Thứ Sáu, 22/03/2013 11:49

Giải mã cổ phiếu khoáng sản tăng trần

Thông tin dự án mỏ đa kim Núi Pháo (Đại Từ, Thái Nguyên) sẽ hoàn thành và đi vào sản xuất khoảng trung tuần tháng 4 được công bố vào sáng 21/03 ngay lập tức kéo cổ phiếu MSN (chủ sở hữu dự án) tăng kịch trần (8,000 đồng) lên 128,000 đồng/cp, nhờ đó VN-Index đóng cửa tăng gần 5 điểm, giữ được mốc 490 điểm.

Theo ước tính của Tập đoàn Masan (HOSE: MSN), khi đi vào sản xuất, Núi Pháo sẽ tạo ra doanh thu khoảng 400-500 triệu USD; lợi nhuận trước thuế, lãi và khấu hao khoảng 250-300 triệu USD mỗi năm. Đây thực sự là những con số đánh mơ ước cho cổ đông và nhà đầu tư khi nắm giữ cổ phiếu này.

Cũng trong ngày, cổ phiếu HGM của CTCP Cơ khí & Khoáng sản Hà Giang tăng hết biên độ 10% lên 110,000 đồng/cp, trở thành cổ phiếu có mức giá cao nhất trên sàn HNX. Cổ phiếu TVD của CTCP Than Vàng Danh – Vinacomin cũng bất ngờ tăng trần với lực mua áp đảo lên mức 11,100 đồng/cp nhờ những thông tin về hoạt động kinh doanh khả quan.

Hoặc như KSA của CTCP Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (HOSE: KSA) có 4 phiên tăng trần ở tuần trước ngay trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2013 nhờ thông tin trúng thầu thi công gói thầu các công trình thủy công và san lấp mặt bằng Phần I- Giai đoạn I thuộc dự án Khu Đô thị Du Lịch Biển Cần giờ trị giá 130 tỷ đồng. Đồng thời công ty cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2013 khá lạc quan so với nhiều doanh nghiệp khác.

Tình hình kinh doanh và kế hoạch của các doanh nghiệp khoáng sản

Đvt: tỷ đồng

Nguồn: VietstockFinance

Cổ phiếu DHM của CTCP Thương mại & Khai thác Khoáng sản Dương Hiếu cũng từng có chuỗi tăng giá hơn 20% vào đầu tháng 3, sau khi chạm đáy 12,500 đồng/cp vào ngày 05/03. Trước đó, cổ phiếu này cũng có đợt tăng giá mạnh theo xu hướng của thị trường.

Nhiều cổ phiếu khoáng sản khác như BMC, NNC, NBC, BKC, TCSTHT… thi thoảng cũng có những đợt tăng giá khá mạnh thu hút sự quan tâm đặc biệt của thị trường, đặc biệt là những nhà đầu cơ, lướt sóng. Hầu hết các doanh nghiệp này đều đã có một năm 2012 khá thành công.

HGM năm 2012 dù lợi nhuận có giảm nhẹ so với năm 2011, nhưng khoản lãi trước thuế gần 150 tỷ đồng đã vượt xa kế hoạch cả năm ở mức 104 tỷ đồng. Với lợi nhuận sau thuế đạt trên 138 tỷ đồng, HĐQT dự kiến trình ĐHĐCĐ thường niên sắp tới thông qua mức chia cổ tức khủng lên đến 100% bằng tiền mặt, tương đương 63 tỷ đồng, cao hơn 20% so với năm 2011.

Công ty còn dự kiến trích 69 tỷ đồng cho quỹ đầu tư phát triển; 11 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng, phúc lợi; khoảng 2.3 tỷ đồng thưởng vượt kế hoạch cho HĐQT… Tuy nhiên, do nhận định tình hình kinh tế 2013 còn nhiều khó khăn nên HĐQT công ty dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch năm 2013 với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức khiêm tốn là 75.6 tỷ đồng và cổ tức tối thiểu 50%. Tuy nhiên, với việc đề ra kế hoạch tìm kiếm các cơ hội đầu tư mua lại các mỏ khoáng sản hoặc cổ phần của các công ty khoáng sản sẽ giúp HGM đón đầu khi nền kinh tế phục hồi, đồng thời đa dạng hóa cơ cấu nguồn thu đang phụ thuộc phần lớn vào sản phẩm Antimony.

Với TVD, dù kết quả kinh doanh 2012 chỉ đạt hơn ½ kế hoạch năm với gần 77 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 57.5 tỷ đồng lợi nhuận nhuận sau thuế, nhưng các chỉ tiêu này lại bất ngờ tăng mạnh gấp 5 lần số liệu trước kiểm toán khiến giá cổ phiếu quay đầu bứt phá mạnh.

Trong khi đó, KSA vừa trúng thầu dự án với giá trị lớn, đồng thời vừa được ĐHĐCĐ thường niên thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2013 với doanh thu gần 468 tỷ đồng, gấp 9 lần năm 2012 và lợi nhuận sau thuế hơn 42 tỷ đồng, gấp gần 4 lần khiến cổ đông và nhà đầu tư phần nào yên tâm về sự tăng trưởng của cổ phiếu này.

DHM dù chỉ vừa niêm yết cổ phiếu lần đầu vào cuối tháng 7/2012, nhưng cuối năm này công ty thông báo kết quả kinh doanh đột biến so với các năm trước. Cụ thể, DHM đạt trên 55.54 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và xấp xỉ 46 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp vài chục lần năm 2010 và 2011. Ngày 20/03 vừa qua, ĐHĐCĐ thường niên của DHM đã quyết định dành 24 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức 2012 tỷ lệ 15% cho cổ đông. Trong kế hoạch 2013, công ty dự kiến đạt tối đa 500 tỷ đồng doanh thu và 40 tỷ đồng lợi nhuận. Đồng thời công ty còn dự kiến đầu tư hàng loạt dự án tại Quảng Nam, Đà Nẵng và Hải Phòng với giá trị lớn.

Trường hợp của BMC và NNC, đây là hai cổ phiếu khoáng sản có thị giá lớn nhất tại sàn HOSE. Kết quả kinh doanh khả quan đã giúp hai cổ phiếu này tăng giá mạnh trong suốt năm 2012 cũng như từ đầu năm 2013 đến nay bất chấp diễn biến hết sức èo uột của thị trường. Ngày 20/03 vừa qua, BMC đạt mức giá 61,000 đồng/cp, tăng gần 40% so với trước đó 3 tháng và tăng hơn 100% trong vòng 1 năm.

Việc cho phép xuất khẩu Titan và các sản phẩm từ titan giúp BMC có lợi nhuận tăng đột biến trong hai năm liên tục. Năm 2012, lợi nhuận dù giảm nhẹ so với năm trước nhưng BMC vẫn vượt 12% kế hoạch năm khi đạt lợi nhuận trước thuế 112 tỷ đồng và lãi sau thuế 86.5 tỷ đồng. Mới đây, công ty còn được phép xuất khẩu 34,000 tấn tinh quặng Ilmenite tồn kho giúp lợi nhuận dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2013.

NNC của CTCP Đá Núi Nhỏ cũng tăng giá gần 24% trong vòng 3 tháng trở lại đây và đạt 45,000 đồng/cp (21/03) và tăng hơn 50% trong vòng 1 năm. Lợi nhuận sau thuế của NNC luôn duy trì ở mức xấp xỉ 80 tỷ đồng suốt từ 2009 đến nay. Năm 2012, NNC đạt gần 95 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 15% kế hoạch và 77.65 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt gần 27%.

Năm 2012, công ty chia cổ tức lên đến 70% cao hơn năm trước 20%. Công ty đã tạm ứng hai đợt với tỷ lệ 43% cho cổ đông và sẽ chia tiếp 27% còn lại vào ngày 15/04 tới. Theo tờ trình về kế hoạch kinh doanh năm 2013, NNC đề ra chỉ tiêu thận trọng với doanh thu đạt hơn 289 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 56 tỷ đồng, giảm đáng kể so với năm 2012 do lo ngại về các khoản chi phí điện, thuốc nổ, nhân công, vật tư thay thế… sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Tuy vậy, công ty vẫn dự kiến chi trả cổ tức từ 55-70% cho cổ đông. Do vậy, giá cổ phiếu NNC trên thị trường vẫn ổn định và duy trì ở mức cao.

Viết Vinh (Vietstock)

ffn

Các tin tức khác

>   HOT: 28/03 GDKHQ nhận cổ tức tiền mặt 17.04% mệnh giá (22/03/2013)

>   Áp dụng chế độ kế toán riêng cho CTCK (22/03/2013)

>   HLD không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (22/03/2013)

>   SDP: Thư mời ĐHCĐ thường niên năm 2013 (22/03/2013)

>   PFL vào diện cảnh báo từ 22/03 (22/03/2013)

>   SSG: Cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo (22/03/2013)

>   SSG không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (22/03/2013)

>   VCR: Cổ phiếu vào diện bị cảnh báo (22/03/2013)

>   VTL vào diện bị cảnh báo (22/03/2013)

>   Mở room sẽ hạn chế tình trạng lạm quyền tại DN (22/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật