Hạ viện Mỹ vừa đề xuất một dự luật ngân sách mới
Sau thất bại trong việc ngăn chặn ngân sách liên bang tài khóa 2013 bị cắt giảm tự động 85 tỷ USD, giờ đây cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa tại Hạ viện đều đang lên tiếng kêu gọi nhượng bộ lẫn nhau để tránh nguy cơ hệ thống công sở liên bang phải đóng cửa do giới chức chính trị không giải quyết được vấn đề ngân sách.
Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của kế hoạch cắt giảm chi tiêu tự động bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/3 đối với hoạt động của các cơ quan liên bang trực thuộc Chính phủ Mỹ, các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện ngày 4/3 đã đề xuất một dự luật ngân sách mới. Dự luật này cho phép chính phủ liên bang hoạt động đến ngày cuối cùng 30/9 của tài khóa 2013, sau khi cơ chế cấp ngân sách hiện thời hết hiệu lực từ ngày 27/3 tới, đồng thời tài trợ cho chi tiêu của một số cơ quan liên bang.
Dự luật mới này cho phép việc cắt giảm ngân sách tự động chỉ ở mức 7,8% đối với Lầu Năm Góc và 5% đối với các cơ quan khác, thay vì mức cắt giảm 9% theo Sắc lệnh đã ký hôm 2/3 của Tổng thống Obama.
Việc cắt giảm này sẽ được áp dụng đối với tất cả các cơ quan liên bang ngoại trừ Bộ Cựu chiến binh Mỹ. Nếu dự luật này được thông qua, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng sẽ được cấp thêm 10 tỷ USD cho các hoạt động quân sự và bảo dưỡng cũng như các chương trình chăm sóc y tế đối với các cựu chiến binh.
Ngoài ra, dự luật cũng đề xuất sử dụng số tiền chưa dùng dành cho các hoạt động quân sự của Mỹ tại Iraq để chi thêm 2 tỷ USD cho việc tăng cường đảm bảo an ninh tại các đại sứ quán và các cơ quan ngoại giao của Mỹ trên toàn cầu.
Tuy nhiên, dự luật này không ngăn chặn việc cắt giảm chi tiêu đối với một số chương trình trong nước mà các nghị sỹ đảng Dân chủ hướng đến như việc đầu tư cho công tác kiểm soát không lưu, các chương trình chăm sóc y tế cho trẻ em và sinh viên hay công tác nghiên cứu y tế.
Phát biểu trước báo giới, Chủ tịch Ủy ban phân bổ ngân sách Hạ viện đồng thời là người bảo trợ cho Dự luật này, ông Harold Rogers, nhận định Mỹ hiện đang phải đối mặt với một số lựa chọn khó khăn đòi hỏi các nghị sỹ phải hành động nhanh và hiệu quả nhằm mở đường cho một tương lai tài chính của nước Mỹ.
Theo ông Harold Rogers, dự luật trên sẽ tập trung tài trợ cho các chương trình và dịch vụ liên bang trọng yếu nhằm giúp duy trì an ninh quốc gia và tránh khả năng phải đóng cửa chính phủ. Dự kiến, Hạ viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu thông qua dự luật chi tiêu tạm thời trên vào ngày 7/3 tới nhằm ngăn chặn khả năng đóng cửa chính phủ theo đạo luật chi tiêu trong vòng 6 tháng được thông qua hồi tháng 9/2012.
Trước đó một ngày, Tổng thống Obama cũng đã tiến hành một loạt cuộc điện đàm với các nhà lập pháp của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội, trong đó đề xuất một kế hoạch cắt giảm chi tiêu chương trình y tế và an sinh xã hội cùng tăng thuế để có thể đạt được một sự thỏa hiệp nhằm tránh xảy ra tình huống trên như cách đây hơn 15 năm.
Trả lời phỏng vấn truyền hình CNN, cố vấn kinh tế cao cấp của Nhà Trắng Gene Sperling cho biết các chính khách mà ông Obama ưu tiên tiếp xúc là những nghị sỹ của đảng Dân chủ muốn có một sự tiến bộ nghiêm túc trong việc cải cách các chương trình phúc lợi lâu dài và những nghị sỹ Cộng hòa ủng hộ việc cải cách các chương trình an sinh xã hội cần kết hợp với cải cách bộ luật thuế để tăng nguồn thu nhằm giảm thâm hụt ngân sách.
Đề xuất của ông Obama được xem là một sự nhượng bộ lớn bởi quan điểm của Nhà Trắng từ lâu cho rằng cắt giảm chi tiêu phải đi kèm với việc tăng thuế thu nhập của thiểu số những người giàu có để có thêm nguồn thu, trong khi các nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa tại Quốc hội luận rằng cách duy nhất để giảm thâm hụt ngân sách trong dài hạn là hạn chế chi tiêu cho các chương trình xã hội và thẳng thừng tuyên bố không chấp nhận thêm mọi sự tăng thuế.
Tuy nhiên, thủ lĩnh phe thiểu số Cộng hòa tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Mitch McConell đã bày tỏ quan ngại về khả năng Tổng thống Obama khó có thể ép được phe Cộng hòa chấp nhận một lần nữa phải tăng thuế đối với những người giàu có.
Hệ thống công sở của chính phủ liên bang Mỹ, trừ các đơn vị dịch vụ tối cần thiết như cứu hỏa, cảnh sát, lực lượng vũ trang, bưu chính, quản lý giao thông hàng không... sẽ phải đóng cửa trong trường hợp cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp không nhất trí được với nhau về việc cấp ngân sách tài khóa hiện thời. Trong trường hợp phải đóng cửa, phần lớn nhân viên dân sự trong hệ thống liên bang sẽ phải nghỉ việc tạm thời và binh sỹ tuy không phải nghỉ việc nhưng lương bổng có thể bị trả chậm.
Trước đó, hệ thống công sở liên bang Mỹ bị đóng cửa tổng cộng 28 ngày, từ 14/11 đến 19/11/1995 và từ 16/12/1995 đến 6/1/1996 khi chính quyền hồi đó của Tổng thống Bill Clinton mâu thuẫn không điều hòa được với Quốc hội về các khoản ngân sách tài khóa 1996 dành cho chăm sóc y tế, giáo dục và môi trường./
Vietnam+
|