Tường thuật Đại hội nhà đầu tư thường niên 2013
VFMVF4 tiếp tục kế hoạch chuyển sang quỹ mở
Sáng 19/03, Quỹ đầu tư Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (HOSE: VFMVF4) tổ chức Đại hội Nhà đầu tư thường niên năm 2013 nhằm thông qua chủ trương chuyển đổi quỹ đóng thành quỹ mở và bầu bổ sung thành viên Ban đại diện quỹ.
11h10: Đại hội thông qua báo cáo tài chính kiểm toán năm 2012, kết quả hoạt động năm 2012 của quỹ và kế hoạch2013, phân chia lợi nhuận 2012, ủy quyền Ban đại diện lựa chọn công ty kiểm toán, ngân sách hoạt động năm 2013 và các điều chỉnh, bổ sung điều lệ quỹ.
Đặc biệt, nhà đầu tư thông qua chủ trương chuyển đổi quỹ mở và ủy quyền Ban đại diện Quỹ lên kế hoạch chi tiết. Việc xây dựng kế hoạch sẽ được thực hiện ngay sau khi Đại hội kết thúc, phương án chi tiết sẽ được trình Đại hội bất thường nhà đầu tư thông qua vào quý 3/2013 và cần ít nhất tỷ lệ 75% chứng chỉ quỹ đang lưu hành của nhà đầu tư đồng ý thì VFMVF4 mới có thể chuyển sang quỹ mở.
Đồng thời, Đại hội cũng thông qua việc bầu hai thành viên mới là ông Hoàng Kiên và Nguyễn Kim Long vào Ban đại diện và việc từ nhiệm của ông Lê Hoàng Anh (từ 19/03).
Được biết, ông Hoàng Kiên – Giám đốc Quản lý Danh mục đầu tư tại Dragon Capital tự ứng cử và ông Nguyễn Kim Long – Giám đốc Luật và Kiểm soát nội bộ tại CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI do Quản lý quỹ SSI đề cử.
Như vậy, cơ cấu Ban đại diện Quỹ có 7 thành viên bao gồm:
- Ông Đặng Thái Nguyên, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Việt (Viseco)
- Bà Đỗ Thị Đức Minh, Trưởng phòng đầu tư Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (GPBank)
- Ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán An Phát (HNX: APG)
- Ông Lê Trung Thành, Chủ tịch HĐQT CTCP Mía đường Lam Sơn (HOSE: LSS)
- Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Bảo vệ Thực vật An Giang (AnGiang)
- Ông Hoàng Kiên – Giám đốc Quản lý Danh mục đầu tư tại Dragon Capital
- Ông Nguyễn Kim Long – Giám đốc Luật và Kiểm soát nội bộ tại CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI
10h10: Phần thảo luận diễn ra khá nhanh gọn và không nhiều ý kiến chất vấn từ phía nhà đầu tư.
* Một nhà đầu tư phát biểu: "Chuyển đổi không nên chú trọng vào tình hình vĩ mô nhiều, nên căn theo mức chiết khấu. Từ nay đến quý 3 thì VFM chuẩn bị được gì?".
Đại diện VFM cho biết, việc chuyển đổi sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố. Hiện nay chúng ta mới chỉ có 1 quỹ duy nhất được chuyển đổi trên toàn thị trường là VFA. Theo kinh nghiệm của VFA, với mức vốn nhỏ hơn nhiều thì cũng cần khá nhiều thời gian. Chúng ta có rất nhiều bước cần thực hiện sẽ trình bày chi tiết và cụ thể cùng nhà đầu tư.
* Một nhà đầu tư khác tỏ ra bức xúc: "Tôi có cảm giác VFM câu giờ, kéo dài thời gian chuyển đổi, lần nào cũng họp bàn về chuyển đổi quỹ mở. Chúng ta nên quyết định ngay tại đây, vào hôm nay để tránh việc phải tổ chức Đại hội thêm một lần nữa, tốn kém thêm chi phí tổ chức".
Chúng tôi đã cố gắng hết sức cho việc chuyển đổi VFMVFA và rút kinh nghiệm cho VFMVF4 thực hiện trong lần này. Cái gì làm cũng cần căn cứ vào luật, chúng tôi sẽ rà soát lại nếu có khả năng rút ngắn thời gian thực hiện dù chỉ một tháng thì chúng tôi cũng sẽ thực hiện. Xin quý nhà đầu tư tin tưởng vào Ban đại diện.
10h00: Ông Trần Lê Minh - Phó Tổng giám đốc VFM cho biết, VFMVF4 được thành lập từ năm 2008 với thời hạn hoạt động 10 năm. Như vậy, đến năm 2018 mới là thời hạn đóng quỹ. Tuy nhiên, theo tình hình hoạt động của thị trường, VFMVF4 sẽ chuyển sang dạng quỹ mở. Để có thể chuyển đổi thành công, một trong những yêu cầu là danh mục đầu tư của quỹ bao gồm 6 khoản đầu tư chiếm trên 5% N.A.V và chiếm tổng cộng tối đa 40% N.A.V của quỹ.
Hiện tại, tỷ lệ đầu tư của các khoản mục này đang chiếm tỷ lệ 54.3% N.A.V. Tuy nhiên, do danh mục nắm giữ của Quỹ bao gồm các cổ phiếu có tình thanh khoản cao như VNM, DPM... nên việc giảm tỷ lệ trên xuống dưới 40% để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sang quỹ mở sẽ không gây nhiều khó khăn.
Ông Minh cho biết thêm, dự kiến việc chuyển đổi từ quỹ đóng sang quỹ mở của VFMVF4 sẽ bắt đầu từ quý 3/2013. Khi đó, Quỹ sẽ tổ chức Đại hội bất thường thông qua việc chuyển đổi sang quỹ mở, đặc biệt, để việc chuyển đổi có thể thông qua thì cần sự đồng ý của nhà đầu tư với tỷ lệ 75% trên vốn điều lệ của quỹ. Theo lộ trình đặt ra, dự kiến đến đầu quý 1/2014 sẽ giao dịch chứng chỉ quỹ mở đầu tiên của VFMVF4.
9h50: VFM nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam.
Việt Nam đang ở trong giai đoạn cuối mùa đông, có những dấu hiệu chuyển qua mùa xuân (giai đoạn tăng trưởng trong trung hạn).
Mùa đông:
Lòng tin kinh doanh:
- 2010: Lo lắng
- 2011: Sợ hãi
- 2012: Khủng hoảng
- 2012-2013: Thờ ơ
Lạm phát: Giảm rất nhanh trong 2012: 6.81%
Lãi suất:
- Đầu 2010: 10%
- Đỉnh: 25%
- Hiện tại: 13%
- Sẽ đạt đáy trong 2013
Đầu tư: Trái phiếu là kênh đầu tư tốt nhất trong 3 năm gần đây
Nền kinh tế: GDP tăng ở mức dưới 6%. Năm 2012 tăng GDP thấp nhất trong 12 năm gần đây.
Mùa xuân:
- Lòng tin kinh doanh: Sợ hãi về khủng hoảng quay lại – Niềm tin mong manh
- Lạm phát quay lại, tăng dần
- Cung tín dụng dần quay lại, tín dụng xuống đáy ngay trong năm 2013
- Lãi suất bắt đầu tăng lại từ mức thấp, dự báo lãi suất xuống đáy vào quý 3/2013
- Đầu tư: Chứng khoán và bất động sản
- Nền kinh tế: Tăng chậm nhưng ổn định
9h05 Khai mạc đại hội
Đại hội có sự tham gia của 56 nhà đầu tư, chiếm tỷ lệ 82.4% cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Trước thềm Đại hội
Tại đại hội, Ban đại diện quỹ sẽ trình nhà đầu tư thông qua việc chuyển đổi quỹ đóng thành quỹ mở. Trường hợp Đại hội nhà đầu tư thông qua phương án chuyển đổi VFMVF4 sang hình thức quỹ mở, tiền mặt khả dụng sẽ được duy trì ở tỷ lệ an toàn và đảm bảo sẵn sàng thực hiện giao dịch ccq trực tiếp với nhà đầu tư theo cơ chế giao dịch quỹ mở.
Đồng thời, Ban đại diện quỹ cũng sẽ trình kế hoạch trong năm 2013. Theo đó, Quỹ sẽ tiếp tục duy trì danh mục các cổ phiếu doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, đầu tư vào các cổ phiếu có hoạt động tài chính tốt và tăng trưởng ổ định để danh mục có cơ hội tăng trưởng nhanh trong giai đoạn thị trường hồi phục.
Được biết, tại thời điểm 31/12/2012, giá trị tài sản ròng (N.A.V) của VFMVF4 đạt 533.9 tỷ đồng, tương ứng 6,621 đồng/ccq, tăng 20.2% trong năm 2012. Giá thị trường ccq VFMVF4 được giao dịch ở mức chiết khấu so với N.A.V từ 16% đến 45.9%, bình quân giá ccq thấp hơn giá trị tài sản ròng 29.2%.
Trong năm 2012, phân bổ tài sản của quỹ tiếp tục dịch chuyển tập trung nhiều hơn vào cổ phiếu có vốn hóa lớn và niêm yết trên HOSE. Hầu hết các tài sản có thanh khoản kém, vốn hóa nhỏ đã được thanh lý vào các đợt thị trường có tăng trưởng. Đến thời điềm cuối năm 2012, phân bố tài sản của quỹ bao gồm 78.7% N.A.V là cổ phiếu trên HOSE, 1.2%N.A.V cp trên HNX và 20.1% tiền mặt.
Về tình hình kinh doanh, năm 2012, VFMVF4 đạt 97.8 tỷ đồng lãi từ hoạt động đầu tư, bao gồm mức lãi từ đánh giá lại giá các cổ phiếu vào thời điểm cuối năm với 180.9 tỷ đồng, cộng với khoản lỗ thực hiện do thanh lý là 108.7 tỷ đồng. Kết quả, VFMVF4 ghi nhận mức lãi ròng 89.5 tỷ đồng, trong khi năm 2011 lỗ 295.2 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế đến cuối năm 2012, quỹ này vẫn lỗ 272.5 tỷ đồng.
Do trong năm 2012 vẫn còn lỗ lũy kế nên Ban đại diện quỹ đề xuất không phân phối lợi nhuận năm 2012. Đồng thời, do ông Lê Hoàng Anh xin từ nhiệm thành viên Ban đại diện quỹ nên Đại hội này sẽ bầu thay thế 1 thành viên đến từ quỹ Dragon Caiptal và bổ sung một thành viên đến từ CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI).
Minh Hằng (Vietstock)
ffn
|