STT bị “tố” vi phạm hợp tác thương quyền
Tân Tổng giám đốc CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT) sau khi nhậm chức đã ký văn bản chấm dứt hợp tác kinh doanh taxi thương quyền với CTCP Đầu tư và phát triển An Thiện Nhân (An Thiện Nhân). Việc này dẫn đến tranh chấp giữa hai bên một lần nữa bùng phát.
STT bị “tố” tự ý chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh taxi với đối tác
|
Tranh chấp giữa An Thiện Nhân và Sài Gòn Tourist bắt đầu từ năm ngoái. Sau nhiều diễn biến căng thẳng, hai bên đã ngồi lại và có được thỏa thuận nhất định về việc đối chiếu công nợ, tiếp tục hợp tác kinh doanh taxi. Tuy nhiên, mới đây, tân Tổng giám đốc của Sài Gòn Tourist đã ký văn bản chấm dứt hợp tác nói trên với An Thiện Nhân. Công ty An Thiện Nhân đã có đơn thư gửi cơ quan chức năng và báo chí tố cáo Sài Gòn Tourist tự ý chấm dứt hợp đồng, gây thiệt hại cho Công ty, đồng thời tố cáo Sài Gòn Tourist có sai phạm trong báo cáo tài chính.
Theo phản ánh của An Thiện Nhân, năm 2010, Sài Gòn Tourist và An Thiện Nhân ký kết 2 hợp đồng về việc mở rộng và phát triển kinh doanh xe taxi trong và ngoài địa bàn TP. HCM, thời hạn của mỗi hợp đồng là 7 năm. Theo đó, An Thiện Nhân sẽ sử dụng tên thương mại của Sài Gòn Tourist để tiến hành hoạt động kinh doanh taxi. Đến nay, An Thiện Nhân đã chuyển cho Sài Gòn Tourist hơn 2 tỷ đồng.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, An Thiện Nhân phát hiện, từ năm 2009, Sài Gòn Tourist đã ký kết hợp đồng với CTCP Ôtô vận tải Vina Đông Dương về việc mở rộng và phát triển kinh doanh xe taxi dưới tên thương mại Saigon Tourist trên địa bàn TP. HCM và ngoài tỉnh trong thời hạn 7 năm. An Thiện Nhân cho rằng, Sài Gòn Tourist có hành vi gian lận thương mại, nhằm chiếm dụng tiền của đối tác (An Thiện Nhân).
Không những thế, ông Sok Channa (quốc tịch Thái Lan), đại diện theo pháp luật của An Thiện Nhân cho biết, Công ty Vina Đông Dương nợ Sài Gòn Tourist 5,7 tỷ đồng. Sài Gòn Tourist ủy quyền cho An Thiện Nhân thu hồi khoản nợ trên. Hiện nay, khoản tiền này vẫn chưa thu hồi được. Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính quý IV/2012 của Sài Gòn Tourist, khoản nợ nói trên được hạch toán thành đầu tư dài hạn khác. Sài Gòn Tourist báo cáo số tiền trên đã được sử dụng vào việc mua xe của An Thiện Nhân. Số tiền này được quy đổi bằng tiền công nợ, nhưng trên thực tế, không có việc An Thiện Nhân bán xe cho Sài Gòn Tourist, hai bên không có hợp đồng, biên bản giao nhận, thanh toán, thanh lý... thể hiện rằng có giao dịch mua bán xe như trên.
Đến tháng 1/2013, ông Dương Hữu Danh, tân Tổng giám đốc Sài Gòn Tourist đã ký thông báo về việc ngưng thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh taxi thương quyền với An Thiện Nhân. Thông báo nêu rõ, Sài Gòn Tourist đơn phương chấm dứt hợp đồng và chấm dứt hợp tác kinh doanh xe taxi mang logo và thương hiệu Saigon Tourist tại địa bàn TP. HCM kể từ ngày 23/1/2013.
An Thiện Nhân cho rằng, bằng thông báo này, Sài Gòn Tourist thừa nhận hợp đồng giữa hai bên là hợp đồng nhượng quyền thương mại. Hợp đồng trên còn hiệu lực pháp luật, nhưng Sài Gòn Tourist lại đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, khi đã thu hơn 2 tỷ đồng tiền ký quỹ và tiền thương quyền của An Thiện Nhân.
ĐTCK đã liên hệ với ông Dương Hữu Danh để tìm hiểu sự việc. Tuy nhiên, ông Danh cho biết, hiện đang là thời điểm Sài Gòn Tourist chuẩn bị ĐHCĐ nên có nhiều việc phải xử lý và chưa thể thông tin cụ thể về vụ việc này.
Xung quanh sự việc nêu trên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh của An Thiện Nhân và Sài Gòn Tourist cần giải quyết trên cơ sở thương lượng, nếu không thương lượng, đàm phán được thì các bên liên quan có thể nhờ cơ quan chức năng có thẩm quyền như tòa án ra phán quyết xử lý theo quy định của pháp luật. Hợp đồng giữa hai bên có thời hạn 7 năm, do vậy, khi chưa có phán quyết của cơ quan có thẩm quyền, thì hợp đồng hợp tác kinh doanh của An Thiện Nhân và Sài Gòn Tourist vẫn còn hiệu lực, các bên cần thực hiện đúng hợp đồng.
Sài Gòn Tourist có vốn điều lệ 80 tỷ đồng, hiện đang niêm yết trên sàn HOSE. ĐTCK sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc khi có tình tiết mới.
Hoàng Duy
Đầu tư chứng khoán
|