Tăng trưởng kinh tế của Anh có thể chỉ đạt 0,6%
Công bố dự thảo ngân sách năm 2013 trước Quốc hội ngày 20/3, Bộ trưởng Tài chính
Anh George Osborne đã thừa nhận rằng kinh tế nước này sẽ chỉ tăng trưởng 0,6%
trong năm nay, bằng một nửa mức dự báo 1,2% được đưa ra ba tháng trước đó.
Mức tăng trưởng dự báo cho năm 2014 cũng đã bị hạ xuống 1,8%, còn các dự
báo cho ba năm sau đó lần lượt là 2,3%, 2,7% và 2,8%, được giữ nguyên như trong
dự báo trước.
Ông Osborne cũng thừa nhận rằng mục tiêu giảm tỷ lệ nợ công/GDP sẽ chậm
hơn hai năm so với kế hoạch đề ra khi ông nhậm chức vào tháng 5/2010, nghĩa là
cho đến năm 2017-2018.
Ông Osborne cho rằng nguyên nhân là do tác động của khủng hoảng nợ ở Khu
vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu, cuộc khủng hoảng đang có diễn biến mới xuất
phát từ vấn đề của Síp.
Bên cạnh đó, ông Osborne đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách từ 7,4% GDP
trong tài khóa 2013-2014 xuống còn 5% trong giai đoạn 2015-2016. Các cơ quan
chính phủ sẽ bị cắt giảm ngân sách 1% mỗi năm trong hai năm tới, trừ giáo dục và
hệ thống y tế.
Cơ quan Giám sát Ngân sách dự báo mức vay nợ của Anh trong năm nay là 121
tỷ bảng, bằng với mức vay nợ năm ngoái và mức này sẽ là 120 tỷ bảng cho
2014-2015.
Tuy nhiên, người dân Anh và giới đầu tư đón nhận tin vui khi có một số
điểm sáng trong báo cáo ngân sách 2013 của ông Osborne trong việc thúc đẩy thị
trường nhà ở và cắt giảm thuế doanh nghiệp.
Bộ trưởng Tài chính Anh đã công bố kế hoạch cho người mua nhà được vay tới
20% trị giá ngôi nhà mà không phải chịu lãi suất. Theo chương trình kéo dài
trong ba năm bắt đầu từ năm 2014 này, các ngân hàng sẽ dành ra 130 tỷ bảng để
cho người dân vay thế chấp mua nhà. Bên cạnh đó, chính phủ sẽ thực hiện sớm hơn
một năm việc đánh thuế với mức thu nhập cá nhân vượt 10.000 bảng/năm, nghĩa là
sẽ thực hiện từ 2014 so với dự kiến trước đó là 2015.
Mặt khác, ông Osborne cho biết sẽ cắt giảm thuế doanh nghiệp xuống còn
20% bắt đầu từ tháng 4/2015, so với mức 28% trong năm 2010, nhằm gửi đi một
thông điệp rằng nước Anh mở rộng cửa cho các doanh nghiệp.
Đúng như nhận định của giới phân tích, Bộ trưởng Tài chính Osborne cũng
"bật đèn xanh" cho những thay đổi lớn ở Ngân hàng trung ương Anh (BoE) để ngân
hàng này có thể phát huy vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hơn nữa.
Những thay đổi sẽ giúp BoE hoạt động theo cách tương tự như Cục Dự trữ
Liên bang Mỹ, tức là không chỉ tập trung vào vấn đề lạm phát mà có thể tính đến
tình trạng việc làm khi đưa ra các quyết định lãi suất và có thể linh hoạt hơn
trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ./.
Ngân Bình
Vietnamplus
|