Thị trường vàng: Kẻ nghe, người ngóng
Hiện nay thị trường vàng đang khá dè dặt cả ở người mua và người bán, thậm chí ở một số cửa hàng nhỏ còn không dám mua vàng vào vì lo ngại rủi ro về giá. Họ vẫn chờ đợi các phiên đấu thầu chính thức từ phía NHNN nhằm can thiệp thị trường, kéo giá vàng trong nước sát hơn với giá vàng thế giới.
Ảm đạm
Giá vàng quốc tế tuần qua liên tiếp điều chỉnh tăng giá. Tính đến sáng ngày 15/3, trên thị trường quốc tế mỗi oz vàng tương đương 1.590,7 USD, so với cuối tuần trước tăng khoảng 7 USD/oz. Tuy nhiên, giá vàng trong nước cũng chỉ nhích nhẹ, không có hiện tượng xếp hàng mua vàng như với thời điểm trước khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời.
Tại phố Trần Nhân Tông, Hà Nội, nơi góp mặt của nhiều cửa hàng kinh doanh vàng với các thương hiệu khác nhau nhưng không khí khá ảm đạm. Ông Nguyễn Văn Yên – phường Phương Mai – Hà Nội vừa mua vàng tại Bảo Tín Minh Châu cho biết, cậu con trai đang làm việc ở trong Nam mới gửi ra 10 triệu đồng, nên đến mua cái nhẫn trơn 2 chỉ để phòng khi “trái gió trở trời”.
Nhiều người dân đến các cửa hàng vàng chỉ để... xem
|
Theo ông Doãn Tiến Yên – Phụ trách kinh doanh của Công ty Bảo Tín Minh Châu, gần 3 tháng của năm 2013 trôi qua, thị trường vàng chỉ sôi động vài ngày sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, còn lại là bao trùm sự ảm đạm. Một chủ cửa hàng cũng trên phố Trần Nhân Tông cho biết, khách đến mua bán tại cửa hàng chỉ lẻ tẻ và giao dịch vài ba chỉ chứ không có khách hàng là nhà đầu tư.
Tuy nhiên, điểm sáng duy nhất với giao dịch vàng trong gần 3 tháng qua là phân khúc vàng trang sức. “Vào những thời điểm ngày lễ, tết hay ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, có nhiều người chọn mua vàng trang sức làm quà tặng hơn. Đó là sự khác biệt so với thị trường vàng những năm trước đây.
Theo một chuyên gia kinh doanh vàng, nói xuất hiện “điểm sáng” vàng trang sức là bởi theo Nghị định 24, khi kinh doanh loại vàng trang sức, mỹ nghệ phải đăng ký dưới hình thức DN nhằm bảo vệ quyền lợi người mua. Đặc biệt, khi DN bán vàng phải xuất hóa đơn, sẽ hạn chế được nạn trốn thuế, lập lại trật tự trên thị trường vàng. Đối với những loại vàng trang sức, nữ trang có nguồn gốc không rõ ràng sẽ bị loại ra khỏi thị trường.
“Khi môi trường kinh doanh vàng trang sức tốt được tạo ra, nó không chỉ hấp dẫn thị trường và DN trong nước mà còn thu hút đầu tư nước ngoài về thị trường này” - vị chuyên gia trên nói.
Chờ phiên đấu thầu chính thức
Thị trường vàng tuần qua cũng đón nhận thông tin mà được giới kinh doanh vàng “đoán già đoán non” rằng sẽ “mở” hơn với vàng phi SJC (các thương hiệu vàng khác như AAA, PNJ, SBJ…). Đó là việc NHNN chính thức ban hành Thông tư số 06/2013/TT-NHNN (Thông tư 06) hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước. Theo nội dung Thông tư này, quy định loại vàng miếng giao dịch là vàng miếng hàm lượng 99,99%, loại 1 lượng do NHNN cho phép sản xuất hoặc tổ chức sản xuất trong các thời kỳ.
Theo NHNN trong thời gian trước mắt, loại vàng miếng giao dịch mua bán với NHNN là vàng miếng do NHNN tổ chức sản xuất (vàng miếng SJC). Tùy điều kiện thực tế, trong trường hợp cần thiết, NHNN có thể xem xét mua bán các loại vàng miếng khác do NHNN đã cho phép sản xuất trong các thời kỳ. Loại vàng miếng giao dịch cụ thể được thông báo cho các TCTD, DN trong thông báo mua, bán vàng miếng hoặc thông báo đấu thầu mua, bán vàng miếng của NHNN.
Tuy vậy, theo ông Doãn Tiến Yên, thông tin từ Thông tư của NHNN có “mở” hay không với các loại vào phi SJC trong đó có vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu cũng chưa được rõ ràng. Nhưng nếu nhìn ở góc độ thị trường thì vẫn chưa có gì thay đổi, mặc dù khoảng cách giữa giá vàng phi SJC và vàng SJC trước thời điểm Nghị định 24 được ban hành là 3 triệu đồng/lượng và nay đã giảm còn 1 - 1,5 triệu đồng/lượng, tùy từng loại.
Lý giải về hiện tượng này, ông Đinh Nho Bảng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho biết, theo thông cáo của NHNN về Thông tư 06 “tùy điều kiện NHNN có thể xem xét” chứ không phải đã khẳng định, chính vì vậy rất khó “sống” lại thị trường với vàng phi SJC.
Theo một chuyên gia kinh doanh vàng, với thương hiệu vàng SJC chiếm tới 90% thị trường vàng trong nước, ngoài ra trong thời gian qua đã có gần 9 tấn vàng phi SJC được chuyển đổi theo hình thức “tạm xuất tái nhập” nên số lượng vàng phi SJC cũng còn rất ít.
Song, hiện nay thị trường vàng đang khá dè dặt cả ở người mua và người bán, thậm chí ở một số cửa hàng nhỏ còn không dám mua vàng vào vì lo ngại rủi ro về giá. Họ vẫn chờ đợi các phiên đấu thầu chính thức từ phía NHNN nhằm can thiệp thị trường, kéo giá vàng trong nước sát hơn với giá vàng thế giới. Song những cửa hàng lớn, có thương hiệu vẫn mua bán bình thường.
Đại diện của Bảo Tín Minh Châu khẳng định, đơn vị này mua vào không chỉ thương hiệu SJC và Vàng Rồng Thăng Long mà còn mua các cả loại vàng khác, nhưng phải qua quy trình kiểm tra chặt chẽ, thậm chí phải nấu lên nhằm kiểm tra tuổi vàng để đưa ra giá mua hợp lý.
Nhiều chuyên gia dự báo rằng, các phiên đấu thầu vàng của NHNN tới đây sẽ có tác động đến giá vàng, do đó các cửa hàng kinh doanh vàng và người dân đang trong tâm trạng kẻ nghe, người ngóng.
Đức Nghiêm
thời báo ngân hàng
|