Gỡ lối thoát vốn cho doanh nghiệp
Việc phát hành thêm là việc của doanh nghiệp (DN) và nên để cho chủ sở hữu quyết định bán cho ai, bán ở giá nào.
Một số DN như TTF được cho phép phát hành dưới mệnh giá kèm theo một số điều kiện
|
Cho đến nay, nguyên tắc cơ bản trong việc thoái vốn nhà nước vẫn là phải bảo toàn vốn và đảm bảo giá thị trường. Điều này khiến người ta hiểu rằng, về cơ bản, khi thoái vốn nhà nước, đơn vị thực hiện sẽ phải bán ra ở giá ít nhất là bằng mệnh giá.
Tuy nhiên, vào tháng 9/2011, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã thực hiện thoái vốn nhà nước ở CTCP Thức ăn chăn nuôi thủy sản Bạc Liêu với giá thấp hơn mệnh giá. Theo thông báo bán đấu giá cổ phần thì Thủy sản Bạc Liêu có vốn điều lệ 17 tỷ đồng, số lượng cổ phần do SCIC sở hữu khoảng 1,5 triệu đơn vị, chiếm 90,5%, giá khởi điểm được SCIC đưa ra là 8.431 đồng/CP.
Theo quy định tại Nghị định 09/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN khác, Thông tư 242/2009/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 09/2009/NĐ-CP và Thông tư 171/2010/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính của công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu thì việc bán các khoản đầu tư tài chính phải thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán, trong đó, đối với các khoản đầu tư tài chính tại CTCP chưa niêm yết có giá trị trên 10 tỷ đồng thì phải thực hiện bán đấu giá và phải bảo toàn vốn. Như vậy, Thủy sản Bạc Liêu phải có tình huống đặc thù để SCIC có thể thoái vốn dưới mệnh giá?
Theo tìm hiểu của ĐTCK, Thủy sản Bạc Liêu được cổ phần hóa vào năm 2006, sau 2 năm hoạt động chật vật, đến năm 2008, DN bắt đầu lỗ. Tháng 5/2010, SCIC quyết định bán toàn bộ vốn đầu tư tại một số DN, trong đó có Thủy sản Bạc Liêu. Theo bản công bố thông tin, năm 2008, Công ty lỗ hơn 1 tỷ đồng, năm 2009 lỗ 1,8 tỷ đồng. Trong năm 2010, SCIC đã thực hiện bán đấu giá lượng cổ phần tại Thủy sản Bạc Liêu nhưng không bán được. Hết năm 2010, tuy Công ty có lãi 791 triệu đồng nhưng lại trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi không đủ, cuối cùng, phải trích lập thêm gần 600 triệu đồng. Tại thời điểm 31/12/2010, Thủy sản Bạc Liêu có khoản nợ 6,9 tỷ đồng đã đến hạn nhưng chưa thanh toán. Do đó, SCIC đã tiến hành bán đấu giá toàn bộ cổ phần với giá khởi điểm tính theo giá trị sổ sách.
Sở dĩ SCIC có thể thoái vốn dưới mệnh giá là nhờ vào Công văn số 5868 ngày 26/8/2009 của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Tài chính và SCIC. Theo đó, chấp nhận đề nghị của hai đơn vị này về việc, đối với DN thua lỗ 3 năm liên tiếp và bán đấu giá không thành công thì cho phép bán vốn nhà nước dưới mệnh giá. Sau đó, SCIC đã đưa quy định này vào quy chế bán cổ phần của Tổng công ty tại DN.
Có thể thấy, trong bối cảnh thị trường xấu đi, DN thua lỗ, giá cổ phiếu xuống thấp thì ngay cả cổ đông nhà nước cũng phải chấp nhận bán cổ phần dưới mệnh giá. Dù rằng chưa có quy định chính thức cho toàn bộ thị trường, song các hướng dẫn của cơ quan quản lý có thẩm quyền đã cho phép bán vốn nhà nước dưới mệnh giá trong một số trường hợp nhất định. Mặc dù luôn mong muốn bảo toàn vốn nhưng cổ đông Nhà nước không thể đi trái với quy luật “thuận mua vừa bán”.
Những quy định liên quan đến bán vốn nhà nước tại SCIC có lẽ cũng là nguồn tham khảo để cân nhắc trường hợp DN muốn phát hành thêm dưới mệnh giá. Trên thực tế, khi giá cổ phiếu đang ở mức năm bảy ngàn đồng thì việc đòi phải phát hành bằng mệnh giá là không tưởng. Vấn đề là liệu có cần quy định, tiêu chí xác định những DN nào thì được phép phát hành dưới mệnh giá? Phải chăng, DN nào có thặng dư vốn đủ bù đắp thì mới được phát hành dưới mệnh giá, hoặc có thể xem xét để DN có thể bán dưới mệnh giá miễn là không thấp hơn giá trị sổ sách. Hay việc phát hành ở giá nào là quyền của cổ đông, miễn ĐHCĐ thông qua là được.
Vào tháng 1/2013, CTCP Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) đã được UBCK cho phép phát hành 19,68 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá 5.000 đồng/CP, theo tỷ lệ 2:1. Sau trường hợp của CTCP Nước giải khát Sài Gòn bán 20 triệu cổ phần từ năm 2009 thì trường hợp của TTF đã hé mở triển vọng phát hành dưới mệnh giá cho toàn thị trường. Tuy nhiên, TTF có đặc thù nhất định khi có thặng dư vốn đủ để bù vào phần thiếu hụt ở vốn chủ sở hữu khi bán cổ phần dưới mệnh giá. Nếu tất cả các DN muốn chào bán cổ phần dưới mệnh giá đều phải có thặng dư vốn cổ phần hay lợi nhuận chưa phân phối đủ bù đắp thiếu hụt này thì số lượng DN có thể phát hành dưới mệnh giá sẽ giảm đáng kể.
Quy định như vậy sẽ giảm bớt khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc hạch toán phần vốn thiếu hụt cũng như giải quyết được vấn đề ghi vốn điều lệ là bao nhiêu trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh… Tuy nhiên, theo chuyên gia chứng khoán Quách Mạnh Hào, nếu muốn, cơ quan quản lý dễ dàng đưa ra tiêu chí, quy định, song việc phát hành thêm là việc của DN và nên để cho chủ sở hữu quyết định bán cho ai, bán ở giá nào. Quyền quyết định là của ĐHCĐ và nếu ĐHCĐ đã bỏ phiếu thông qua quyết định thì cơ quan quản lý nên tạo điều kiện cho DN tìm nguồn vốn.
Bùi Trang
Đầu tư chứng khoán
|