VVF: Kế hoạch lợi nhuận quá tham vọng
Tại ĐHCĐ của CTCP Tài chính Vinaconex - Viettel (VVF) sáng 31/1, nhiều cổ đông cho rằng, VVF hoạt động quá mờ nhạt. Các giải pháp để đạt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2013 là 203,73 tỷ đồng, tăng 81,27% so với thực hiện năm 2012 chung chung và thiếu khả thi.
Kinh doanh kém hiệu quả
Có cổ đông sáng lập là những tên tuổi như Tập đoàn Viettel, TCT Vinaconex, Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Quân đội…, song năm 2012, hoạt động của VVF kém hiệu quả. Cụ thể, theo báo cáo của HĐQT VVF, cuối năm 2012, VVF có tổng tài sản 3.602.173 tỷ đồng, giảm 41,98%; lợi nhuận trước thuế đạt 112,392 tỷ đồng, giảm 37,74% so với năm 2011. Công ty hoàn thành chưa đến 60% kế hoạch lợi nhuận do phải trích lập dự phòng. Tỷ lệ nợ xấu là 4,2%, vượt so với mức kế hoạch là 2%. Tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 0,51%.
Đáng lo ngại nhất là tình trạng cho vay “cánh hẩu” diễn ra phổ biến tại VVF. Rất nhiều khách hàng của VVF là công ty con của cổ đông và người có liên quan. Trong đó, khách hàng của VVF lại chủ yếu trong những ngành như bất động sản, xây dựng và vận tải biển, nên năm 2012, tình trạng khách hàng không thanh toán, thanh toán chậm dư nợ vay và nợ lãi đến hạn xảy ra thường xuyên. Ngoài ra, Công ty này còn có khoản dư nợ quá hạn của một số tổ chức tín dụng như SCB, Tài chính Sông Đà, Tài chính Handico ở mức cao.
Sau khi trích lập các quỹ, VVF chỉ có thể trả cổ tức năm 2012 ở mức 7%, thay vì 12% như kế hoạch.
Tham vọng năm 2013
Đề cập đến kế hoạch hoạt động năm 2013, HĐQT VVF nhận định, nhiều dự báo cho thấy kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, thương mại toàn cầu hồi phục chậm. Ở trong nước, hoạt động của các TCTD nói chung và công ty tài chính nói riêng còn nhiều khó khăn. Trên cơ sở đó, HĐQT của VVF xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2013 hướng tới việc tái cơ cấu toàn diện. Cụ thể, về cơ cấu tổ chức, nhân sự, Công ty sẽ thành lập thêm một số ủy ban, hội đồng, bổ nhiệm Trưởng kiểm toán nội bộ, xem xét kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy của Công ty theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối nhưng đảm bảo tính chuyên sâu.
Về chiến lược phát triển, VVF sẽ tiến hành tái cơ cấu các khoản cấp tín dụng theo hướng không ưu tiên đối với nhóm khách hàng là công ty con của cổ đông và người có liên quan, mở rộng cung cấp dịch vụ tài chính cho tất cả các đối tượng khách hàng.
Cũng tại Đại hội, Ban điều hành VVF đưa ra kế hoạch năm 2013 đầy tham vọng: tổng tài sản đạt 3.712 tỷ đồng, tăng 3,06%; tăng trưởng tín dụng 0,64%, song lợi nhuận trước thuế đạt 203,73 tỷ đồng, tăng 81,27%; tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 1,93%.
Để đạt được kế hoạch lợi nhuận trên, VVF cho biết, Công ty sẽ tăng tỷ trọng nguồn thu từ dịch vụ; triệt để xử lý nợ xấu bằng cách tiếp tục giám sát chặt chẽ dòng tiền cũng như tình hình tài chính của các doanh nghiệp; tác động lãnh đạo TCT Vinaconex để đề nghị hỗ trợ thu hồi nợ; đối với các doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo, tiếp tục yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo; tiến hành kiện ra tòa án kinh tế nếu đối tác không hợp tác; đối với các doanh nghiệp có tài sản đảm bảo, VVF tiến hành các phương án như bán tàu, bán dự án...
Liên quan đến tranh chấp về khoản tiền 150 tỷ đồng bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp Vina Megastar, mà bên bảo lãnh là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), ông Hoàng Trọng Đức, Tổng giám đốc VVF cho biết, Công ty sẽ thực hiện triệt để các giải pháp để thu hồi tiền gốc và lãi, dự kiến trước ngày 15/2. Hiện tại, Megastar đã có phương án tài chính với Ngân hàng Bảo Việt để thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Với tỷ lệ sở hữu của các tổ chức chiếm hơn 75% vốn điều lệ, ĐHCĐ VVF diễn ra suôn sẻ và thông qua tất cả các nội dung HĐQT đệ trình. Tuy nhiên, nhiều cổ đông nhỏ của VVF vẫn cảm thấy “ấm ức” vì đã trót đầu tư theo những tên tuổi lớn, song sau hơn 5 năm hoạt động, VVF vẫn chỉ là cái bóng mờ nhạt của những tổ chức sáng lập ra nó.
Anh Việt
Đầu tư chứng khoán
|