Vì sao giá xăng chưa giảm?
"Mặt bằng giá xăng thành phẩm thế giới đã xuống 5-7%, giá xăng dầu nội địa vẫn giữ nguyên giá, thị trường nhạy cảm này vẫn … lặng như tờ. Tôi thấy điều cần xem xét ở đây không phải là DN, vì DN đương nhiên sẽ "mũ ni che tai” vì bài toán lợi nhuận. Quan trọng là phản ứng điều hành của cơ quan quản lý quá chậm. Nghị định 84 đã trình rồi sao chưa sửa” – TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giá cả, Bộ Tài chính) nói.
Nhiều "hộp đen” phía sau giá xăng dầu…
Ông Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Công ty CPTM Nam Sài Gòn (một đơn vị bán lẻ xăng dầu) chia sẻ, công ty vừa nhận được thông báo từ phía đầu mối Petrolimex, tăng mức chiết khấu hoa hồng lên 500 đồng/l xăng. Tất cả các chi phí quản lý, bán hàng đã lên tới 400 đồng/l. "Báo chí nói DN lãi khủng, nhưng đơn vị bán lẻ chúng tôi chỉ được lãi 100/l mà thôi”. Vị giám đốc này cũng cho biết, mỗi ngày riêng DN Nam Sài Gòn tiêu thụ hơn 30.000 lít xăng.
Nhưng điều này đã được chuyên gia nghiên cứu lâu năm về xăng dầu Ngô Trí Long phản biện: Chuyện DN đầu mối đang lãi lớn đã sáng như ban ngày rồi. Tôi không tin hoa hồng mà DN chi cho nhà bán lẻ chỉ 500 đồng/l. Trước kia, khi DN khó khăn đã mạnh tay chi đến 700 đồng/lít. Giai đoạn này, giá xăng thế giới giảm từ đà hơn 132 USD/thùng về quanh mức 117-120 USD/thùng thì hoa hồng phải lên đến 1200 đồng/l. Đó là "luật bất thành văn”! Ông Long còn nói: đang có nhiều "hộp đen” khác ở phía sau câu chuyện xăng dầu. Không hiểu còn bao nhiêu lợi ích nhóm ở phía sau?
Trong những ngày gần đây, giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore (thị trường cung cấp xăng dầu chính của VN) liên tục sụt giảm. Giá xăng A92 xoay quanh mức 120 USD/thùng, giảm 12-14 USD/thùng so với một tháng trước. Giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu hiện chỉ còn chênh lệch so với giá bán lẻ chỉ 1.000 đồng/lít. Trong khi đó, hiện mức trích quỹ bình ổn lên tới 2.000 đồng/lít. Như vậy DN xăng dầu còn lãi gần 1.000 đồng/lít trong suốt 30 ngày nay.
Ông Ngô Trí Long nói: Cơ quan quản lý cần phải xem xét lại cơ chế điều hành ngay, "thiếu nhanh nhạy, nhạy bén” trong điều hành giá. Lỗ lãi của DN đã rõ ràng như ban ngày. Chậm điều chỉnh giá ngày nào thì càng chứng minh sự trì trệ của bộ máy quản lý. DN kinh doanh vì lợi nhuận thì chẳng ai muốn làm giảm miếng bánh của mình.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 âm 0,19%. Nhiều mặt hàng xuống giá, nhưng tại sao giá xăng lại chưa được điều chỉnh? Trước đây Bộ Tài chính nói vì ổn định thị trường, ổn đinh tâm lý nên không cho phép DN xăng điều chỉnh giá. Nhưng nay sau 1 tháng, chuyện đã khác. Giá xăng thế giới giảm 5- 7%, tại sao giá xăng nội địa lại giảm chậm? Nhiều DN sản xuất đang "cạn dần sức”, sức tiêu dùng của người tiêu dùng rất chậm. Lượng tín dụng ngân hàng đổ ra không thể hấp thụ. Chỉ cần giảm giá đầu vào xăng dầu một ít, thì khởi động được vòng quay của DN, người tiêu dùng ngay. Cơ quản quản lý nhận thấy được điều này mà vẫn trì trệ giảm giá xăng. Đáng báo động về cơ chế điều hành.
Lãi 37 tỷ đồng mỗi ngày
Đứng trước dư luận và trước xu hướng giá xăng dầu thế giới giảm, lãnh đạo Tổ điều hành giá xăng dầu của Liên Bộ Tài chính - Công thương cho biết vẫn đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá thế giới để làm sao sử dụng các công cụ giá, thuế, quỹ bình ổn phù hợp."Khi chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ xăng dầu đang thấp dần do giá thế giới giảm thì Liên Bộ Tài chính - Công thương sẽ điều hành hợp lý đảm bảo quyền lợi 2 bên: DN, người tiêu dùng và quyền lợi của Nhà nước.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng: DN lỗ thì kêu lớn, nay làm ăn tốt hơn, có lãi thì lại nói cần phải bán nốt lô hàng nhập lúc giá cao đã. Như vậy, người tiêu dùng chờ mỏi mắt mà không thấy giá xăng xuống. Trong khi đó, khi tăng thì phải chịu cảnh tăng ngay.
Theo thông tư 234 của Bộ Tài chính, khi giá thế giới tăng, Quỹ bình ổn giá xăng dầu xả ra để bù đắp chênh lệch phát sinh lỗ cho DN, tránh khỏi việc tăng giá bán lẻ. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại cho rằng, không biết Quỹ hoạt động như thế nào và họ không được hưởng lợi từ Quỹ. Đến nay, khi giá xăng dầu thế giới liên tục giảm sâu, việc trích Quỹ vẫn tiếp tục, giữ nguyên y như thời điểm xăng dầu biến động. Cơ hội giảm giá bán lẻ trong nước tiếp tục đứng sau cùng vì còn phải chờ.
Mỗi ngày Việt Nam tiêu thụ 37 triệu lít xăng dầu tùy từng loại. Điều này có nghĩa là các DN đang lãi khoảng 37 tỷ đồng mỗi ngày. Đây là tiền của dân góp để giữ giá ổn định trong lúc khó khăn nhưng nay, suốt 1 tháng qua, số tiền này lại chui vào túi DN. Đó là con số khổng lồ.
Hồ Hương
đại đoàn kết
|