Đại hội VFMVF1: Nóng với phân phối lợi nhuận, tháng 12 sẽ giao dịch quỹ mở
Sáng 21/03, Quỹ Đầu tư Chứng khoán Việt Nam (HOSE: VFMVF1) tổ chức Đại hội Nhà đầu tư thường niên năm 2013 nhằm thông qua chủ trương chuyển đổi từ quỹ đóng sang quỹ mở.
* 11h30: Đại hội thông qua chủ trương chuyển đổi quỹ mở
Đại hội thông qua báo cáo tài chính kiểm toán năm 2012, kết quả hoạt động năm 2012 của quỹ, phân chia lợi nhuận 2012 và kế hoạch 2013, ủy quyền Ban đại diện lựa chọn công ty kiểm toán, ngân sách hoạt động năm 2013 và các điều chỉnh, bổ sung điều lệ quỹ.
Cụ thể, VFMVF1 không chia cổ tức năm 2012. Ngân sách hoạt động của quỹ trong năm 2013 với chi phí cho ban đại diện năm 2013 dự kiến 972 triệu đồng, tăng 6.2% so với thực hiện năm 2012.
Đồng thời, nhà đầu tư thông qua chủ trương chuyển đổi quỹ mở và ủy quyền Ban đại diện Quỹ lên kế hoạch chi tiết. Để có thể chuyển đổi sang quỹ mở, VFMVF1 sẽ tổ chức đại hội bất thường và cần sự đồng ý của các nhà đầu tư chiếm tỷ lệ ít nhất 75% chứng chỉ quỹ đang lưu hành.
Ban đại diện quỹ có sự thay đổi nhưng vẫn là thành viên đến từ Dragon Capital: Ông Hoàng Kiên – Giám đốc danh mục đầu tư Dragon Capital từ nhiệm, bầu bổ sung ông Nguyễn Kiên Cường – Luật sư tư vấn cấp cao, Tư vấn pháp lý – Dragon Capital.
Như vậy, Ban đại diện của VFMVF1 bao gồm 6 thành viên sau:
- Ông Lưu Đức Khánh – Phó Chủ tịch Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP.HCM (HDBank)
- Bà Nguyễn Bội Hồng Lê – Trưởng phòng giao dịch CK Tổng công ty tài chính CP Dầu khí Việt Nam (PVF)
- Ông Phan Minh Tuấn – Giám đốc Dragon Capital Hà Nội
- Ông Lê Văn Phú – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Indovina
- Ông Đặng Thái Nguyên – Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Việt
- Ông Nguyễn Kiên Cường – Luật sư tư vấn cấp cao, Tư vấn pháp lý – Dragon Capital
10h20: Nóng trước vấn đề phân phối lợi nhuận
Đến phần thảo luận, một nhà đầu tư thắc mắc về việc phân chia lợi nhuận trong năm 2012 và đề xuất chia 10% cổ tức năm 2012 do năm vừa rồi quỹ vẫn có lãi.
Ông Trần Thanh Tân, Tổng Giám đốc VFM cho biết, VFMVF1 hoàn toàn thực thi theo quy định của pháp luật, do quỹ còn lỗ lũy kế nên không chia cổ tức năm 2012. Do đó, đề xuất này không đúng về pháp lý nên không thể xem xét được. Đại diện Ngân hàng giám sát Vietcombank (VCB) cũng cho biết, căn cứ Luật Doanh nghiệp, khi công ty bù đắp đủ lỗ các năm trước thì mới được chia cổ tức.
Phần trả lời của ông Trần Thanh Tân không được nhà đầu tư chấp thuận. Đại hội tiếp tục nóng về vấn đề phân chia lợi nhuận năm 2012.
Đại diện của VFMVF1 cho biết khoản lãi của quỹ là khoản lời do đánh giá lại sổ sách nên mới đạt 221 tỷ đồng. Đây là lợi nhuận chưa thực hiện nên chưa có tiền thật. Chỉ khi nào VFMVF1 bán danh mục ra thật thì quỹ mới có lãi thực.
VFMVF1 cho biết do tình hình thị trường thay đổi nhiều nên Ban đại diện đã thay đổi chủ trương đóng quỹ và đề xuất chuyển sang quỹ mở. Đồng thời, VFMVF1 sẽ chọn thời điểm có lợi cho nhà đầu tư và có thời gian để thanh hoán tốt nhất danh mục đầu tư của quỹ.
Một nhà đầu tư nước ngoài lo tính thanh khoản của thị trường, trong khi VFMVF1 đang giữ 20% tiền mặt. Do đó, nhà đầu tư đề xuất không nắm giữ quá nhiều tiền mặt trong danh mục đầu tư của quỹ khi thị trường đang xuống đáy, nên mua và nắm giữ cổ phiếu.
Đại diện quỹ VFMVF1 cho biết, quỹ đang cần tích lũy tiền mặt cho các lộ trình sắp tới. Đặc biệt, tiền mặt của quỹ chủ yếu được chuyển từ các tài sản kém thanh khoản sang. VFMVF1 nhấn mạnh tiền mặt này sẽ được sử dụng linh hoạt cho việc đầu tư nhưng vẫn duy trì ở mức an toàn.
Xoay quanh vấn đề tính thuế như thế nào khi đóng quỹ. Ông Phan Minh Tuấn – Giám đốc Dragon Capital Hà Nội đồng thời là thành viên Ban đại diện quỹ cho biết, những quy định liên quan đến xử lý thuế cho đóng quỹ khi giải thể quỹ vẫn chưa rõ ràng. Do đó, việc tính thuế khi đóng quỹ vẫn tiếp tục đợi hướng dẫn của BTC. "Vì vậy, khi VFMVF1 chuyển đổi thành quỹ mở, ai muốn duy trì quỹ mở thì tiếp tục ở lại, ai muốn rút tiền thì sẽ bán chứng chỉ quỹ như những giao dịch mua bán bình thường", ông Tuấn nhấn mạnh.
Tháng 12 sẽ giao dịch quỹ mở?
10h10: Ông Trần Lê Minh, Phó Tổng giám đốc VFM (đơn vị quản lý VFMVF1) cho biết, nếu việc chuyển đổi sang quỹ mở thông qua, VFMVF1 sẽ cân nhắc và thu thập các thông tin cho quá trình chuyển đổi của quỹ.
Cụ thể, từ tháng 3-6/2013, VFMVF1 sẽ chuẩn bị phương án chuyển đổi sang quỹ mở.
Cuối tháng 6/2013 sẽ tổ chức Đại hội bất thường để thông qua việc chuyển đổi quỹ mở.
Dự kiến đến tháng 12/2013 sẽ giao dịch chứng chỉ quỹ mở của VFMVF1. Nếu nhà đầu tư nào muốn rút tiền thì có thể rút ngay trong năm 2013 và không phải chờ đến khi quỹ đáo hạn.
9h10: Khai mạc đại hội
Đại hội có sự tham gia của 75 nhà đầu tư, chiếm tỷ lệ 61.36% cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Hình ảnh tại Đại hội nhà đầu tư VFMVF1
|
Trước thềm đại hội
Ban Đại diện quỹ VFMVF1 sẽ trình Đại hội thông qua việc chuyển đổi quỹ đóng thành quỹ mở do thời gian đáo hạn của quỹ dưới hình thức quỹ công chúng dạng đóng vào cuối quý 2/2014.
Về kế hoạch năm 2013, Quỹ sẽ tập trung váo các công ty có vốn hóa lớn trên thị trường, nền tảng cơ bản tốt, là doanh nghiệp có uy tín và giữ vai trò đầu tàu của ngành. Bên cạnh đó, VFMVF1 cũng tiếp tục tìm kiếm cơ hội thanh hoán các khoản đầu tư kém thanh khoản, các cổ phiếu chưa niêm yết. Ngoài ra, để chuẩn bị cho định hướng về hoạt động của quỹ theo quyết định của Đại hội nhà đầu tư, Quỹ sẽ duy trì tỷ lệ tiền mặt khả dụng ở mức an toàn.
Được biết, tại thời điểm 31/12/2013, giá trị tài sản ròng (N.A.V) của VFMVF1 đạt 1,520 tỷ đồng, tương đương 15,201 đồng/ccq, tăng 17.1% so với đầu năm 2012. Tỷ lệ chiết khấu giữa thị giá giao dịch và giá trị tài sản ròng trên một đơn vị chứng chỉ quỹ của VFMVF1 đã tăng từ mức 51% của đầu năm lên 30% tại thời điểm cuối năm 2012 và mức chiết khấu bình quân năm dao động ở mức 44%.
Phân bổ tài sản trong năm 2012 của VFMVF1 bao gồm cổ phiếu niêm yết chiếm tỷ trọng 72.2% N.A.V, cổ phiếu chưa niêm yết chiếm 5.2% N.A.V, trái phiếu chiếm 1.9% N.A.V và tiền mặt khả dụng chiếm 20.7% N.A.V.
Trong năm 2012, VFMVF1 ghi nhận mức lãi ròng 221.7 tỷ đồng. Khoản lãi từ hoạt động đầu tư của VFMVF1 đạt 237.3 tỷ đồng, bao gồm mức lãi từ đánh giá lại chứng khoán chưa thực hiện vào cuối năm là 453.4 tỷ đồng, cổ tức nhận được 87.8 tỷ đồng và khoản lỗ thực hiện là 303.9 tỷ đồng do được tính toán dựa trên giá trị thanh toán trong năm 2012 so với giá vốn lũy kế của các cổ phiếu được thanh hoán. Nếu xét trong năm 2012, hoạt động thanh lý các cổ phiếu trên đã đem lại cho quỹ thặng dư 35 tỷ đồng so với việc tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu đó đến 31/12/2012.
Lợi nhuận chưa phân phối của VFMVF1 đến 31/12/2012 âm hơn 704 tỷ đồng.
Do trong năm 2012 vẫn còn lỗ lũy kế nên Ban đại diện quỹ đề xuất không phân phối lợi nhuận năm 2012.
Minh Hằng (Vietstock)
Ffn
|