'Lấy tiền người nghèo giải cứu người giàu'
Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội, cho rằng, thu thuế tiền gửi tiết kiệm để cứu bất động sản chẳng khác gì lấy tiền của người nghèo cứu người giàu.
BĐS thực sự hấp dẫn thì không cần ai giải cứu
Ngày 6 - 3, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong về việc thu thuế tiền gửi tiết kiệm nhằm giải cứu thị trường bất động sản (BĐS).
Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
|
Ông Hùng cho rằng, BĐS là mặt hàng béo bở, chủ yếu những người lắm tiền của mới đầu tư vào loại "hàng hóa" đặc biệt này. Khi thị trường BĐS "sốt", những nhà đầu tư tha hồ thao túng, thổi giá lên gấp hai đến ba lần so với giá trị thực, thì không thấy ai can thiệp. Họ thu lại những khoản lợi nhuận khổng lồ. Khi đó, người mua phải xếp hàng, thậm chí chen lấn xô đẩy… mới có được một căn hộ, miếng đất. Còn ông chủ đầu tư hả hê thu lợi nhuận nhiều tỷ đồng.
Nhưng, khi thị trường BĐS chững lại, thu nhập của các ông chủ giảm đi một chút là người ta lại lo tìm cách giải cứu. Vậy ở đây là giải cứu thị trường BĐS hay giải cứu thu nhập của các ông chủ BĐS? Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hùng đặt câu hỏi.
Thu thuế tiền gửi tiết kiệm là cấm người dân
Về đề xuất của Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) đánh thuế thu nhập các khoản tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hùng, cho rằng, như vậy là thuế chồng thuế.
Ông Hùng cho rằng, người dân có khoản tiền đã phải trải qua các loại thuế, như giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân... Khi không biết đầu tư vào đâu để sinh lời nhiều hơn, người dân gửi tiết kiệm ngân hàng.
Ông Hùng cho rằng, thông thường có năm kênh đầu tư: thứ nhất gửi tiết kiệm, thứ hai mua đô la, thứ ba mua vàng, thứ tư đầu tư BĐS và thứ năm đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, ít người có đủ khả năng, kiến thức để đầu tư chứng khoán, và phần lớn họ sẽ đầu tư vào bốn lĩnh vực còn lại.
Nhưng, thời gian vừa qua, thị trường vàng chao đảo, BĐS mờ mịt, nhiều dự án chưa được cấp phép đã bán hoặc giá cả phập phù. Vì vậy, người dân chỉ còn biết đầu tư mua đô la và gửi tiết kiệm.
Theo vị Phó Giáo sư này, những người gửi tiết kiệm thường "ăn chắc mặc bền", họ không có nhiều tiền đầu tư vào lĩnh vực mạo hiểm mang lại lợi nhuận lớn. Tư duy về việc thu thuế tiền gửi tiết kiệm nhằm đẩy các khoản tiền lưu thông ra thị trường nhằm giải cứu thị trường bất động sản là việc làm sai lầm.
Thu thuế tiền gửi tiết kiệm chẳng khác nào cấm người dân tham gia lĩnh vực này. Anh lại dùng chính sách để bóp chỗ nọ, bỏ chỗ kia…, không quản được thì lại cấm. Tôi đánh giá không cao những người có trách nhiệm đưa ra đề xuất này - Phó Giáo sư Hùng chia sẻ.
Khi người ta không dùng đồng tiền kinh doanh được, yếu thế, phải nhờ người khác kinh doanh, mới phải gửi tiết kiệm. Vậy lẽ nào vì lợi ích nhỏ, quanh quẩn, không quản được mà lại thu thuế tiền gửi tiết kiệm? Tôi cho rằng, đây không phải giải cứu thị trường BĐS một cách có trách nhiệm, mà là động cơ lấy tiền của người này để giải cứu người khác - Ông Hùng nói.
Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hùng cho rằng, thực trạng thị trường bất động sản hiện nay là cắt nhỏ căn hộ, xây dựng những công trình kém chất lượng để giảm giá, chưa hẳn đã giảm giá đồng bộ. Tính giá trị trên căn hộ có giảm, song chủ đầu tư đã giảm cả về chất lượng và diện tích. Động thái này nhằm đánh lừa tâm lý người dân. Chính vì thế, BĐS chưa đủ sức hấp dẫn để người dân rót tiền vào đầu tư.
Chủ đầu tư phải nghĩ thế nào để xây dựng những công trình, căn hộ đủ sức hấp dẫn thì người dân sẽ đầu tư mà không cần phải ai giải cứu.
|
Minh Đức
tiền phong
|