Biển của mình, sao phải sợ Trung Quốc!
Sáng 27-3, tại cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi), không khí vẫn tất bật, rộn ràng cho những chuyến đánh bắt ở Hoàng Sa. Đối với nhiều ngư dân nơi đây, sự kiện tàu cá QNg 96382 TS của ngư dân Bùi Văn Phải bị tàu Trung Quốc bắn cháy ở Hoàng Sa không làm họ nhụt chí.
“Còn sống, tôi còn ra Hoàng Sa”
Đang chất những cây đá để chuẩn bị cho một chuyến ra Hoàng Sa, ngư dân Đặng Tự (40 tuổi, ngụ thôn Châu Thuận, xã Bình Châu) tự tin: “Thời điểm này ra Hoàng Sa sẽ gặp nhiều tàu Trung Quốc cản trở, bắn phá nhưng đây là ngư trường của ông cha để lại, nếu không ra thì sẽ mất. Với lại, biển của mình, sao phải sợ!”.
Ngư dân Phạm Quang Thạnh: “Sẽ sớm sửa tàu để trở lại Hoàng Sa”.
Hai ngư dân Phạm Quang Thạnh (trái) và Bùi Văn Phải quyết tâm trở lại Hoàng Sa
|
Hơn 20 năm tuổi trẻ gắn liền với những vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa nên hơn ai hết, ông Tự đã trải qua không ít hiểm nguy, thậm chí bị phía Trung Quốc nhiều lần bắt, đánh đập, phá sạch ngư cụ nhưng ông luôn tâm niệm: “Biển Hoàng Sa đã gắn bó với máu thịt của mình rồi, không thể dứt bỏ được”… Theo ông Tự, ra Hoàng Sa trước hết là để đánh bắt, sau đó bảo vệ ngư trường, biển đảo. “Chừng nào còn sống, tôi còn ra Hoàng Sa” - giọng ông Tự dứt khoát.
Cách tàu ông Tự không xa, tàu QNg 95068 TS của ngư dân Phạm Văn Thạnh (43 tuổi, ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) cũng đang tất bật cho chuyến ra Hoàng Sa. Ông Thạnh tâm sự: “Trung Quốc làm vậy là để ngư dân Việt Nam nhụt chí mà không dám ra Hoàng Sa nữa. Bây giờ mình không ra thì coi như bỏ biển, sau này còn nơi nào để đánh bắt? Bởi vậy, chúng tôi quyết phải ra Hoàng Sa”.
Trái tim giữa biển khơi
Quyết tâm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ ở những ngư dân dày dạn kinh nghiệm, vào sống ra chết mà đó còn là ý chí của nhiều ngư dân trẻ tuổi. Với họ, Hoàng Sa trở thành trái tim giữa biển khơi. “Chỉ biển Hoàng Sa mới có nhiều cá và sản vật. Chúng tôi tâm niệm ra Hoàng Sa là làm nghề kiếm sống, nuôi gia đình, giữ gìn vùng biển mà ông cha đã từng đổ mồ hôi, xương máu giữ gìn. Hơn nữa, đánh bắt ở Hoàng Sa, chúng tôi có cảm giác được cha ông phù hộ, che chở khỏi những tai vạ” - ngư dân Bùi Văn Phải (24 tuổi, chủ tàu cá vừa bị Trung Quốc bắn cháy) nói.
Ngư dân Phạm Quang Thạnh (33 tuổi) cho biết trong chuyến biển bị Trung Quốc bắn cháy tàu vừa rồi, các ngư dân mất trắng 300 triệu đồng nhưng trên đường về, tất cả đã quyết tâm sẽ vay mượn tiền của người thân, gom góp sửa tàu để nhanh chóng trở lại Hoàng Sa.
Hỗ trợ ngư dân trở về từ Hoàng Sa
Sáng 27-3, Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đã gặp gỡ và trao tiền hỗ trợ, thiết bị cho 21 ngư dân và chủ tàu QNg 96417 TS, do ông Dương Văn Giàu làm chủ và tàu QNg 96382 TS, do ông Bùi Văn Phải làm thuyền trưởng. Đây là những ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi vừa gặp nạn khi đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1 và tháng 3-2013.
Theo đó, mỗi ngư dân được hỗ trợ 2 triệu đồng, riêng chủ tàu QNg 96417 TS được thêm 5 triệu đồng và 1 máy trực canh; chủ tàu QNg 96382 TS được hỗ trợ 10 triệu đồng và 1 máy trực canh. Tại buổi gặp mặt, UBND huyện đảo Lý Sơn cũng trao số tiền hỗ trợ cho 21 ngư dân với mức 500.000 đồng/người; Công ty Cổ phần Phích nước Bóng đèn Rạng Đông tặng 15 triệu đồng cho ngư dân Bùi Văn Phải.
Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi cũng đã hỗ trợ cho 10 ngư dân ở huyện Bình Sơn gặp nạn khi đánh bắt tại Hoàng Sa với mức 2 triệu đồng/người và chủ tàu là 10 triệu đồng/người.
V.Mịnh
Mỹ lo ngại vụ Trung Quốc bắn tàu Việt Nam
Trên 700 lượt tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam
Trong cuộc họp thường kỳ ngày 26-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell cho biết nước này rất quan tâm đến vụ Trung Quốc bị tố bắn cháy tàu cá Việt Nam và đang thu thập thông tin từ cả hai phía. “Là một nước Thái Bình Dương, Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và thương mại hợp pháp không bị ngăn trở trên biển Đông. Do đó, chúng tôi phản đối mạnh mẽ việc đe dọa, dùng vũ lực hoặc áp bức để tuyên bố chủ quyền trên biển Đông bởi bất cứ bên liên quan nào” - ông Ventrell tuyên bố.
Ông Ventrell khẳng định những vụ việc như thế càng cho thấy sự cần thiết phải có một bộ quy tắc ứng xử để xử lý một cách minh bạch và hợp pháp. Tuyên bố về ứng xử trên biển Đông (DOC) đã được đưa ra vào năm 2002 nhưng đến nay, Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên trên biển Đông (COC) với các quy định cụ thể có tính ràng buộc vẫn chưa được thông qua do vấp phải sự trì hoãn từ Trung Quốc.
Trong khi đó, theo đài BBC, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 27-3 xác nhận tàu hải quân nước này đã tham gia vụ bắn tàu cá Việt Nam. Tuy nhiên, Tân Hoa Xã dẫn lời một quan chức hải quân Trung Quốc lấp liếm rằng tàu trên chỉ bắn 2 quả pháo sáng lên trời để cảnh cáo và chúng đã cháy hết trên không trung nên không có chuyện làm cháy tàu cá Việt Nam.
- Chiều 27-3, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị báo cáo kết quả phối hợp về quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và quản lý, bảo vệ rừng năm 2012...
Theo báo cáo, trong năm 2012, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đã phát hiện 53 lượt tàu của Trung Quốc hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa. Trong thời gian từ ngày 29-5 đến 16-6-2012, mỗi ngày có từ 10 - 50 tàu tổ chức diễn tập quân sự, khảo sát thăm dò dầu khí và cản trở, bắt giữ tàu thuyền khai thác hải sản của ngư dân Việt Nam tại khu vực Hoàng Sa. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện 717 lượt tàu thuyền đánh cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam.
M.Nhung-H.Dũng
|
Bài và ảnh: TỬ TRỰC
Người lao động
|