Thứ Sáu, 29/03/2013 19:09

Chứng khoán Tuần 25 – 29/03: Hoạt động ”mua khi tin xấu xuất hiện” đã trở lại?

Hoạt động ”mua khi tin xấu xuất hiện” được kích hoạt trở lại trước cú sốc tăng giá xăng dầu. Tuy vậy, sự thận trọng vẫn bao trùm khi thanh khoản trên cả hai sàn tiếp tục đứng ở mức thấp.

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 25 – 29.03.2013

Giao dịch: Tính tổng cộng tuầnqua, VN-Index tăng nhẹ 0.21% lên 491.04 điểm, HNX-Index giảm 1.12% đứng tại 60.25 điểm, VS 100 giảm 0.32% đang ở 74.28 điểm và VN30 giảm 0.46 % xuống 552.28 điểm.

Các chỉ số Market Cap đều giảm điểm trong tuần qua. Theo đó, VS-Large Cap có mức giảm thấp nhất với 0.25%, tiếp theo là VS-Small Cap giảm 0.74%, VS-Micro Cap giảm 1.07% và VS-Mid Cap giảm 1.14%.

Sự thận trọng gia tăng khiến thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm mạnh trong tuần qua. Tổng khối lượng khớp lệnh trên HOSE đã giảm mạnh 18.6% so với tuần giao dịch trước; trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh giảm 8.4%.

Thông tin giảm mạnh các lãi suất điều hành lan tỏa đã giúp thị trường mở cửa tuần giao dịch với sắc xanh, nhờ sự trợ lực rất lớn từ nhóm cổ phiếu Large Cap.

Tuy vậy, đà tăng của thị trường không thực sự mạnh do: (i) thông tin lãi suất không khiến giới đầu tư hào hứng, khi khả năng tiếp cận vốn vay thực sự và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện, (ii) sự điều chỉnh khá mạnh ở một số cổ phiếu chủ chốt, và (iii) mức độ hưởng ứng đà tăng của dòng tiền là khá yếu.

Do đó, không quá bất ngờ khi thị trường nhanh chóng quay đầu giảm điểm trở lại trong những phiên giao dịch tiếp theo.

Kịch bản giao dịch giằng co (tăng – giảm xen kẽ các phiên giao dịch trong biên độ hẹp) tiếp tục diễn ra trong các phiên giao dịch trong tuần. Kịch bản nâng đỡ các mã vốn hoá lớn để thị trường giữ mốc 490 điểm thường xuyên hơn đã khiến giới đầu tư gia tăng sự thận trọng và giảm mạnh giao dịch.

Phiên giao dịch cuối tuần, thị trường bất ngờ đón nhận thông tin tăng giá xăng lên thêm hơn 1,400 đồng/lít lên mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Cú sốc này đã khiến bên bán tỏ ra khá hoang mang và đẩy mạnh thoát hàng ở mức giá thấp. Như thường lệ, hoạt động ”mua khi tin xấu xuất hiện” được kích hoạt trở lại, và đã giúp VN-Index và HNX-Index hồi phục nhẹ về cuối phiên. Tuy vậy, sự thận trọng vẫn bao trùm khi thanh khoản trên cả hai sàn tiếp tục đứng ở mức thấp.

Nhà đầu tư nước ngoài: Khối ngoại tiếp tục duy trì mua ròng khá mạnh. Giao dịch của khối ngoại trọng tuần qua nhắm chủ yếu vào các cổ phiếu có mức vốn hoá lớn. Điều này đã có những ảnh hưởng nhất định đến chỉ số VN-Index trong tuần qua.

Thống kê cho thấy tuần qua, khối ngoại đã mua ròng gần 252 tỷ đồng trên HOSE. Họ mua ròng mạnh ở GAS (66.8 tỷ đồng), HPG (44.4 tỷ đồng), MSN (33.8 tỷ đồng), DPM (22.7 tỷ đồng).

Giao dịch bán ròng tập trung ở VIC với 28.9 tỷ đồng, tiếp đó là GMD (1 tỷ đồng), FDC (13 tỷ đồng) và SJS (5.1 tỷ đồng).

Trên HNX, khối ngoại mua ròng 13.2 tỷ đồng, chủ yếu ở PVS với 16.8 tỷ đồng, VCG với gần 7 tỷ đồng; trong khi bán ròng mạnh nhất VND với 8.5 tỷ đồng và KLS với 2.4 tỷ đồng.

Khối tự doanh CTCK: Trong tuần tính đến hết ngày 28/03 (Thứ Năm), khối tự doanh CTCK tiếp tục mua ròng với hơn 2.1 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị 12 tỷ đồng.

Hoạt động mua – bán của khối tự doanh trong tuần qua chủ yếu được thực hiện tại các cổ phiếu có thị giá lớn. Rất có thể khối tự doanh đã thực hiện trading ngắn hạn nhóm cổ phiếu này.

Theo đó, các CTCK bán ròng ngay phiên giao dịch đầu tuần với gần 0.92 triệu đơn vị, tương ứng với 98.9 tỷ đồng, giá bán trung bình của phiên giao dịch này là gần 72,000 đồng/cp.

Trong khi ngày 28/03, họ đã mua ròng gần 1.55 triệu cổ phiếu, tương ứng với 104 tỷ đồng. giá mua trung bình gần 66,000 đồng/cp.

Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành giảm điểm chiếm ưu thế trong tuần khi có 13/24 ngành giảm điểm. Trong đó, Xây dựng giảm điểm mạnh nhất với mức giảm 4.28%, tiếp theo là Chứng khoáng giảm 3.92% và Bất động sản giảm 3.14%.

Hai ngành nóng còn lại là Khai khoáng và Ngân hàng có mức giảm nhẹ lần lượt 1.11% và 0.70%.

Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là VHG với mức giảm 10.64%, OGC với 10.22%; trong khi không có cổ phiếu giảm điểm đáng chú ý trên HNX.

VHG giảm 10.64%. Mặc dù đón nhận thông tin lỗ quý thứ 7 liên tiếp nhưng VHG vẫn tăng khá mạnh trong thời gian qua.Do đó, nhiều khả năng việc giảm điểm mạnh trong tuần qua xuất phát chủ yếu từ áp lực chốt lời tăng mạnh ở cổ phiếu này.

Về cuối tuần, VHG đón nhận thông tin tích cực hơn khi HĐQT đề xuất chỉ tiêu doanh thu 2013 đạt 300 tỷ đồng và hoạt động có lãi, đồng thời giữ cho cổ phiếu còn được giao dịch trên sàn chứng khoán và sớm thoát diện kiểm soát từ quý 3/2013. Thông tin tích cực này đã giúp cổ phiếu VHG tăng trần trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần.

OGC giảm 10.22%. OGC giảm mạnh mặc dù không đón nhận thêm thông tin gì mới về tình hình hoạt động trong tuần qua. Nhiều khả năng việc giảm mạnh của OGC có thể xuất phát chủ yếu từ xu hướng thị trường kém khởi sắc, trong đó ngành Xây dựng và Bất động sản bị ảnh hưởng khá mạnh.

Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là GMD tăng 21.5% và PAC tăng 21.02%.

GMD tăng 21.5%. GMD tiếp tục tăng mạnh trong tuần qua xuất phát từ thông tin GMD đã chuyển nhượng tòa nhà Gemadept Tower trên đường Lê Thánh Tôn, Quận 1, TPHCM. Được biết, giá trị chuyển nhượng trên 45 triệu USD.

PAC tăng 21.02%. Mặc dù không đón nhận thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh trong tuần qua như PAC vẫn tiếp tục tăng mạnh. Điều này có thể xuất phát xu hướng đầu tư vào các công ty có cơ bản tốt diễn ra khá mạnh trong thời gian gần đây.

II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA

(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)

Phòng Nghiên cứu Vietstock

FFN

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật