Vạn Phát Hưng - Chứng khoán Sen Vàng: Chia tay không dễ!
Sáng 21/03, CTCP Vạn Phát Hưng (HOSE: VPH), một trong những cổ đông sáng lập của CTCP Chứng khoán Sen Vàng (GLS) một lần nữa tiếp tục thông qua việc thoái toàn bộ vốn góp tại GLS, tương đương 9.9%, trị giá khoảng 13.36 tỷ đồng. VPH muốn kết thúc mối tơ duyên 6 năm giữa chứng khoán và bất động sản nhưng không dễ!
Được biết, việc thoái vốn trên cũng đã được ĐHĐCĐ thường niên năm ngoái của VPH thông qua, tuy nhiên việc tìm được đối tác để bán không phải dễ dàng trong bối cảnh hiện nay.
Chứng khoán Sen Vàng có vốn điều lệ 135 tỷ đồng và gắn bó chặt chẽ cùng các "đại gia" bất động sản khi nhiều cổ đông lớn của công ty đến từ lĩnh vực này như VPH, HBC, TDH, NVN.
Từ khi thành lập đến nay, tình hình kinh doanh của GLS hết sức ảm đạm. Ngoại trừ năm 2009 công ty lãi ròng hơn 4 tỷ đồng, các năm còn lại đều lỗ. Trong đó, năm 2008 công ty lỗ ròng đến gần 35 tỷ đồng. Năm 2012, công ty tiếp tục lỗ thêm 6.7 tỷ đồng, nâng mức lỗ lũy kế tính đến 2012 lên xấp xỉ 66 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn khả dụng của công ty đạt 154.42%.
Cơ cấu cổ đông của Chứng khoán Sen vàng tại 31/12/2012
|
Ngoài VPH, CTCP Xây dựng địa ốc Hòa Bình (HBC) là cổ đông lớn của GLS, với tỷ lệ sở hữu 21.95%, tương ứng với giá trị tại thời điểm 31/12/2012 là 29.64 tỷ đồng. Ông Võ Đắc Khôi là người đại diện vốn của HBC và đang nắm giữ vị trí Thành viên HĐQT của GLS.
CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) nắm giữ đến 22.49% cổ phần của GLS. Hiện tại, trụ sở của GLS cũng được đặt tại tòa nhà của TDH số 13 – 15 – 17 Trương Định, Quận 3, TPHCM và ông Nguyễn Khắc Sơn hiện đại diện cho TDH tại GLS và nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.
CTCP Ngoại Thương & Phát triển Đầu tư TP.HCM (FDC) sở hữu 10% cổ phần GLS, tương ứng 13.5 tỷ đồng. Tuy nhiên, FDC cho biết, tại thời điểm 31/12/2012, số cổ phiếu này đang được thế chấp theo hợp đồng vay ngắn hạn với Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) – Chi nhánh Bến Thành.
Còn CTCP Nhà Việt Nam (NVN) nắm 733,100 cổ phần của GLS, tương ứng 5.43% cổ phần nhưng đã thoái hết vốn tại GLS từ năm 2010.
Ngoài ra, GLS còn có một số cổ đông lớn khác như CTCP Đồng Tâm miền Trung (nắm 9.9%), Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng Bằng Sông Cửu Long (MHB) nắm 5%, Tổng Công ty Vật liệu xây dựng số 1 (5%) và CTCP Phú Mỹ Thuận (5.43%).
Như vậy, VPH sẽ là đơn vị tiếp sau NVN muốn chia tay với GLS sau gần 6 năm gắn bó. Sự ra đi này dường như không dễ dàng bởi sự "bội thực" số lượng công ty chứng khoán như hiện tại, sự khó khăn kéo dài của lĩnh vực này và đặc biệt khi hàng loạt “đại gia” cùng mong muốn nói lời đoạn tuyệt với chứng khoán!
Thủy Tiên (Vietstock)
ffn
|