Giải quyết ba vấn đề lớn để vực dậy ngành thủy sản
Trước những khó khăn từ nhiều phía, để phát triển ổn định, ngành thủy sản cần phải giải quyết được ba vấn đề quan trọng là vốn, nguồn nguyên liệu và xúc tiến thương mại.
Vốn, đây được xem là nhân tố quan trọng nên cần được giải quyết rốt ráo trong năm 2013 để cả DN và người nuôi đều có điều kiện hoạt động và tồn tại.
Nhiều vướng mắc trong hỗ trợ vốn cho DN và người nuôi cần được tháo gỡ ngay từ đầu năm như kéo dài thời gian vay đến 8, 9 tháng cho đúng thời vụ nuôi tôm, cá; chính sách giãn nợ cần đi vào cuộc sống nhanh hơn để việc tiếp cận vốn đối với DN và người nuôi trồng thủy sản được thuận tiện hơn; nên xem cá, tôm là loại tài sản có thể thế chấp được để tạo thêm một nguồn tài sản thế chấp cho DN, người nuôi; nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu ngày càng tăng, dự kiến năm 2013 lên tới 70 đến 100 triệu USD/tháng, vì thế nên tiếp tục xem xét đưa thuế suất nhập khẩu nguyên liệu chế biến phục vụ xuất khẩu về 0%...
Đến nay, vấn đề chất lượng vẫn chưa được xử lý hiệu quả, dịch bệnh thường xảy ra gây thiệt hại đến người nuôi, làm sụt giảm sản lượng. Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết, một trong những việc cần làm ngay trong năm 2013 là phải ổn định nguồn nguyên liệu chất lượng.
Để đảm bảo chất lượng thủy sản, trước hết cần liên kết các hộ nuôi trồng nhỏ lẻ lại, hướng dẫn người nuôi tuân thủ quy định về điều kiện sản xuất để dễ kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn sử dụng chất cấm trong quá trình nuôi. Bộ NN&PTNT cũng cần tăng cường giải quyết sớm các vấn đề về quy hoạch vùng nuôi tôm để bảo đảm nguồn và chất lượng nguyên liệu. Khó khăn về rào cản chất lượng ở các thị trường nhập khẩu có thể vượt qua nếu ngành quản lý được việc sử dụng chất kháng sinh cấm ngoài danh mục cho phép, động viên người nuôi theo hướng an toàn sinh học, hạn chế việc sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh. Quan trọng là cần xây dựng mô hình nuôi tôm theo kiểu liên kết 4 nhà rồi nhân rộng ra nhiều địa phương.
Một khó khăn lớn khác của ngành thủy sản trong năm 2013 là vấn đề thị trường. Ông Trương Đình Hòe cho biết, EU là một trong những thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam nhưng đến thời điểm này kim ngạch vẫn tăng trưởng âm. Thời gian tới, sự cạnh tranh xuất khẩu thủy sản trên thế giới sẽ ngày càng gay gắt. Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ đang có xu hướng hạ giá bán tôm; Bangladesh bắt đầu thúc đẩy sản xuất tôm thẻ chân trắng; Thái Lan, Phillipines và nhiều nước khác cũng đang tích cực đầu tư nuôi cá tra để cạnh tranh với Việt Nam. Ngoài ra, nhiều rào cản kỹ thuật do các nước nhập khẩu đưa ra sẽ là thách thức lớn về thị trường mà ngành thủy sản phải đối mặt.
Tuy nhiên, các vấn đề trên đang được nhiều địa phương tại vùng ĐBSCL tích cực xử lý và khắc phục.
Về vốn, ngay từ những tháng đầu năm đã có nhiều tín hiệu cho thấy các vấn đề khó khăn về vốn cho DN và người nuôi đang được ngành ngân hàng quan tâm giải quyết. Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam Nguyễn Phước Thanh cho biết, ngân hàng sẽ nhanh chóng có chính sách phù hợp và sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh hỗ trợ vốn cho DN, người nuôi, cơ cấu lại thời gian vay vốn dài hạn hơn để phù hợp với tình hình mới... Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp cho biết, các ngân hàng vẫn đang tiếp tục cho người nuôi và DN chế biến xuất khẩu có đủ điều kiện được vay vốn để phát triển, không có việc đóng cửa không cho vay.
Việc liên kết 4 nhà cũng đang được nhiều địa phương tại vùng ĐBSCL triển khai và đang mang lại hiệu quả bước đầu. Tại Cà Mau, hình thức liên kết 4 nhà trong nuôi tôm đang được chỉ đạo quyết liệt và tăng kiểm tra các cơ sở sản xuất con giống. Các nhà máy chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau cũng đang được kiện toàn dây chuyền sản xuất, nâng chất lượng thiết bị để nâng cao hiệu quả hoạt động. Tại Bạc Liêu, các DN thủy sản cũng đang ráo riết đổi mới dây chuyền công nghệ để đưa ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hàng tinh chế thay dần sản phẩm thô. Với cá tra, sau khi Hiệp hội cá tra ra đời cũng sẽ có Nghị định về cá tra với những điều kiện cụ thể sắp xếp lại nghề cá cho hợp lý.
Về vấn đề này, ông Hồ Văn Vàng, Chủ tịch Hội nghề cá Vĩnh Long cho rằng, nên có kế hoạch điều tiết vùng nuôi cá tra ĐBSCL nhằm tránh dẫn đến tình trạng lúc thừa lúc thiếu nguyên liệu. Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Hùng Vương cũng cho biết, năm 2013 nên xem sản xuất, xuất khẩu cá tra là ngành có điều kiện và mạnh tay xử lý những DN không đủ tiêu chuẩn, làm ăn gian dối.
Trong công tác thị trường, hiện không ít DN tại các địa phương vùng ĐBSCL đang tích cực triển khai việc xúc tiến thương mại (XTTM). DN thủy sản Bạc Liêu đang đẩy mạnh công tác XTTM ở các thị trường mới thuộc châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… VASEP cho biết, hiện cả nước có 13 DN được cấp chứng nhận ASC. ASC được xem là giấy thông hành quan trọng để các nhà xuất khẩu thủy sản trong nước có thể dễ dàng xâm nhập vào các thị trường khó tính trên thế giới như EU, Mỹ, Nhật…
Tại Hội thảo “Sản xuất và tiêu thụ thủy sản năm 2013” tổ chức mới đây ở Đồng Tháp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã nhận định, xuất khẩu cá tra và tôm năm 2013 dự báo sẽ có nhiều thách thức. Vì vậy, Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động tháo gỡ, có biện pháp giữ vũng thị trường xuất khẩu truyền thống, mở rộng thị trường tiềm năng, các ngân hàng đảm bảo nguồn vốn phục vụ nuôi trồng, chế biến xuất khẩu và cơ cấu lại ngành một cách hợp lý để phát triển bền vững trong những năm tới./.
Ngọc Long
kinh tế việt nam
|