Chuyển nhượng vốn: Kẻ cười, người khóc!
Cùng là thoái vốn nhưng “thế bán” của mỗi DN lại khác nhau. Tất cả phụ thuộc vào “chất lượng” tài sản DN đang nắm giữ
Cắt “cục nợ”…
Sáng 11/3, ĐHCĐ bất thường của CTCP Địa ốc 11 đã diễn ra tại TP. HCM tại TP. HCM. Theo thông tin công bố từ Công ty thì ĐHCĐ đã đồng ý với kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ 40% vốn mà D11 đã góp vào Công ty TNHH Bất động sản Đại Hưng Phú. D11 dự kiến sẽ thu về 140 tỷ đồng, bằng với số tiền mà Công ty đã góp vào Đại Hưng Phú cách đây gần 4 năm.
Theo Bản cáo bạch, tháng 9/2009, Công ty TNHH Bất động sản Đại Hưng Phú được thành lập nhằm mục đích triển khai Dự án Khu nhà ở trên diện tích khoảng 1,75 héc-ta tại Lô số 6, Khu đô thị Phát triển An Phú, quận 2, TP. HCM. Giá trị góp vốn của D11 vào công ty này là 140 tỷ đồng, tương đương 40% vốn, được thực hiện dưới hình thức góp quyền sử dụng đất. Theo chứng thư thẩm định giá thì giá trị quyền sử dụng khu đất trên là 331,7 tỷ đồng. Chênh lệch giữa giá trị quyền sử dụng đất với giá trị vốn góp là 191,78 tỷ đồng sẽ được hoàn trả cho D11 (tuy nhiên, BCTC kiểm toán năm 2011 của D11 chưa ghi nhận số tiền này).
Dự án City Horse, gọi theo Báo cáo thường niên 2011 là Lexington Quận 2 dự kiến sẽ được xây dựng trên khu đất An Phú, Quận 2. Đây là dự án căn hộ - trung tâm thương mại, đang trong giai đoạn điều chỉnh quy hoạch, với 20 - 25 tầng, ước tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, việc xây dựng bắt đầu từ năm 2011 và đến 2013 - 2014 sẽ bàn giao nhà. Bản cáo bạch cũng cho biết, Dự án ước mang về gần 190 tỷ đồng lợi nhuận.
Tuy nhiên, việc triển khai Dự án đã bị chậm trễ và tình trạng chậm trễ dự báo sẽ còn kéo dài, ảnh hưởng không thuận lợi đến hoạt động kinh doanh của D11. Đây là một trong những lý do để D11 quyết chuyển nhượng vốn góp tại Đại Phú Hưng, để có vốn duy trì hoạt động Công ty và tiếp tục đầu tư các dự án dang dở. Theo phương án mà D11 vạch ra, nếu chuyển nhượng thành công, việc phân bổ vốn sẽ là dành 10 tỷ đồng cho hoạt động trả cổ tức, 40 tỷ đồng cho Dự án 7A Thoại Ngọc Hầu, 40 tỷ đồng cho Dự án 205 Lạc Long Quân và 20 tỷ đồng cho Dự án Phú Mỹ, quận 7…
D11 dự kiến sẽ thực hiện chuyển nhượng vốn theo hình thức đấu giá công khai. Nhưng theo giới quan sát, trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm và không riêng D11 muốn chuyển nhượng vốn góp, rất khó tìm được người chịu bỏ số tiền hàng trăm tỷ đồng để mua lại cổ phần ở Đại Hưng Phú. Chưa kể, Dự án City Horse mà Đại Hưng Phú được thành lập để triển khai hiện chỉ mới dừng ở giai đoạn bổ sung thủ tục.
…và chốt lời
Nếu D11 còn băn khoăn tìm người nhận chuyển nhượng vốn góp thì CTCP Đại lý Liên hiệp vận chuyển (GMD) lại khác. Ngày 31/1/2013, GMD đã chính thức hoàn tất giao dịch chuyển nhượng hơn 2 triệu cổ phần ở CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo (Vinhhao) cho một đối tác không được tiết lộ. Tuy nhiên, căn cứ vào thông tin Masan mua vào cổ phiếu Vĩnh Hảo đúng bằng số cổ phiếu mà GMD bán đi cùng thời điểm, nhiều khả năng đối tác ấy là Masan. Masan đã chi 85.000 đồng cho 1 cổ phiếu Vĩnh Hảo. Tính ra, GMD lãi gần 140 tỷ đồng từ khoản đầu tư này.
Khoản đầu tư vào Vĩnh Hảo của GMD mang lại khoản lãi gần 140 tỷ đồng
|
GMD đã đầu tư và trở thành cổ đông lớn nhất ở Vĩnh Hảo từ năm 2010. Đây là khoản đầu tư tài chính thuần túy và với việc “chọn mặt gửi tiền” đúng đắn, khoản đầu tư đã sinh lời gấp 4 lần so với giá trị ban đầu.
Thực tế, Vĩnh Hảo là thương hiệu nước khoáng nổi tiếng, hoạt động trong ngành thực phẩm - đồ uống rất hấp dẫn hiện nay. Về phần kinh doanh, tuy lợi nhuận năm 2011 và năm 2012 của Vĩnh Hảo còn ở mức khiêm tốn vài chục tỷ đồng/năm, nhưng căn cứ trên quy mô vốn 81 tỷ đồng và mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2011 đạt 75%, đây là kết quả khả quan. Tập đoàn Masan đã nhìn thấy ở Vĩnh Hảo nhiều tiềm năng nên sẵn sàng trả giá cao để giành quyền mua lại cổ phần Vĩnh Hảo từ GMD.
Rõ ràng, không phải thời điểm mà chính chất lượng tài sản mới là yếu tố giúp DN thuận lợi hay khó khăn trong các kế hoạch thoái vốn.
Ngọc Thủy
đầu tư chứng khoán
|