Bước tiến của thị trường trái phiếu
Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam là thị trường trái phiếu phát triển nhanh nhất trong số các quốc gia mới nổi ở khu vực Đông Á trong năm 2012. Mức tăng trưởng thị trường trái phiếu của Việt Nam năm 2012 là 42,7% so với cuối năm 2011. Để tiếp tục nuôi dưỡng nguồn vốn này, góp phần đảm bảo chi tiêu công, cân đối thu chi ngân sách, Việt Nam cần có cơ chế, chính sách thông thoáng nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Lãnh đạo UBCKNN, KBNN chứng kiến phiên đấu thầu TPCP đầu năm 2013
|
Kênh dẫn vốn
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, thị trường trái phiếu đã có bước tiến rất lớn, không chỉ ở giá trị huy động vốn cho nền kinh tế mà còn ở quy mô, thể chế và phương thức vận hành. Và sự phát triển của thị trường trái phiếu có ý nghĩa rất lớn trong việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư không chỉ vào thị trường trái phiếu, mà đóng góp cho sự khởi sắc của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Cụ thể, năm 2012, hệ thống KBNN đã huy động được hơn 141.000 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch được giao. Kết quả này đã đánh dấu một bước chuyển mới, với tỷ lệ huy động vốn đạt cao nhất kể từ khi KBNN triển khai nghiệp vụ phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP).
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, năm 2012, lượng tiền tất cả các thành viên đổ vào TPCP trên thị trường sơ cấp gấp 1,5 lần tổng lượng tiền của năm 2009 - 2011.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 2-2013, KBNN đã huy động TPCP đạt tổng số 35.458 tỉ đồng, đạt 23,6% kế hoạch được giao. Riêng tháng 2, đã huy động ước đạt 8.740 tỉ đồng. Và trong tháng 3, đến thời điểm ngày 10-3, KBNN đã phát hành thành công 5.900 tỉ đồng trái phiếu, với lãi suất trúng thầu duy trì mức 8,3%/năm và 8,53%/năm, ở các kỳ hạn 2 và 3 năm.
Ngân hàng Chính sách Xã hội đã huy động được tổng cộng 1.400 tỷ đồng TPCP qua hình thức đấu thầu, trong đó riêng 2 tuần đầu của tháng 3 đã huy động được 700 tỷ đồng. Còn Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã huy động được tổng cộng 745 tỷ đồng.
|
Bộ Tài chính đã triển khai mạnh mẽ Đề án “Tái cơ cấu hàng hóa trên thị trường TPCP” với mục tiêu giảm bớt mã trái phiếu giao dịch trên thị trường; tăng quy mô niêm yết các mã trái phiếu; tăng khả năng thanh khoản cho TPCP trên thị trường nhằm từng bước hình thành các tổ chức tạo lập thị trường hỗ trợ cho thanh khoản thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Bộ Tài chính cũng cam kết sẽ thực hiện chính sách thuế, phí ưu đãi để khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường trái phiếu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác phát hành TPCP vẫn còn những hạn chế như: Lịch biểu phát hành bị điều chỉnh nhiều so với lịch biểu công bố ra thị trường; trái phiếu phát hành chỉ tập trung chủ yếu vào các kỳ hạn ngắn và trung bình, phiếu có kỳ hạn 10 năm phát hành khối lượng thấp, chưa có sản phẩm kỳ hạn trên 10 năm... Từ đó, VBMA đã đề xuất các biện pháp để thị trường TPCP tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2013 và các năm tiếp theo. Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần phát triển các sản phẩm giao dịch đa dạng hơn, tạo thêm cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể đầu tư và tăng thêm sự hỗ trợ nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro. Phát triển hệ thống các nhà đầu tư tổ chức cho thị trường trái phiếu vì bên cạnh các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm thì các nhà đầu tư trong tương lai trên thị trường trái phiếu cần mở rộng đến hệ thống quỹ thị trường tiền tệ, quỹ đầu tư trái phiếu, các quỹ hưu trí...
Tiếp thu những kiến nghị, đóng góp của thành viên thị trường, ngay từ đầu năm 2013, Bộ Tài chính công bố danh sách thành viên đấu thầu TPCP, với 36 thành viên đấu thầu và trên 50 thành viên giao dịch gồm các quỹ đầu tư tài chính, ngân hàng, công ty chứng khoán... Đây được coi là động thái của Bộ Tài chính nhằm thúc đẩy thị trường trái phiếu tiến tới chuyên môn hóa hoạt động giao dịch, hình thành hệ thống các tổ chức tạo lập thị trường.
Mở chính sách
VBMA đã tích cực trong các hoạt động phát triển thị trường. Đó là, xây dựng các bộ tài liệu chuẩn hóa thị trường như các Quy ước thị trường, Đạo đức nghề nghiệp áp dụng cho các giao dịch viên trái phiếu, Cẩm nang hoạt động tác nghiệp trong hoạt động kinh doanh trái phiếu; từng bước triển khai thỏa thuận của các nhà tạo lập thị trường trái phiếu thứ cấp và cung cấp cho thành viên các giá trái phiếu tham chiếu của nhiều thành viên tiên phong, năng động trên thị trường... Hiện VBMA đang từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu trái phiếu phục vụ thành viên thị trường, hoàn thiện và đăng tải thông tin trên website của Hiệp hội. Để phát huy vai trò cầu nối giữa thành viên thị trường và cơ quan quản lý nhà nước, VBMA đã tổ chức nhiều buổi đối thoại chính sách, phản ánh ý kiến của thành viên thị trường lên cơ quan quản lý nhà nước…
Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, Bộ Tài chính đã chính thức phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến năm 2020. Đây được coi là cơ sở pháp lý để phát triển thị trường trái phiếu dựa trên những mục tiêu phấn đấu cụ thể như: Đưa tỷ trọng dư nợ trái phiếu/GDP tăng từ 18% năm 2011 lên khoảng 38% vào năm 2020, trong đó, dư nợ TPCP chiếm khoảng 22% GDP, dư nợ trái phiếu DN chiếm khoảng 7% GDP, còn lại là trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương; sẽ tăng tỷ trọng TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do khối các công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, công ty quản lý quỹ nắm giữ từ mức 12% (2011) lên mức 20% (2020).
Trên cơ sở đó, cơ quan này sẽ tập trung hình thành các công ty định mức tín nhiệm tại thị trường trong nước; hình thành và phát triển quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện; chính sách về quản lý ngân quỹ để gắn quản lý ngân quỹ với quản lý nợ và phát triển thị trường TPCP...
Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng: Thúc đẩy thị trường bằng cơ chế
Hiện nay, khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động của thị trường trái phiếu được ban hành đầy đủ, đồng bộ, từng bước hướng tới các nguyên tắc hoạt động của thị trường trái phiếu quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia hoạt động trên thị trường. Theo quy định tại các văn bản pháp lý mới ban hành về phát hành trái phiếu, phương thức phát hành đã được thay đổi để phù hợp với thực trạng phát triển của thị trường, nhằm minh bạch hóa hoạt động của thị trường, và từng bước tiếp cận các chuẩn mực của thị trường quốc tế, nhằm giảm rủi ro tái cấp vốn đối với NSNN.
Bên cạnh đó, hoạt động đăng ký, lưu ký trái phiếu cũng đã được rút ngắn, tạo điều kiện để nâng cao thanh khoản của trái phiếu trên thị trường sơ cấp. Việc khuôn khổ pháp lý được ban hành đầy đủ, đồng bộ đã tạo điều kiện cho hoạt động phát hành, giao dịch trái phiếu trong năm 2012 được khởi sắc, tạo tiền đề cho các bước phát triển trong năm 2013 và các năm tiếp theo.
Tổng giám đốc HNX Trần Văn Dũng: Gia tăng tiện ích cho các nhà đầu tư
Với mục đích tăng tính thanh khoản cho tín phiếu kho bạc đồng thời tạo sự liên thông giữa thị trường tiền tệ và TTCK, trong năm 2012, hệ thống giao dịch tín phiếu đã chính thức vận hành tại HNX. Sau hơn 17 năm phát hành sơ cấp, công cụ nợ ngắn hạn của Chính phủ phát hành theo phương thức đấu thầu qua Ngân hàng Nhà nước đã được đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và được niêm yết giao dịch trên thị trường TPCP tại HNX… Việc đưa tín phiếu kho bạc về thị trường TPCP đã tập trung về một đầu mối, khắc phục sự phân đoạn giữa thị trường nợ ngắn hạn và thị trường nợ dài hạn, thúc đẩy sự liên kết điều hành trên thị trường tài chính, góp phần bình ổn kinh tế vĩ mô…
Mới đây, ngày 18-3, HNX đã chính thức vận hành phiên bản 2 hệ thống đấu thầu trái phiếu điện tử. Với hệ thống này, sẽ hoàn thiện các tính năng phục vụ cho hoạt động giao dịch bao gồm giao dịch đa thị trường (thị trường nợ công dài hạn và ngắn hạn), giao dịch đa tiền tệ (nội tệ và ngoại tệ), sửa giao dịch Repos lần 2, giao dịch Repos nhiều mã, các lệnh giao dịch tương lai giao ngay và mua lại… Hệ thống tạo thêm nhiều tiện ích quản lý rủi ro, giao dịch Repos, cơ chế báo cáo, hỗ trợ thành viên và các nhà đầu tư trao đổi thông tin, và thỏa thuận giao dịch và theo dõi trực tuyến kết quả giao dịch. Nỗ lực này nhằm thể hiện quyết tâm của HNX trong việc xây dựng thị trường trái phiếu chuyên nghiệp, bền vững tại Việt Nam.
Mai Ka
|
Thu Hằng
Hải Quan
|