Thứ Tư, 20/03/2013 09:50

Doanh nghiệp lớn chạy đua vào Myanmar

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang rốt ráo tìm cách thâm nhập thị trường Myanmar. Và, những cảnh báo sớm về các khó khăn cũng đã xuất hiện.

Hấp dẫn bất động sản

Với kinh nghiệm nhất định tại thị trường của nhiều quốc gia mới phát triển, không có gì đáng ngạc nhiên khi C.T Group là một trong những doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên xâm nhập vào Myanmar.

C.T Group đã thành lập văn phòng đại diện và Công ty C.T Myanmar tại thành phố Yangon. Đây sẽ là cơ sở cho các hoạt động thương mại và triển khai các dự án của C.T Group với tổng vốn đầu tư có thể lên đến 150 triệu USD tại đây. Những thông tin từ C.T Group cho thấy, họ đang hoàn thiện các vấn đề về pháp lý với đối tác cũng như với phía chính quyền của Thành phố theo Luật Đầu tư nước ngoài của Myanmar đã được Tổng thống Thein Sein phê chuẩn vào cuối năm 2012, chuẩn bị các hạng mục về thiết kế, xây dựng hai dự án lớn.

Dự án thứ nhất là xây dựng Khu cao ốc phức hợp CT Damasayti Landmark 30 tầng (chưa bao gồm tầng hầm) trên diện tích 6.000 m2, gồm trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn, căn hộ cao cấp... Dự án thứ hai là xây dựng Khu cao ốc phức hợp CT Yankin Plaza, 30 tầng (chưa kể tầng hầm) trên diện tích đất 8.000 m2.

Cả hai dự án này đều được dự kiến triển khai vào quý III/2013 và hoàn thành vào quý III/2015.

Trong cuộc đua dành chỗ tại thị trường này, đại gia nhanh chân không kém là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Tập đoàn này không chỉ là nhà đầu tư Việt Nam đầu tiên rót vốn vào lĩnh vực khách sạn và du lịch, mà còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, chiếm 26% tổng vốn FDI vào lĩnh vực khách sạn và trung tâm thương mại của Myanmar.

Tận dụng lợi thế riêng, Hoàng Anh Gia Lai đang tích cực rót vốn vào khách sạn ở Myanmar.

Được biết, dự án Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Centre bao gồm khách sạn quốc tế 5 sao với hơn 400 phòng, trong đó, hạng mục khách sạn và căn hộ dịch vụ tọa lạc ngay khu trung tâm Yangon sẽ đáp ứng nhu cầu của du khách quốc tế, bao gồm cả khách du lịch và những nhà đầu tư đang ngày càng tăng cao tại đây.

Khi trao đổi với báo chí, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai khẳng định sẽ dốc toàn lực xây khu phức hợp này với niềm tin, nếu nhanh chân có thể hái tỷ USD khi thị trường địa ốc Myanmar nóng lên trong 5 năm tới.

Nỗi lo chậm chân và rủi ro bong bóng

Cùng với bất động sản, các lĩnh vực phân phối, bán lẻ, sản xuất… cũng đang là đích ngắm của nhiều doanh nghiệp Việt tới vùng đất mới đầy tiềm năng.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) hay Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn FPT… đang ráo riết triển khai các dự án tại Myanmar

Ngay cả C.T Group, mặc dù dồn lực cho các dự án bất động sản, song cũng đang nỗ lực xây dựng hệ thống phân phối tại Myanmar dưới phương thức kênh phân phối truyền thống (bán hàng vào các cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống và chợ đầu mối) và theo phương thức phân phối hiện đại (TV shopping, Internet...).

Trong thời gian tới, C.T Group cũng lên kế hoạch tiếp tục xây dựng nhà máy sản xuất bột mỳ và mỳ ăn liền tại Khu công nghiệp Shwe Lin Pan II, thị trấn Hlangthar Yar, Yangon với công suất 90.000 tấn bột/năm, trên diện tích 3 ha, sẽ đi vào hoạt động vào quý I/2014. Nhà máy sản xuất mỳ gói công suất 2.500 tấn/năm, dự kiến đi vào hoạt động vào quý IV/2013.

Tuy nhiên, nỗi lo đi chậm vẫn hiển hiện, nhất là so với tốc độ chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp Trung Quốc, Thái Lan sau khi Luật Đầu tư nước ngoài của Myanmar có hiệu lực. Thực tế, Trung Quốc đã nhòm ngó thị trường này từ rất lâu, trong khi Thái Lan thực sự đã trở thành một nhà xuất khẩu chính tại Myanmar.

Cũng phải nói thêm, sự chậm chân này còn đang bị đe dọa bởi những bong bóng đang dần được hình thành, bởi chính cuộc đua của các doanh nghiệp tới vùng đất mới. Ông Trần Kim Chung, Chủ tịch HĐQT C.T Group khẳng định, khả năng tạo bong bóng khi đầu tư, kinh doanh vào một thị trường nóng sốt nhất hiện nay là hoàn toàn có thể. “Không chỉ riêng bất động sản, mà những hoạt động tài chính khác cũng đang rơi vào tình trạng bong bóng, vì giá trị thực bị đẩy lên quá cao, do đó, các nhà đầu tư phải tỉnh táo và thận trọng khi đầu tư vào thị trường này”, ông Chung cảnh báo.

Với tư cách là đầu mối giúp các thương hiệu Việt Nam vào thị trường Myanmar và là nhà phân phối độc quyền cho hơn 50 tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường này, ông Chung khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam đang có lợi thế ở những lĩnh vực như hàng tiêu dùng, trang thiết bị máy móc, vật liệu xây dựng, trao đổi nông sản phẩm, xây dựng cơ sở hạ tầng. Đây cũng là lĩnh vực thị trường này đang cần.

Thêm một thách thức khác mà doanh nghiệp Việt cần để tâm khi chọn đầu tư Myanmar, đó là nền tảng pháp lý chưa đầy đủ, cơ sở hạ tầng yếu kém...

Anh Hoa - Thanh Tân

Báo đầu tư

Các tin tức khác

>   Tín hiệu từ chuyến thăm dự kiến của sếp Google tới Myanmar (18/03/2013)

>   Đẩy mạnh xúc tiến thị trường Myanmar, Campuchia và Lào (13/03/2013)

>   Pháp hỗ trợ Campuchia phát triển kinh tế và xã hội (12/03/2013)

>   Campuchia vừa thông qua kế hoạch tăng trưởng xanh (01/03/2013)

>   Đẩy mạnh liên kết trồng cao su ở Lào và Campuchia (21/02/2013)

>   Mỹ đẩy mạnh đầu tư và thương mại với Myanmar (20/02/2013)

>   GDP Campuchia dự kiến tiếp tục tăng trưởng trên 7% (20/02/2013)

>   WB đánh giá kinh tế Myanmar “có tiềm năng to lớn” (16/02/2013)

>   Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Lào (13/02/2013)

>   Nhật Bản và Myanmar thảo luận về hợp tác kinh tế (05/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật