Vàng lao dốc, ai hưởng lợi?
Hôm nay (1-3), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu thực hiện đấu thầu vàng, nhưng trước đó, giá vàng trong nước đã giảm sâu về sát ngưỡng 42 triệu đồng/lượng. Nhiều ngân hàng mấy ngày trước được tạm nhập, tái xuất vàng và những ngân hàng chưa tất toán tài khoản vàng thắng lớn.
Ngân hàng trúng đậm
Theo một chuyên gia ngành vàng, những ngày vừa qua một số ngân hàng đã hốt bạc nhờ quyết sách mới trên của NHNN. Con số ước lượng vị lãnh đạo này nói khoảng 1.200 tỷ đồng.
Lý giải về khoản lợi nhuận này, vị này phân tích: Việc NHNN cho phép một số ngân hàng tái xuất nhập khẩu vàng, nghĩa là đơn vị này xuất đi một lượng vàng và được nhập về với số lượng tương đương.
Ở đây lượng vàng xuất đi đều là vàng phi SJC, nên khi nhập vàng nguyên liệu về rồi nhờ Cty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) gia công, chỉ tốn phí 50 ngàn đồng/lượng và bán ra ngay đã được hưởng chênh lệch giá từ 1,5 đến hơn 2 triệu đồng mỗi lượng.
Hơn nữa, mới đây NHNN cho biết, tính đến thời điểm này còn khoảng 10 ngân hàng chưa hoàn tất việc tất toán do còn thiếu hụt thanh khoản.
Nguồn cung vàng dồi dào, giá vàng trong nước lại xuống thấp hơn nhiều so với vài ngày trước, là cơ hội để ngân hàng mua vàng vào để có thể tất toán đúng hạn trước 30-6.
Diễn biến độ chênh lệch giá vàng Việt Nam và thế giới từ ngày 25-2-2013 đến ngày 28-2-2013.
Tại Hội nghị tổng kết ngân hàng tại TPHCM, một lãnh đạo ngành ngân hàng cho biết, hiệu quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng tại TPHCM giảm 96% so với năm trước đó.
Nguyên nhân chính do một số tổ chức tín dụng kinh doanh lỗ từ hoạt động huy động vốn và cho vay vốn bằng vàng, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp…Mới đây, báo cáo tài chính hợp nhất quý 4-2012 của ACB cho thấy, cả năm 2012 ACB lỗ hơn 1.863,6 tỉ đồng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng.
Trước đó một số ngân hàng cũng kêu lỗ vì kinh doanh vàng trong năm 2012. Những ngân hàng này lỗ lớn do phải mua vàng lúc giá cao (thời điểm bầu Kiên bị bắt ACB phải mua vàng giá phổ biến trên 47 triệu đồng/lượng) để đảm bảo tính thanh khoản.
Còn nay vàng giảm mạnh, ít nhất cũng giúp ngân hàng giảm lỗ, hoặc có thể còn giúp nhiều ngân hàng chậm tất toán lãi lớn, nhờ giá vàng giảm mạnh.
Kẻ khóc, người cười
Đưa giá vàng trong nước về sát với giá thế giới là điều cần thiết. Tuy nhiên thị trường những ngày qua chịu cú sốc tâm lý từ những thông tin sắp tới NHNN sẽ tăng nguồn cung, nên đã giảm giá mạnh, khiến nhiều người đang nắm giữ vàng méo mặt vì bị lỗ.
Mở cửa phiên giao dịch buổi sáng ngày 28-2, anh Hùng Thắng (Lê Chân, Hải Phòng) ước tính mất 2 tỷ đồng.
“Tôi đang không biết nên bán hay giữ lại. Nếu giữ mà như tuyên bố từ phía NHNN thì giá sẽ còn hạ nữa thì tôi còn lỗ nặng hơn mà bán đi lúc này mất hơn 2 tỷ, quá xót”, anh Thắng nói. Trước Tết, anh Thắng “lướt sóng” có ngày kiếm hàng chục triệu.
Đầu buổi sáng, USD tại nhiều ngân hàng như ACB, Eximbank, BIDV, Vietcombank được niêm yết điều chỉnh tăng từ 20-40 đồng. Hiện USD mua vào tại các ngân hàng phổ biến từ 20.900 VND/USD và bán ra ở 20.980 VND/USD. Trên thị trường tự do, USD giao dịch lúc 16h (tại TPHCM): Mua vào giá 21.090 VND/USD, bán ra 21.130 VND/USD. |
Chị Anh nhà ở Lê Văn Sỹ, Q.3 (TPHCM) cho biết, trong Tết đã mua 50 cây vàng và gửi lại ngân hàng, giá 47 triệu đồng/lượng, nhằm tránh lạm phát khi đồng tiền mất giá. Tuy nhiên giá vàng từ đó luôn ở ngưỡng 45 - 46 triệu đồng/lượng.
Đặc biệt giá trong nước thường đi ngược hoặc lệch nhịp so với thế giới nên không rõ xu hướng. “Trước đây tôi cập nhật giá vàng thế giới liên tục. Mỗi ngày giá thế giới biến động mấy chục lần. Nhưng mấy ngày qua, giá trong nước chẳng liên quan gì với thế giới, giảm ào ào. Tình hình này lỗ nặng, mỗi cây lỗ 4 triệu bạc rồi”, chị nói. Chị Anh kể, thời điểm giá vàng 47 triệu đồng/lượng, có anh bạn bỏ ra hàng tỷ đồng mua 250 cây vàng. Giờ thì lỗ tiền tỷ.
Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng tại Hà Nội không giấu giếm khi chia sẻ sự thua lỗ của khách hàng trong những ngày gần đây.
Vị này cho biết: “Công ty tôi chuyên cung cấp vàng cho bạn hàng lớn mua từ vài trăm lượng trở lên nên chuyện qua một ngày lỗ vài trăm triệu đến tiền tỷ là chuyện bình thường. Một khách hàng cách đây 3 ngày ôm 100 lượng vàng với giá mua vào lúc đó là 45 triệu đồng/lượng. Sau 3 ngày giá vàng hạ liên tiếp, mỗi ngày hạ gần một triệu đồng/lượng nên tính đến cuối giờ sáng ngày 28-2, vị khách này lỗ vài trăm triệu đồng”.
Trong khi nhiều người khốn đốn vì vàng, có người lại hoan hỉ vì mua được vàng giá thấp. Chị Hạnh nhà ở Thanh Xuân cho hay, hiện gia đình đang nợ người bà con 4 cây vàng từ thời giá 39 triệu đồng/lượng. Vừa qua giá vàng lên cao gần 48 triệu đồng/lượng lo quá. Nay thấy giá về mốc 43 triệu đồng/lượng, sát ngưỡng 42 triệu đồng/lượng nên cố vay mượn tiền đồng mua vàng để trả nợ.
Ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh vàng Cty SJC cho rằng, 2 ngày trước, giá vàng giảm mạnh là do tác động của việc Ngân hàng Nhà nước ký kết gia công vàng miếng, đấu thầu vàng, cấp quota xuất nhập khẩu vàng cho một số ngân hàng và vàng đã về đến nơi… Những việc này khiến giá vàng trong nước xuống, nhưng khi xuống đến mức đó, người bán không bán nữa, người mua thấy giá được mua vào khiến giá vàng chững lại và quay đầu đi lên.
Theo ông Tường, thị trường vàng ngày 28-2, người mua nhiều hơn người bán và lượng vàng các doanh nghiệp bán ra cũng tăng đáng kể so với mua vào. Cụ thể, số vàng miếng SJC bán ra trong ngày là 1.200 lượng, trong khi mua vào 300 lượng.
Ông Trần Hải, chủ cửa hàng kinh doanh vàng Hải Lệ trong Trung tâm vàng bạc Đá quý Bến Thành Tourist xác nhận, mặc dù người bán vàng nhiều hơn, nhưng người mua vào cũng không ít.
Theo ông Hải, nếu trước đây khi giá vàng xuống người dân đổ xô đi mua để trữ thì nay giá vàng xuống người dân lại bán ra nhiều hơn vì lo ngại giá vàng trong những ngày tới tiếp tục giảm mạnh theo cam kết của Ngân hàng Nhà nước là đưa giá vàng trong nước về gần với giá vàng thế giới.
T.Miên - Ngọc Mai - Đại Dương
tiền phong
|