Vietstock Weekly 01 - 05/04: Tin tốt nào cho chứng khoán?
Đề án thành lập VAMC sẽ được Chính phủ tiếp tục thảo luận trong phiên họp tháng 4 tới và việc hiện thực hóa sẽ mất thời gian lâu hơn. Đây rõ ràng không phải là một tin tức tốt lành cho thị trường chứng khoán.
* Chứng khoán Tuần 25 – 29/03: Hoạt động ”mua khi tin xấu xuất hiện” đã trở lại?
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN 01 - 05.04.2013
Giao dịch giằng co đã diễn ra liên tục trong tuần qua. Sự ngập ngừng, phân vân này kéo dài đã khiến giới đầu tư trở nên thận trọng hơn, thể hiện rõ nét qua việc thanh khoản chưa thể cải thiện đáng kể trên hai sàn.
Điểm tích cực duy nhất là dòng tiền bắt đáy dường như vẫn đang hiện diện và chờ đợi, tìm kiếm cơ hội để vào hàng, đặc biệt trong các phiên giảm điểm mạnh.
(1) Kết quả kinh doanh quý 1/2013 của các doanh nghiệp niêm yết sẽ bắt đầu lộ diện kể từ tuần giao dịch tới. Như nhận định gần đây của chúng tôi, những nốt trầm sẽ chiếm ưu thế trong kỳ báo cáo này. Dù đây là điều đã được giới đầu tư đoán biết từ trước nhưng nhiều khả năng thị trường cũng sẽ bị ảnh hưởng nhất định.
Trong bối cảnh khó khăn, hy vọng vẫn đến từ nhóm bluechips - nhóm công ty có nhiều khả năng duy trì được sự tích cực trong hoạt động kinh doanh. Kết quả kinh doanh nhóm ngân hàng có thể không suy giảm nhiều, do nhiều ngân hàng đã mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 4/2012.
Cũng cần lưu ý đến nhóm cổ phiếu CTCK. Nhiều khả năng, với môi trường kinh doanh khá riêng biệt, kết quả kinh doanh của các CTCK lớn sẽ không đến nỗi tệ. Đây có thể là nhóm cổ phiếu thu hút dòng tiền trở lại trong thời gian tới. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy hoạt động đầu tư nhắm vào các cổ phiếu cơ bản tốt và chưa tăng nhiều đã diễn ra khá mạnh trong thời gian gần đây.
(2) Bên cạnh nỗi lo về kết quả kinh doanh thì giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng khiến giới đầu tư quan tâm. Hoạt động tái cơ cấu danh mục quỹ ETF và nâng đỡ NAV cuối tháng 3 của các quỹ đầu tư đã qua đi. Câu hỏi đặt ra là liệu giao dịch nâng đỡ thị trường của khối ngoại có tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.
(3) Thông tin mong đợi nhất của giới đầu tư chứng khoán trong tháng 3 là việc thành lập VAMC. Theo thông tin mới nhất từ phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ, việc thành lập VAMC đã được Bộ Chính trị thông qua về nguyên tắc nhưng còn nhiều quy định cụ thể chưa tạo được lòng tin của ngay trong các thành viên Chính phủ. Đề án này sẽ được Chính phủ tiếp tục thảo luận trong phiên họp tháng 4 tới và việc hiện thực hóa sẽ mất thời gian lâu hơn.
Đây rõ ràng không phải là một tin tức tốt lành cho thị trường chứng khoán.
(4) Hoạt động tự doanh tiếp tục đi ngược thị trường. Trong tuần qua, khối tự doanh các CTCK đã tiếp tục mua ròng khá mạnh với hơn 2.5 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị 17.2 tỷ đồng. Đây là tuần thứ 2 liên tiếp khối tự doanh mua ròng mạnh, trong khi giới đầu tư nhìn chung rất thận trọng.
Như các phân tích trước đây của chúng tôi, áp lực thoái vốn để duy trì sức mạnh tiền mặt trong nhóm CTCK là khá lớn. Hiện tại, có vẻ như khối tự doanh đang thực hiện trading ngắn hạn ở những mã cổ phiếu Large Cap, hơn là đầu tư dài hạn. Tổng giá trị mua – bán trong tuần lần lượt lên tới 146 tỷ đồng và 128 tỷ đồng, trung bình lệnh mua – bán khá lớn, tương ứng 30,000 – 55,500 đồng/cp.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Không vượt nổi vùng 480 – 490 điểm. Giả thuyết về mẫu hình Double Top đang được giới phân tích đề cập đến khá nhiều khi mà liên tục trong những phiên gần đây VN-Index không thể phá vỡ nổi vùng 480 – 490 điểm. Nếu trạng thái này vẫn tiếp tục duy trì trong tuần tới thì nhiều khả năng đà giảm sẽ quay trở lại khi mà khối lượng khớp lệnh trong nhiều tuần gần đây vẫn duy trì dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất (45 triệu đơn vị/phiên), chứng tỏ giao dịch đang kém sôi động và tâm lý giới đầu tư thận trọng cao độ.
Điểm đáng chú ý là khoảng cách giữa hai đường +DI và –DI của Directional Movement System đang thu hẹp lại với tốc độ rất nhanh. MACD cũng đang có dấu hiệu đi ngang và có thể đảo chiều giảm để cho tín hiệu bán nếu VN-Index không tiếp tục bứt phá trong các phiên tới.
Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các cây nến có bóng mờ (shadow) dài cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang giằng co và bắt đầu chuyển biến theo hướng xấu. Vì vậy, việc giao dịch và mua vào mạnh không được giới chuyên môn ủng hộ trong giai đoạn này khi xu hướng ngắn hạn vẫn chưa thực sự rõ ràng.
HNX-Index – Thủng hoàn toàn ngưỡng Fibonacci Retracement 38.2%. Sau một thời gian khá dài liên tục test nhóm MA ngắn hạn (EMA 10, EMA 20...), HNX-Index đã bắt đầu có hiện tượng thoái lùi khá mạnh với sự xuất hiện của những cây nến đỏ dài.
Theo báo hiệu của nhóm Market Strength thì bên bán vẫn đang chiếm ưu thế áp đảo khi mà EMA 5 ngày của VS-Arms HNX (chỉ số Arms tính cho sàn HNX) hiện đang có giá trị 6.01. Đây là mức rất cao của chỉ số này vì chỉ cần trên 1.2 là đã cho thấy bên bán chiếm ưu thế so với bên mua trên thị trường. Điều này chứng tỏ khả năng hồi phục mạnh của HNX-Index trong ngắn hạn là không cao.
Nhóm momentum mà điển hình là Stochastic Oscillator đã cho bán mạnh vào cuối tuần báo hiệu đà giảm giá ngắn hạn có thể sẽ còn mạnh hơn trong thời gian tới.
Nếu HNX-Index tiếp tục quá trình sụt giảm, giới phân tích kỹ thuật tiếp tục kỳ vọng vào khả năng chống đỡ của ngưỡng Fibonacci Retracement 61.8% (tương đương vùng 56.5 – 57.5 điểm). Đây được coi là ngưỡng mạnh nhất trong ngắn hạn nên nếu ngưỡng này bị thủng thì HNX-Index có khả năng sẽ về lại vùng đáy cũ 50.5 – 52.5 điểm.
VS-Market Strength: VS-Arms VN tính cho cả hai sàn ngày 29/03/2013 đạt giá trị 1.51 chứng tỏ bên bán chiếm ưu thế trong phiên này. EMA 5 ngày của VS-Arms VN đang ở mức 2.15 cho thấy bên bán chiếm ưu thế nếu tính trong 5 phiên gần đây.
VS-B/SORD VN (chỉ số Buy Order/Sell Order tính chung cho cả hai sàn HOSE và HNX) đang ở mức cao (cụ thể là 1.67) cho thấy Tổng khối lượng của các lệnh đặt mua đang lớn hơn so với Tổng khối lượng của các lệnh đặt bán trong phiên cuối tuần ngày 29/03/2013.
EMA 5 ngày của VS-B/SORD VN đạt mức 1.14 cho thấy cung cầu đang ở trạng thái cân bằng nếu tính trong 5 phiên gần đây.
VS-LBR VN (chỉ số Large Block Ratio tính chung cho cả hai sàn HOSE và HNX) đã tăng trở lại và đang duy trì ở mức 64%.
EMA 5 ngày của VS-LBR VN đang ở mức 61%. Đây là mức thấp và nó cho thấy các nhà đầu tư lớn không tham gia mạnh vào thị trường, nếu tính trung bình 5 phiên vừa qua.
Phòng Nghiên cứu Vietstock
FFN
|