Hạ lãi suất cho vay: Cửa đã mở
Xu hướng lãi suất huy động tiếp tục giảm có thể xem là tín hiệu và cơ sở vững chắc hơn để lãi suất cho vay cũng tiếp tục giảm trong thời gian tới. Điều này không chỉ hỗ trợ cho các DN tiết giảm chi phí vốn vay mà lớn hơn, sẽ đóng góp một phần quan trọng giúp đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đặt ra.
Thêm điều kiện hạ lãi suất cho vay
Quyết định giảm các mức lãi suất, trong đó có lãi suất huy động (các kỳ hạn dưới 12 tháng xuống mức 7,5%/năm) của NHNN nhận được sự đồng tình ủng hộ của thị trường.
TS. Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá: “Xu hướng lãi suất giảm là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay, vì hai lý do: Thứ nhất, kỳ vọng lạm phát thấp, có thể cả năm nay chỉ ở mức 6% - 7%; Thứ hai, về cung - cầu vốn thì hiện cung dư thừa trong khi cầu rất yếu. Nên việc hạ lãi suất là một xu hướng đúng và hoàn toàn có tính thị trường”.
Tiết kiệm vẫn là ưu tiên hàng đầu của người dân
|
Thực tế, trước khi quyết định hạ trần lãi suất huy động được NHNN công bố, nhiều ngân hàng đã liên tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động (cả kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài). Theo giới phân tích, những diễn biến này mang lại nhiều điểm tích cực.
Bởi, một mặt xu hướng này cho thấy thanh khoản chung của hệ thống đã tốt hơn trước rất nhiều. Mặt khác, đây cũng là cơ sở để các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh việc giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ tốt hơn cho DN.
Còn nhớ chỉ hơn một năm trở về trước, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng thường có những “quãng“ căng thẳng theo chu kỳ, khiến nhiều người ví von: Thanh khoản đã trở thành “căn bệnh mãn tính” khó có thể chữa khỏi.
Nay, cùng với sự thay đổi tư duy tăng trưởng kinh tế không thể chỉ dựa trên tăng trưởng tín dụng, quá trình tái cấu trúc hệ thống các TCTD đã và đang được triển khai mạnh mẽ, đặc biệt là việc xử lý các ngân hàng yếu kém và xử lý nợ xấu mang lại những kết quả bước đầu, giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng dần ổn định. Đồng thời với quá trình này, mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay) cũng được kéo xuống khá nhanh và mạnh trong năm 2012.
Ông Phạm Hồng Hải - Phó tổng giám đốc HSBC Việt Nam chia sẻ: “Lãi suất cao nên chỉ những DN kinh doanh ở những lĩnh vực có rủi ro với kỳ vọng lợi nhuận cao mới dám vay hoặc đẩy các DN chuyển hướng sang kinh doanh những lĩnh vực rủi ro cao. Dù là trường hợp nào thì đều gây ra nợ xấu cao và những hệ lụy khác. Do đó, việc giảm lãi suất xuống là tốt”.
Xu hướng lãi suất huy động tiếp tục giảm có thể xem là tín hiệu và cơ sở vững chắc hơn để lãi suất cho vay cũng tiếp tục giảm trong thời gian tới. Điều này không chỉ hỗ trợ cho các DN tiết giảm chi phí vốn vay mà lớn hơn, sẽ đóng góp một phần quan trọng giúp đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô như tăng trưởng GDP cao hơn; lạm phát thấp hơn 2012 mà Chính phủ đặt ra.
Quyết định vẫn là cầu của thị trường
Nhưng lãi suất cũng chỉ là một phần câu chuyện hiện nay. “Lãi suất giảm là xu hướng tốt nhưng không nên quá trông chờ việc giảm lãi suất sẽ là một liều thuốc thần để giải quyết tất cả các vấn đề của thị trường”, ông Hải nhìn nhận.
Theo đó, việc cắt giảm lãi suất có hỗ trợ cho thị trường, nhưng không giúp giải quyết được tận gốc của vấn đề hiện nay: sức cầu rất yếu. Nhiều ngân hàng cũng như các chuyên gia cho rằng, lúc này có giảm lãi suất thêm nữa thì có lẽ cũng chỉ giúp giảm bớt chi phí cho các DN đã vay. Còn các DN muốn vay thêm hoặc vay mới thì cũng chưa có nhu cầu, vì họ chỉ vay khi thấy cầu thị trường có khả năng tăng trở lại rõ ràng. Lúc đó người ta mới có thể vay đón đầu để đầu tư mở rộng sản xuất.
Lãi suất sẽ kích thích DN vay vốn mở rộng sản xuất
|
“Khi mọi thứ còn chưa chắc chắn thì DN vẫn có tâm lý chờ đợi. Do đó việc giảm lãi suất chỉ nên coi là một trong những biện pháp hỗ trợ để giải quyết các vấn đề hiện nay. Cùng với đó, chúng ta nên nhìn đến những biện pháp khác nữa”, ông Hải nói.
Những “biện pháp khác” mà ông Hải nói có lẽ nằm ở bên chính sách tài khóa và các chính sách phối kết hợp khác từ các các bộ, ngành liên quan. Vì theo các chuyên gia, NHNN sẽ không còn nhiều “đất” để tác động lên cầu trên thị trường. “Việc cắt giảm lãi suất chỉ giúp cắt giảm một phần chi phí đầu vào cho DN thôi, trong khi cái gốc của vấn đề hiện nay là phía cầu đầu ra cho DN”, một chuyên gia nhìn nhận.
Tuy không đề xuất biện pháp cụ thể nào nhưng vị này có lấy một ví dụ là vào năm 2009, Chính phủ đã cho phép giảm thuế thu nhập cá nhân. “Giải pháp đó rất tốt và hữu hiệu vì nó đánh liền vào “túi tiền” của người dân. Và khi mọi người có nhiều tiền hơn, họ sẽ chi tiêu nhiều hơn”, vị này lý giải.
Trước một số ý kiến cho rằng lãi suất huy động giảm sẽ không còn hấp dẫn được người gửi tiền và dòng tiền có thể chảy một phần vào các kênh khác, các chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng được hỏi đều không quan ngại về vấn đề này. Quan điểm chung cho rằng, do các kênh như vàng, chứng khoán, bất động sản hay tỷ giá còn nhiều khó khăn, rủi ro hoặc quá “ảm đạm” nên khó có khả năng dòng tiền đột ngột chuyển ra khỏi ngân hàng.
Trong khi đó, với các kênh tín dụng phi chính thức khác như tín dụng đen thì quá rủi ro và cũng đã có rất nhiều bài học nhãn tiền mà hẳn ai cũng biết đến.
Thêm vào đó, tín dụng đen thường chỉ “hot” khi trên thị trường chính thức có những căng thẳng về thanh khoản (như cả DN và người dân đều khó vay vốn của ngân hàng). Mà ở thời điểm hiện nay khi các ngân hàng tha thiết cho vay (thể hiện qua việc giảm lãi suất; thúc đẩy cho vay tiêu dùng cá nhân với nhiều ưu đãi về điều kiện và lãi suất…) thì đất cho tín dụng đen sẽ không có nhiều như trước.
Tiếp cận ở một góc độ khác, TS. Nghĩa cho rằng: “Tuy khó có thể tiên lượng và không thể nào tính được lượng tiền vào các kênh phi chính thức này là bao nhiêu, nhưng đến tín dụng chính thức còn không ra nổi thì tín dụng đen có ý nghĩa gì? Hơn nữa, tín dụng đen hay các kênh phi chính thức khác là những hoạt động phi pháp và chúng ta có thể dùng pháp luật để xử lý”.
Đỗ Lê
thời báo ngân hàng
|