Vietstock Weekly 18 – 22/03: Thông tin hỗ trợ sẽ tiếp tục xuất hiện?
Áp lực điều chỉnh nhiều khả năng sẽ tăng cao trong tuần giao dịch tới sau khi hoạt động tái cơ cấu của các quỹ ETF qua đi. Kỳ vọng về các thông tin vĩ mô hỗ trợ xuất hiện về cuối tháng 3 đang là bệ đỡ cho thị trường.
Chứng khoán Tuần 11 – 15/03: Cách “đánh” của ETF đã giúp thị trường thăng hoa
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN 18 - 22.03.2013
Hoạt động tái cơ cấu danh mục của quỹ ETF FTSE Vietnam Index trong các phiên trong tuần, kết hợp với quỹ V.N.M trong phiên cuối tuần đã giúp thị trường có trọn tuần giao dịch khá hào hứng.
Chiến thuật giao dịch của các quỹ ETF đã không còn xa lạ đối với phần lớn giới đầu tư trong nước, nên sự hào hứng của đợt tái cơ cấu lần này không còn như trước đây, thể hiện qua khối lượng giao dịch tăng không đáng kể và nhìn chung còn dưới mức trung bình 1 tháng qua.
Giới đầu tư vẫn đang trong tâm trạng thận trọng cao độ, trước sự bền vững của dòng tiền. Một khi hoạt động tái cơ cấu danh mục quỹ ETF qua đi, giao dịch thị trường sẽ gặp khó khăn trở lại. Nhiều khả năng áp lực chốt lời sẽ gia tăng mạnh hơn trong tuần giao dịch tới khi mức sinh lời có được tuần qua đã trở nên hấp dẫn.
Vậy đâu là những điểm có thể hỗ trợ tích cực cho thị trường? Điểm quan trọng nhất mà chúng tôi nhận thấy là dòng tiền nâng đỡ có dấu hiệu trở lại. Điều này được thể hiện khá rõ ở một số cổ phiếu chủ chốt như BVH, CTG, HAG… tuy bị các quỹ ETF bán ra mạnh nhưng vẫn đóng cửa phiên tích cực và giúp hỗ trợ tâm lý khá tốt cho giới đầu tư.
Ngoài ra, thị trường bắt đầu đón nhận nhiều thông tin tích cực hơn liên quan đến việc giải cứu thị trường bất động sản, cũng như tiến độ việc thành lập Công ty Quản lý Khai thác tài sản (VAMC) được cập nhật đã giúp nâng cao hy vọng của giới đầu tư. Vẫn sẽ cần nhiều hơn những thông tin như vậy để níu giữ đà hưng phấn ở lại với thị trường, trong đó thông tin liên quan đến VAMC tiếp tục là tâm điểm chú ý.
Tuần giao dịch tới, những thảo luận về CPI tháng 3 sẽ trở lại. Yếu tố mùa vụ qua đi, sức cầu yếu, tăng trưởng tín dụng âm trong 2 tháng đầu năm đang là những lý do chính khiến giới chuyên gia dự báo CPI tháng 3 sẽ là một con số âm.
Tuy nhiên, vẫn chưa thể kỳ vọng thông tin CPI tháng 3 sẽ thúc đẩy sự hưng phấn của thị trường khi: (i) thông tin về CPI đã mất đi “sức hút”, (ii) áp lực điều chỉnh tăng giá xăng dầu, giá điện vẫn đang là ẩn số lớn đối với CPI những tháng tiếp theo.
Như vậy, áp lực điều chỉnh nhiều khả năng sẽ tăng cao trong tuần giao dịch tới sau khi hoạt động tái cơ cấu của các quỹ ETF qua đi. Kỳ vọng về các thông tin vĩ mô hỗ trợ xuất hiện về cuối tháng 3 đang là bệ đỡ cho thị trường.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – MACD có thể cho mua trở lại. VN-Index đi ngang gần như cả tuần nhưng đột ngột tăng trưởng khá mạnh vào cuối tuần nhờ vào dòng tiền ETF, giúp chỉ số có một tuần tăng điểm nhẹ.
Điểm đáng chú ý là ADX đã xuyên thủng mốc 20, cho thấy xu hướng vẫn đang rất yếu. Vì vậy, tín hiệu mua của hai đường +DI và –DI của Directional Movement System có độ tin cậy không cao. Việc MACD đã ngừng giảm và có thể cho mua trở lại giúp thắp sáng hy vọng hồi phục của thị trường.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là VN-Index tiếp tục duy trì bên dưới vùng kháng cự mạnh 480 – 490 điểm. Như vậy, VN-Index đã duy trì được dưới vùng này được 3 tuần liên tiếp. Nếu trạng thái này vẫn tiếp diễn trong thời gian tới thì có thể khiến sự thận trọng tăng cao và kích hoạt nhà đầu tư bán ra để phòng ngừa rủi ro.
Mặc dù có đột biến trong phiên cuối tuần (có sự đóng góp rất lớn của CTG) nhưng nhìn chung thanh khoản của thị trường vẫn đang ở mức yếu. Khối lượng khớp lệnh trong nhiều tuần gần đây vẫn duy trì dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất (64 triệu đơn vị/phiên) chứng tỏ giao dịch đang kém sôi động và tâm lý giới đầu tư thận trọng cao độ.
HNX-Index – Dao động quanh nhóm MA ngắn hạn. Kể từ sau khi phá vỡ nhóm MA ngắn hạn (EMA 10, EMA 20...), HNX-Index liên tục dao động mạnh và có phần khá bất ngờ với những cây nến xanh đỏ xen kẽ nhau. Hiện tại, quá trình này vẫn đang tiếp diễn trên HNX-Index.
Tuy nhiên, nếu quan sát các breakpoint quan trọng trong quá khứ thì hầu hết đều không kéo dài quá trình phá vỡ quá 2 tuần. Vì vậy, trong tuần sau, HNX-Index cần vượt lên trên nhóm này để tạo tín hiệu mua mạnh rõ nét.
Nếu sụt giảm trở lại, giới phân tích kỹ thuật tiếp tục kỳ vọng vào khả năng chống đỡ của ngưỡng Fibonacci Retracement 61.8% (tương đương vùng 56.5 – 57.5 điểm). Đây được coi là ngưỡng mạnh nhất trong ngắn hạn nên nếu ngưỡng này bị thủng thì HNX-Index có khả năng sẽ về lại vùng đáy cũ 50.5 – 52.5 điểm.
Thanh khoản tiếp tục có những dấu hiệu không tốt khi liên tục giảm sâu trong các phiên cuối tuần. Khối lượng khớp lệnh phiên giao dịch ngày 15/03/2013 chỉ bằng 73% so với mức trung bình 20 phiên gần nhất (64 triệu đơn vị/phiên) chứng tỏ giới đầu tư đang hạn chế giao dịch và khá thận trọng với thị trường.
VS-Market Strength: VS-Arms VN tính cho cả hai sàn ngày 15/03/2013 đạt giá trị 0.23 chứng tỏ bên mua hoàn toàn lấn át trong phiên này. EMA 5 ngày của VS-Arms VN đang ở mức 1.03 cho thấy cung cầu cân bằng nếu tính trong 5 phiên gần đây.
VS-B/SORD VN (chỉ số Buy Order/Sell Order tính chung cho cả hai sàn HOSE và HNX) đang ở mức trung bình (cụ thể là 0.97) cho thấy Tổng khối lượng của các lệnh đặt mua đang khá cân bằng so với Tổng khối lượng của các lệnh đặt bán trong phiên 15/03/2013.
EMA 5 ngày của VS-B/SORD VN đạt mức 1.01 cho thấy cung cầu đang ở trạng thái cân bằng nếu tính trong 5 phiên gần đây.
VS-LBR VN (chỉ số Large Block Ratio tính chung cho cả hai sàn HOSE và HNX) đã tăng trở lại và đang duy trì ở mức 76%.
EMA 5 ngày của VS-LBR VN đang ở mức 69%. Đây là mức cao và nó cho thấy các nhà đầu tư lớn đang tham gia mạnh vào thị trường.
Phòng Nghiên cứu Vietstock
ffn
|