TTCK: 5 bài học tránh ngủ quên trên chiến thắng
Dow Jones chính thức vượt đỉnh cao mọi thời đại vào ngày thứ Ba (05/03) tại mức 14,253.77 điểm, cao hơn 100 điểm so với mức kỷ lục hồi tháng 10/2007. Tuy nhiên, hậu giai đoạn lập đỉnh không chỉ có màu hồng, nhà đầu tư đã có được những bài học đắt giá qua 5 lần xác lập các mức cao lịch sử của chỉ số này.
* Dow Jones chính thức xác lập kỷ lục mới 14,253.77 điểm
Trong lần xác lập kỷ lục mới nhất ở trên, trước sự hào hứng của nhà đầu tư thì các chuyên gia cho rằng các ngưỡng này thực sự không khiến thị trường tăng/giảm quá mạnh.Trong khi nhà đầu tư thường ít để ý đến các yếu tố trọng yếu như định giá cổ phiếu khi thị trường ngấp nghé các ngưỡng quan trọng thì giới phân tích cho rằng chính sách tiền tệ và đà tăng trưởng của nền kinh tế đã đem lại động lực cho thị trường. Thực vậy, một số chuyên gia đầu tư đang hoài nghi về độ dài của đợt bứt phá này.
Cùng nhìn lại 5 cột mốc đáng nhớ nhất của Dow Jones và những bài học đắt giá mà nhà đầu tư nhận được.
1. Dow Jones chạm 5,000 điểm - Ngày 21/11/1995
Bối cảnh thị trường: Khi Dow Jones vượt 5,000 điểm lần đầu tiên vào tháng 11/1995, Tổng thống Bill Clinton đang trong nhiệm kỳ thứ hai, Mỹ đang thoát khỏi suy thoái và cả thế giới đang xôn xao về mạng lưới toàn cầu (WWW) vừa ra mắt. Các chuyên gia từng dự báo thị trường sẽ tiếp tục tiến xa sau khi Dow Jones vượt mốc 4,000 điểm cách đó 9 tháng.
Diễn biến hậu lập đỉnh: Nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái khác đã có lúc làm gián đoạn đà phục hồi của thị trường nhưng kinh tế Mỹ đã khởi sắc trở lại, nhóm cổ phiếu công nghệ tăng mạnh đúng như dự báo. Vào ngày Lễ tình nhân năm 1997, Dow Jones vượt 7,000 điểm.
Bài học cho nhà đầu tư: Nên theo dõi khối lượng giao dịch. Dù cổ phiếu vẫn tiếp tục tăng giá nhưng các chuyên gia cho rằng chỉ có một bộ phận nhỏ nhà đầu tư đang đẩy thị trường lên cao. Hay nói cách khác, đà tăng của thị trường không diễn ra rộng khắp và do đó có thể không bền vững.
2. Dow Jones chạm 10,000 điểm - Ngày 29/03/1999
Bối cảnh thị trường: Choáng ngợp trước sự xuất hiện của Internet, nhà đầu tư bắt đầu bán tháo cổ phiếu chất lượng để mua vào cổ phiếu công nghệ, đẩy Dow Jones vượt mốc 10,000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 3/1999. Một số chuyên gia bắt đầu thắc mắc liệu các chỉ báo truyền thống như định giá liệu có còn ý nghĩa trong “thế giới hậu web” khi giá cổ phiếu tiếp tục tăng vọt?!
Diễn biến hậu lập đỉnh: Bong bóng công nghệ nổ tung và Dow Jones chạm đỉnh tại 11,723 điểm vào tháng 1/2000. Chỉ số này liên tục lao dốc trong các năm sau đó và chạm đáy tại mức 7,200 điểm vào tháng 10/2002.
Bài học cho nhà đầu tư: Không nên làm ngơ yếu tố định giá. Đáng lẽ ra, nhà đầu tư phải nhận thấy đà phục hồi xuất phát từ hai lĩnh vực công nghệ và viễn thông là tín hiệu cảnh báo rằng thị trường sẽ không tăng điểm bền vững. Các chuyên gia tư vấn tài chính cũng khuyến nghị nhà đầu tư bán ra để chốt lời và cắt lỗ khi cổ phiếu đang trong xu hướng giảm.
3. Dow Jones chạm 12,000 điểm - Ngày 19/10/2006
Bối cảnh thị trường: Tính đến ngày 19/10/2006, Dow Jones ghi nhận mức tăng 12% so với hồi đầu năm khi cả nhà đầu tư dài hạn và các nhà quản lý quỹ cùng gom mua cổ phiếu thuộc chỉ số này. Dù một số chuyên gia đầu tư đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng ảm đạm của thị trường nhà ở nhưng nhiều nhà quản lý quỹ và chuyên gia phân tích đều cho rằng đà tăng vẫn tiếp diễn khi lạm phát và lãi suất còn nằm trong tầm kiểm soát. Được biết, 2006 là năm thứ 19 kể từ vụ sụp đổ của TTCK vào năm 1987.
Diễn biến hậu lập đỉnh: Dow Jones tăng phi mã thêm 2,000 điểm trong vòng 9 tháng tiếp theo và lập đỉnh tại mốc 14,000 điểm.
Bài học cho nhà đầu tư: Khi những nhà đầu tư vốn rất thận trọng trước đây bắt đầu gạt sang một bên sự cảnh giác và đổ xô mua vào cổ phiếu thì thị trường có thể sắp bước vào giai đoạn điều chỉnh hoặc sụp đổ. Vào giữa năm 2008, thị trường bắt đầu giảm sâu và kinh tế Mỹ chứng kiến cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng.
4. Dow Jones chạm 13,000 điểm - Ngày 25/04/2007
Bối cảnh thị trường: Sau khi Dow Jones gia tăng gấp đôi giá trị trong vòng 5 năm và đạt 13,000 điểm vào tháng 4/2007, nhà đầu tư trở nên tự tin hơn trước đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, sự bùng nổ của thị trường nhà ở và lãi suất thấp. Với niềm lạc quan cao độ, nhà đầu tư nhanh chóng đẩy Dow Jones lên ngưỡng 14,000 điểm chỉ trong vòng 3 tháng sau đó và nhiều người dự báo đà phục hồi này sẽ tiếp tục.
Diễn biến hậu lập đỉnh: Sự sụp đổ của thị trường nhà ở và cuộc khủng hoảng tín dụng đã khiến các doanh nghiệp rơi vào tình cảnh lao đao, khiến Dow Jones chìm nghỉm 50% vào tháng 3/2009. Tỷ lệ thất nghiệp bay cao, buộc nhà đầu tư rút khỏi cổ phiếu để cắt lỗ.
Bài học cho nhà đầu tư: Nợ nần chồng chất của cả các cá nhân và doanh nghiệp đã đè nặng lên nền kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cũng không hề để ý đến các dấu hiệu căng thẳng trên thị trường nhà ở. Các chuyên gia tư vấn cho rằng nhà đầu tư nên đọc kỹ bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp.
5. Dow Jones chạm 14,000 điểm - Ngày 19/072007
Bối cảnh thị trường: Sau khi Dow Jones vượt hai cột mốc quan trọng trong vòng 9 tháng, một số nhà đầu tư cho rằng ngưỡng 14,000 điểm chỉ là một dấu ấn mới trong hành trình leo dốc bền bỉ của chỉ số này. Phấn khích trước lợi nhuận doanh nghiệp lạc quan, nhiều người tiếp tục mua vào cổ phiếu.
Diễn biến hậu lập đỉnh: Dow Jones chỉ duy trì trên mốc 14,000 trong một thời gian rất ngắn. Các tín hiệu về cuộc khủng hoảng tín dụng đã khiến TTCK nhanh chóng lao dốc và chỉ số này xuyên thủng mốc 12,000 điểm trong vài tháng sau đó. Dow Jones lại “chạm mặt” ngưỡng 13,000 điểm vào năm 2008 trước khi rơi tự do về mức đáy 6,547 điểm xác lập tháng 3/2009.
Bài học cho nhà đầu tư: Nhiều giao dịch lớn diễn ra trong một phiên giao dịch mà khối lượng đứng ở mức khá thấp chính là dấu hiệu cho thấy đà phục hồi chỉ mang tính giả tạo. Nhà đầu tư đã nắm bắt được mức độ tác động từ đà leo thang của giá dầu, sự suy yếu của thị trường thế thấp và những bất ổn của nền kinh tế đối với thị trường cổ phiếu.
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|