Đánh thuế tiết kiệm, phá giá VNĐ: Vội quên lãi suất cao?
Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (Horea) vừa có kiến nghị đánh thuế thu nhập những khoản tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên. Mới đây, một số chuyên gia cùng nêu yêu cầu phải phá giá VNĐ. Cả hai cùng có một điểm chung cần xét đến: lãi suất.
Việc thực thi những kiến nghị này có thể làm tăng lãi suất trên thị trường
|
Sau bài viết “Phá giá VNĐ: 5 cái giá phải trả”, người viết nhận được cuộc gọi của một bạn đọc, là chuyên viên phân tích tài chính, góp ý rằng: vẫn còn một điểm quan trọng nữa cần đặt ra xem xét, liên quan đến lãi suất.
Theo quan điểm của bạn đọc này, các chuyên gia đưa ra khuyến nghị cần phá giá VNĐ ngay, thậm chí các bước khá mạnh, dường như bị rơi vào tình huống “tham bát, bỏ mâm”. Bởi lẽ, cùng với lợi ích là hỗ trợ cho xuất khẩu, thì 5 cái giá phải trả đó liên quan đến lợi ích chung; và một cái giá chung nữa là lãi suất sẽ đội lên.
Cụ thể, khi phá giá VNĐ khá mạnh như khuyến nghị, tác động ngược là nhập khẩu lạm phát. Nguy cơ lạm phát cao trở lại sẽ có thêm “cú hích”. Để chống lạm phát cao, một giải pháp kinh điển và quen thuộc tại Việt Nam những năm qua là tăng lãi suất.
“Như vậy, để hỗ trợ xuất khẩu thì phá giá VNĐ. Song, lại kích thích lạm phát cao, lãi suất lại tăng lên. Lãi suất tăng lên là gánh nặng chung của cả nền kinh tế, trong đó có cả các doanh nghiệp xuất khẩu. Nếu phá giá thì ít nhất lúc này nó càng đẩy xa cơ hội lãi suất có thể giảm tiếp. Ở đây chính xuất khẩu cũng bị thiệt”, chuyên viên trên lập luận.
Về những khuyến nghị đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chính thức có ý kiến, với định hướng không phá giá VNĐ lúc này, cũng như tiếp tục giữ ổn định tỷ giá USD/VNĐ trong thời gian tới.
Những ngày qua, dư luận lại xáo động trước kiến nghị đánh thuế thu nhập những khoản tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên của Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (Horea).
Dĩ nhiên, Horea có mục đích, cơ sở và những lập luận khi đưa ra kiến nghị đó. Đây cũng là thông tin có nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc của VnEconomy với những góc nhìn khác nhau.
Một số ý kiến cho rằng, việc so sánh hoạt động gửi tiền tại Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới, như Mỹ, là quá khập khiễng. Việt Nam có những đặc thù, nổi bật là thường xuyên trong tình trạng lãi suất cao và lạm phát cao (có những năm được xếp vào hàng đầu thế giới).
Một số ý kiến khác nêu quan ngại, khi tiền gửi tiết kiệm (dĩ nhiên là với mức từ 500 triệu đồng trở lên) bị đánh thuế thu nhập, dòng vốn có thể rời bỏ ngân hàng, tìm đến vàng và “đô”. Nếu vậy, sự dịch chuyển này dễ gây những xáo trộn bất lợi về vĩ mô và khó kiếm soát…
Hay ở một suy luận khác, giả sử đánh thuế, việc giám sát và thực tế có khả thi không? Vì chỉ cần bớt đi 1 triệu đồng, khoản tiết kiệm 499 triệu đồng đã né được thuế; hoặc chia nhỏ khoản gửi đứng tên người thân trong gia đình…
Trong khi đó, nếu người dân quan ngại gửi tiền, dòng vốn có dịch chuyển như giả thiết trên, phản ứng của các nhà băng thường thấy sẽ là tăng lãi suất để thu hút tiền gửi, lãi suất cho vay lại dâng cao.
Cả hai kiến nghị phá giá VNĐ và đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, nếu thực thi đều có thể tạo áp lực đẩy lãi suất trên thị trường. Câu hỏi là: nhiều năm qua các doanh nghiệp, người dân vay vốn phải gồng mình với lãi suất cỡ 18 - 25%/năm, mới hạ nhiệt được gần một năm qua mà nay các kiến nghị đó đã vội quên!?
Ở một phản ứng khác, trong cuộc gọi tới phóng viên, một bạn đọc lại so sánh cả kiến nghị phá giá VNĐ lẫn đánh thuế tiền gửi tiết kiệm với… đề xuất cấm lắp nắp kính trên quan tài, hạn chế vòng hoa tại các tang lễ công chức mà dư luận “nổi sóng” cuối năm vừa qua.
“Tôi thấy buồn trước những kiến nghị như vậy. Ở đây cá nhân tôi thì không có ý nghĩa gì khi nói nên hay không nên, mà cảm thấy người ta bí bách thế nào đó với tình hình kinh tế hiện nay khi đưa ra những kiến nghị này”, bạn đọc này nói, cũng như giải thích cho điểm chung trong so sánh của mình.
Minh Đức
tbktvn
|