành án nhằm thu hồi tài sản Nhà nước trong vụ án vẫn chưa được thực hiện.
Một phần tài sản Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị vứt bỏ trong vụ Vinashin
|
Sáng nay (21/3), tại trụ sở Bộ Tư pháp (Hà Nội) đã diễn ra cuộc họp liên ngành nhằm bàn phương án thi hành án vụ Vinashin. Đại diện các cơ quan chức năng liên quan gồm Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng… đều có mặt.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh đến quyết tâm phải thi hành án vụ án này để thu hồi khoản tiền lớn cho Nhà nước: hơn 1.000 tỷ đồng của 6 doanh nghiệp cần phải thu hồi từ Vinashin và 5 trong số 6 doanh nghiệp này là doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên đến thời điểm này, cơ quan thi hành án chưa nhận được bất kỳ đơn yêu cầu thi hành án nào từ... 6 doanh nghiệp nói trên. Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, một trong những căn cứ để cơ quan thi hành án ra quyết định hành án nhằm thu hồi tài sản cho bên được thi hành án chính là đơn yêu cầu.
Theo Luật Thi hành án dân sự, thì trong vòng 5 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực, bên được thi hành án vẫn có quyền yêu cầu thi hành án. Nhưng nếu 5 doanh nghiệp Nhà nước không yêu cầu thi hành án, đồng nghĩa với việc các bên được thi hành án từ bỏ quyền đòi tài sản của mình trong vụ án. Như vậy một phần tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp này có nguy cơ bị vứt bỏ trong vụ Vinashin.
Tại cuộc họp, đại diện các bên liên quan cho rằng phải đặt vấn đề trách nhiệm bảo toàn vốn góp của Nhà nước tại 5 doanh nghiệp được thi hành án trong vụ Vinashin lên vai lãnh đạo 5 doanh nghiệp này. Các bộ chủ quản của 5 doanh nghiệp cần có ý kiến chỉ đạo để các doanh nghiệp có đơn yêu cầu thi hành án.
Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cũng cần chỉ đạo các cơ quan thi hành án theo dõi chặt chẽ diễn tiến vụ việc để báo cáo kịp thời cho các cấp thẩm quyền, tránh bị thất thoát khoản tiền hơn 1.000 tỷ đồng này.
Theo bà Vũ Thị Hằng, Trưởng phòng nghiệp vụ 1 - Tổng cục Thi hành án dân sự, cái khó cho công tác thi hành án sau khi bản án có hiệu lực là khi xét xử, cả tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều không áp dụng biện pháp bảo đảm tài sản của các đương sự để thi hành án.
Đến thời điểm này cơ quan thi hành án mới thi hành án được hơn 145 triệu đồng tiền án phí của các đương sự; chi trả 5 tỷ đồng tiền bồi thường của Nguyễn Tuấn Dương - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long - cho tập đoàn Vinashin; chi trả 1 tỷ đồng của Trần Quang Vũ - nguyên Tổng giám đốc Vinashin - cho Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu; thực hiện ủy thác thi hành án hơn 1,8 tỷ đồng tiền án phí hình sự, dân sự trong vụ án cho Chi cục Thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm, huyện Từ Liêm, quận Hai Bà Trưng, quận Thanh Xuân (Hà Nội), Chi cục Thi hành án huyện Giao Thủy (Nam Định) và Chi cục Thi hành án quận Lê Chân (Hải Phòng).
Hoàng Việt
tbktvn
|