ITA: Dự án nhiệt điện “tỉ đô”ngắc ngoải
Từ nay đến hết tháng 6-2013, nếu Tập đoàn Tân Tạo (ITA) không thu xếp được vốn để tiếp tục xây dựng, UBND tỉnh sẽ đề nghị Chính phủ thu hồi chủ trương đầu tư toàn bộ dự án trung tâm điện lực Kiên Lương (ĐLKL).
Trong đó bao gồm cả cảng nước sâu Nam Du.
Mặt bằng trung tâm điện lực Kiên Lương mới chỉ được san lấp một phần
|
Đó là khẳng định của ông Phạm Vũ Hồng - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - tại cuộc họp sáng 28-2.
Hơn 2 năm giậm chân tại chỗ
Theo quy hoạch được duyệt, dự án trung tâm ĐLKL có tổng diện tích mặt bằng lên tới 555,9ha. Trong đó diện tích khu vực nhà máy chính 203,5ha, diện tích mặt nước cảng biển 300,6ha và diện tích bãi thải xỉ 51,8ha.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Công ty cổ phần đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (ITACO) thuộc Tập đoàn Tân Tạo do tổng giám đốc Thái Văn Mến ký ngày 27-2-2013, đến nay dự án trung tâm ĐLKL mới nạo vét được 5,5 triệu m³ bùn, trong khi tổng khối lượng cần nạo vét hơn 15 triệu m³, san lấp được tổng cộng 88ha diện tích mặt bằng, đóng 6,5/8km cọc vây ngoài biển để tạo đê bao. Đối chiếu số liệu này với số liệu nêu trong báo cáo của ITACO vào thời điểm tháng 8-2010 thì không thấy có sự thay đổi nào cả. Có nghĩa là hơn hai năm nay dự án này giậm chân tại chỗ.
Dự án cảng biển nước sâu Nam Du tại xã đảo An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang cũng do Tân Tạo đầu tư nằm cách dự án trung tâm ĐLKL khoảng 60km, là một trong những hạng mục quan trọng phục vụ việc nhập khẩu than cung cấp cho Nhà máy nhiệt điện Kiên Lương công suất 4.400-5.200MW và các nhà máy điện đang được đầu tư xây dựng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Dự án trị giá 800 triệu USD này đã công bố quy hoạch tổng thể, được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 từ tháng 2-2010 và được Bộ GTVT bổ sung vào hệ thống cảng biển VN từ tháng 4-2009. Song đến nay dự án này vẫn đang còn trên giấy.
Bế tắc do thiếu vốn
Tháng 8-2008, Chính phủ phê duyệt đồng ý cho Tập đoàn Tân Tạo làm chủ đầu tư dự án trung tâm ĐLKL với quy mô 4.400-5.200MW (gồm ba giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 công suất 1.200MW dự kiến hoàn thành cuối năm 2013 - PV) với tổng vốn đầu tư khoảng 6,7 tỉ USD (chưa bao gồm dự án cảng biển nước sâu Nam Du).
Theo phương án tài chính ban đầu, phía Tập đoàn Tân Tạo sẽ thu xếp 20% trong tổng vốn 6,7 tỉ USD, phần còn lại sẽ lập phương án huy động nguồn vốn vay bên ngoài. Tuy nhiên, do mức vốn đầu tư của dự án quá lớn nên để vay được vốn quốc tế cần phải có bảo lãnh của Chính phủ (GGU). Cuối tháng 7-2009, Tập đoàn Tân Tạo đã báo cáo Bộ Tài chính để thẩm định phương án tài chính của dự án theo quy chế cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.
Trong một cuộc làm việc giữa ITACO và UBND tỉnh Kiên Giang vào tháng 9-2010, ông Lê Khắc Ghi, giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Kiên Giang, đã cho rằng: “ITACO là doanh nghiệp 100% vốn tư nhân, mà việc Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp tư nhân vay vốn nước ngoài thì từ trước đến nay chưa có tiền lệ”.
Trả lời Tuổi Trẻ ngày 28-2, ông Thái Văn Mến cho biết: “Để thu xếp vốn cho dự án trung tâm ĐLKL, phía Tập đoàn Tân Tạo và ITACO đã rất nỗ lực đàm phán với nhiều đối tác nước ngoài. Cuối cùng ngày 24-8-2010, Tổng công ty bảo hiểm Sinosure của Trung Quốc đã đồng ý bảo hiểm các khoản vay cho dự án để các ngân hàng Trung Quốc đồng ý giải ngân.
Ngày 13-5-2011, Tập đoàn Tân Tạo đã ký biên bản làm việc thống nhất với các ngân hàng này về điều khoản vay cụ thể, bao gồm giá trị nguồn vốn vay, lãi suất, các khoản phí, thời hạn trả nợ vay... Tuy nhiên, do Chính phủ chưa cấp bảo lãnh và còn thiếu hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực VN nên việc vay vốn chưa thực hiện được”. Ông Mến nhìn nhận: “Việc Thủ tướng cho phép ký bảo lãnh GGU, hợp đồng BOO là vấn đề mấu chốt để triển khai tất cả các công việc của dự án. Nếu không có GGU và hợp đồng BOO, dự án sẽ bế tắc”.
Trả lời câu hỏi tỉnh có tính đến việc thu hồi dự án này không, ông Phạm Vũ Hồng - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết do đây là dự án trọng điểm quốc gia thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng nên để thu hồi chủ trương đầu tư, tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Nhiều sai phạm tại dự án Khu kinh tế Định An
Ngày 28-2, ông Trần Khiêu, chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết đã chỉ đạo tiếp tục thanh tra toàn bộ dự án xây dựng Khu kinh tế Định An (Trà Vinh) sau khi phát hiện nhiều sai phạm tại dự án này.
Trước đó, UBND tỉnh Trà Vinh đã quyết định hủy gói thầu số 1 xây dựng một số hạng mục công trình giao thông trong dự án tại huyện Duyên Hải, đồng thời yêu cầu kiểm điểm, xử lý kỷ luật các cá nhân liên quan vì đã có vi phạm trong công tác tổ chức mời thầu, dự thầu, xét duyệt hồ sơ dự thầu và xét chọn nhà thầu. Cụ thể, sau khi Công ty cổ phần Tập đoàn Hằng An
(TP.HCM) trúng gói thầu số 1, Thanh tra tỉnh Trà Vinh đã vào cuộc và phát hiện nhà thầu này có hành vi “cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu”. Nhà thầu này có dấu hiệu làm giả hồ sơ dự thầu vì đã tham gia đấu thầu bằng một hợp đồng xây dựng tại Bạc Liêu. Biên bản nghiệm thu công trình này đạt 100% khối lượng công trình, trong khi thực tế chỉ mới hoàn thành khoảng 25% khối lượng.
Từ sai phạm này, UBND tỉnh Trà Vinh đã quyết định thanh tra lại toàn bộ dự án Khu kinh tế Định An và kiểm điểm, xử lý kỷ luật ông Lê Tấn Lực (trưởng ban quản lý dự án) do “chưa thực hiện tốt nhiệm vụ, để xảy ra vi phạm trong tổ chức đấu thầu”. Ngoài ra, còn kiểm điểm trách nhiệm bộ phận chuyên môn phụ trách xây dựng cơ bản của ban quản lý Khu kinh tế Trà Vinh và Trung tâm thẩm định dự án đầu tư thuộc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Trà Vinh.
Đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Hằng An, UBND tỉnh Trà Vinh cho biết sẽ xử phạt theo đúng quy định của pháp luật về hành vi “cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, ký kết thực hiện hợp đồng”.
|
Khoa Nam
tuổi trẻ
|