Tàu biển: đến ve chai cũng lắc đầu
Trong khi bộ Giao thông vận tải chưa có cách để gỡ vướng trong quy định phá dỡ tàu cũ, các chủ tàu vẫn buộc phải bán tàu để cắt lỗ. Dù giá tàu rẻ, thậm chí chỉ bằng giá sắt vụn nhưng doanh nghiệp phá dỡ tàu cũng không dám mua.
Tàu Dynamic Bright của ALC II nằm chờ được “hoá kiếp”
|
Trong vai người mua phế liệu, chúng tôi tìm đến bãi phá dỡ của công ty TNHH Đại Huy – doanh nghiệp chuyên cắt phá tàu tại Hải Phòng. Ông Đại, chủ bãi xua tay nói: “Mỗi ngày, tôi nhận được không dưới mười cuộc điện thoại của các ngân hàng, công ty tài chính chào mời mua tàu nhưng đành lắc đầu”.
Theo ông Đại, các chủ nợ đang ráo riết bán tàu để thu nợ, nên chấp nhận bán rẻ, thậm chí chỉ bằng giá sắt vụn. Tuy nhiên, nếu tính cả chi phí nhân công, thuê bãi, vật tư, thiết bị, nhất là lãi vay ngân hàng tới 17 – 18%/năm… thì doanh nghiệp phá dỡ chẳng có lãi. Đó là chưa kể, chi phí nộp phạt nếu phá tàu cũ gây ô nhiễm môi trường. Do thế, mấy tháng nay, chủ bãi này không dám mua tàu cũ về phá, dù là tàu nội hay tàu treo cờ nước ngoài.
Chân vịt tàu bị rêu, hà bám kín
|
Men theo đường ra bến phà Đình Vũ, chúng tôi thấy tàu Dynamic Bright của công ty cho thuê tài chính ALC II (thuộc Agribank) đang neo đậu ở bãi sông, không có bóng của thuyền viên nào. Dynamic Bright là tàu hàng khô, có trọng tải 5.300 tấn, được đóng năm 2007 tại Việt Nam. Nhưng sau gần một năm neo đậu, giờ tàu Dynamic Bright trông như một “ông lão” với toàn thân gỉ sét, hà và rong rêu phủ kín. Được biết, do bên khai thác là một công ty ở TP.HCM không trả được nợ, ALC II đã bắt giữ tàu, neo đậu vất vưởng ở nhiều vùng nước đến tháng 10.2012 mới kéo tàu về đây để kêu bán.
Theo chủ một bãi phá dỡ tàu tại Hải Phòng, ALC II đang chào giá tàu Dynamic Bright là 16 tỉ đồng (chưa gồm thuế), khá rẻ so với tàu mới năm tuổi, đi biển hạn chế, nhưng không ai mua. “Mức giá này tương đương 10.000 đồng/kg sắt, cao hơn giá sắt vụn bình thường từ 1.000 – 1.600 đồng/kg. Nếu tính tất cả chi phí phá dỡ, thì người phá dỡ cầm chắc lỗ”, vị này nói.
Trong khi đó, một con tàu mang tên Phú Hưng 03 còn bi đát hơn. Chủ tàu đã tổ chức đấu giá nhiều lần, nhưng vẫn chưa tìm được người mua. Vì mỗi phiên giao dịch chỉ có một người tham gia và đưa ra giá mua thấp hơn giá chào.
Cuối năm 2012, các chủ buôn sắt vụn xôn xao khi công ty cổ phần vật tư Vietship đã mua được tàu AMC 03 (trọng tải 64.797 tấn, đóng năm 1986) với giá hời, chỉ khoảng 68 tỉ đồng. Nhưng từ đó đến nay, tàu AMC 03 vẫn tiếp tục nằm bờ, chưa biết khi nào sẽ ra khơi. Còn chủ tàu đang méo mặt vì phải trả lãi hơn 100 triệu đồng mỗi ngày. Trong khi đó, vì tàu AMC 03 treo cờ Mông Cổ nên không được phép phá dỡ tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Đàng, trưởng phòng kinh doanh công ty TNHH xuất nhập khẩu Vật tư tàu thuỷ (đơn vị 100% vốn của Vinashin) nói: “Phá dỡ tàu là khâu cuối cùng của vòng đời một con tàu, nhưng ở Việt Nam việc phá dỡ tàu lại không được phép, kể cả tàu nội. “Không có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể cho phá dỡ nên các tàu biển treo cờ Việt Nam và nước ngoài được cắt phá thời gian qua đều là… phá chui”, ông Đàng nói.
Bộ Giao thông vận tải đang tìm cách gỡ khó về quy định phá dỡ tàu cũ, nhưng sẽ cần nhiều thời gian để các đề xuất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong lúc này, các chủ tàu, ngân hàng cho vay vẫn đang “ngồi trên đống lửa”. Nếu không bán được tàu trong nước cũng không còn khả năng tài chính để kéo tàu ra nước ngoài phá, các chủ tàu, ngân hàng đang chìm dần trên đống tài sản của mình.
Phương Nga
sài gòn tiếp thị
|